Lao động phổ thông trong nước phải được ưu tiênCần rà soát, thống kê số lao động phổ thông nước ngoài có giấy phép và không có giấy phép lao động ở Việt Nam. Với lao động bất hợp pháp thì sẽ xử lý thế nào? - Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐ VN) Đặng Ngọc Tùng trao đổi với báo chí bên lề phiên họp QH chiều 25/5.

Xử lý thế nào?

Ông nói muốn chất vấn Chính phủ vấn đề lao động nước ngoài tại Việt Nam, đặc biệt đối tượng lao động phổ thông. Tại sao đây là vấn đề khiến ông quan tâm?

Tôi đã gửi câu hỏi chất vấn cho Chính phủ liên quan đến vấn đề này. Thời gian qua, các phương tiện thông tin đưa tin lao động nước ngoài đổ vào Việt Nam, đặc biệt có bộ phận người nước ngoài đi du lịch rồi ở lại làm việc.

Như cách bảo vệ quyền lợi của người lao động trong nước, tôi muốn đặt câu hỏi cho các cơ quan quản lý nhà nước về số lao động nước ngoài đang làm việc ở Việt Nam, trong đó có bao nhiêu lao động được cấp giấy phép lao động và bao nhiêu lao động chưa được cấp giấy phép?

Theo quy định, chỉ tuyển lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam khi họ có trình độ chuyên môn, kỹ thuật mà nhân lực trong nước không có, chứ không phải lao động phổ thông. Phương tiện thông tin nói người ta đi vào đây du lịch, rồi ở lại làm việc, như vậy không đúng. Nhà nước có nắm được việc đó không? Một câu hỏi nữa, đó là hướng xử lý những người đó như thế nào? Để họ tiếp tục làm việc tại đây hay trục xuất họ về nước?

Bộ trưởng Lao động - Thương binh - Xã hội nói trong thời hội nhập, không thể khóa cửa lao động nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam. Nhưng những quy định hiện hành bộc lộ những kẻ hở nên xảy ra chuyện lợi dụng, ví dụ vào Việt Nam du lịch rồi ở lại làm việc. Như vậy có hợp lý, thưa ông?

Việc hợp lý hay không để Chính phủ trả lời. Bây giờ trên góc độ người đại diện cho lao động Việt Nam, trong bối cảnh lao động trong nước cũng đang mất việc rất nhiều và một số lao động của Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài cũng đang bị mất việc và phải về nước, quan điểm của tổ chức Công đoàn Việt Nam là làm gì thì làm, Nhà nước cũng phải ưu tiên cho lao động trong nước, đặc biệt lao động phổ thông.

Lao động phổ thông trong nước phải được ưu tiên_0

Giờ tan ca của lao động nước ngoài tại xóm công nhân ở quận Tân Phú (TP.HCM).

Nếu lao động của mình trong nước không đủ trình độ kỹ thuật, phải tuyển ở nước ngoài thì điều đó là đương nhiên. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh lao động phổ thông trong nước phải được ưu tiên. Giờ phải xử lý tình trạng lao động phổ thông nước ngoài vào, không có tay nghề, quan điểm xử lý thế nào? Tôi muốn đặt vấn đề để nghe Chính phủ trả lời.

Không nên nói trách nhiệm riêng

Ý kiến của ông về phương hướng giải quyết thực trạng này?

Trước đây, Nhà nước quy định với những lao động kỹ thuật mà trong nước không đáp ứng được thì doanh nghiệp có thể nhận ở nước ngoài không quá 3% số lao động của doanh nghiệp đó.

Trong bối cảnh hội nhập, nhu cầu doanh nghiệp mở rộng nên Chính phủ đã nới quy định hạn chế không quá 3% đó. Điều đó đúng thôi. Nhưng lao động phổ thông trong nước đang dư thừa nên họ cần được ưu tiên. Riêng tình trạng người nước ngoài đi vào đây du lịch mà lại làm lao động phổ thông thì số đó là bao nhiêu, có nắm được không, pháp luật xử lý thế nào. Nêu quan điểm như vậy để bảo vệ quyền lợi người lao động phổ thông trong nước.

Trong gói kích cầu của Chính phủ có dành ngân sách ưu tiên cho việc giải quyết lao động mất việc làm, cho phép doanh nghiệp vay tiền Nhà nước để trả lương cho công nhân khi doanh nghiệp bị phá sản. Ông có nắm được số doanh nghiệp?

Trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ ra quyết định hỗ trợ giải quyết mất việc làm như vậy là tốt. Nhưng khi thực hiện có tình trạng doanh nghiệp để cho người lao động tự bươn chải, chứ không vay của Nhà nước. Bởi lẽ, vay thì phải trả. Trong khi người lao động không có công ăn việc làm, không có tiền, tự ý bỏ đi nên mất quyền lợi.

Hơn nữa, chính sách chỉ áp dụng cho thực trạng năm 2009, trong khi cuối năm 2008 đã xảy ra khủng hoảng và có doanh nghiệp phá sản, chủ bỏ trốn, không thanh toán lương cho công nhân. Ở TP HCM có 7 doanh nghiệp như vậy. Công đoàn đã kiến nghị chính sách của Chính phủ nên cho phép áp dụng cả trường hợp những doanh nghiệp bị phá sản cuối năm ngoái được hưởng quy định của Chính phủ.

Quản lý lao động nước ngoài liên quan đến nhiều ngành và cần sự điều chỉnh của nhiều ngành. Như vậy liệu có những khó khăn không, theo ông?

Điều hành của Chính phủ là làm sao phải quản lý, điều hành cho được việc đó. Không nên nói trách nhiệm riêng mà đây là trách nhiệm chung.

Theo Vietnamnet.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC