Lao động tự do thời... "đói" việcDo ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng kinh tế, nhu cầu về lao động trong nhiều lĩnh vực giảm đi đáng kể và người lao động tự do cũng không nằm ngoài xu hướng đó.

Trong thời buổi đói việc, nhiều người vẫn vật vờ tại các chợ lao động với hy vọng sẽ có người đến mua sức lao động của mình, hòng kiếm những đồng tiền dù ít để nuôi thân và lo cho gia đình.

Một miếng bánh cho nhiều người

Sau nhiều ngày la cà tìm hiểu tại các chợ lao động như cầu Trung Tự, khu đô thị Định Công, Mai Động, chợ Nhật Tân, dốc Bưởi... thì điều dễ nhận thấy nhất là năm nay người lao động không có cơ hội chọn lựa công việc theo ý thích, do đói việc nên họ buộc phải lao vào làm cả những công việc mà nói như họ, trước đây chả ai thèm...

Một ngày cuối tháng 4, chúng tôi tới chợ lao động trên cầu Trung Tự, chứng kiến cảnh vật vờ chờ người đến mua sức lao động của họ giữa cái nắng gắt, mới thấy hết những nỗi cực nhọc của công cuộc mưu sinh thời suy thoái kinh tế của lực lượng lao động tự do.

Đây là chợ lao động riêng của hơn chục người cùng ở xã Công Liêm - huyện Nông Cống, Thanh Hoá. Ngồi trò chuyện với nhóm người này gần nửa ngày mà chúng tôi không hề thấy bóng dáng của một ông chủ, bà chủ nào tới tìm thuê họ. Khoảng 3h chiều, khi chúng tôi chuẩn bị đi thì một người đàn ông khoảng 40 tuổi chạy xe tới thuê việc, rất nhanh, hơn chục con người ào cả ra quây tròn ông ta ngay dưới lòng đường, tạo nên một cảnh mua bán sức lao động bát nháo giữa đường xe chạy tấp nập.

Sau những cái nắm tay, kéo xe, giật áo... của nhóm lao động, cuối cùng anh Minh, người có nước da đen nhẻm (sinh năm 1986) là người trẻ nhất nhóm được ông chủ "chọn mặt gửi vàngg". Ông ta thuê anh về để dọn dẹp nhà cửa, khuân đồ bỏ đi ra bãi rác với giá 50.000đ. Nhưng khi nghe anh Minh cò cưa muốn thêm ít tiền, ông ta liền trả lời: "Làm thì làm, không làm thì thôi, tôi thuê người khác". Do từ sáng không có việc, hơn nữa đã phải nhịn bữa trưa, nên anh đành lóc cóc đạp xe theo ông ta.

Tại các chợ Khu đô thị Định Công, Mai Động, chợ Nhật Tân, dốc Bưởi.. tình trạng tranh giành từng công việc cũng thường xuyên diễn ra, những việc anh em đồng hương xích mích, bằng mặt chứ không bằng lòng với nhau sau những lần tranh giành công việc là điều không thể tránh khỏi. Anh Đại (một lao động ở cầu Mai Động) cho biết "Anh thấy đấy, cả người mới được mấy miếng bánh ngon (người đến thuê - PV) anh, em giành giật nhau là chuyện thường. Những năm trước, việc nhiều mọi người còn nhìn nhau mà nhường nhịn. Nhưng giờ, việc khó, người nhiều, mặc sức ai tranh được thì người đó có miếng ăn".

Chạy đâu khỏi nắng

Anh Minh (ở xã Công Liêm - huyện Nông Cống, Thanh Hoá) cho biết mấy năm trước anh cũng kiếm cơm bằng nghề lao động tự do trong Sài Gòn. Nhưng từ năm ngoái nghề lao động tự do trong Sài Gòn cũng không kiếm đủ tiền nuôi thân. Mấy tháng cuối năm 2008, anh thất nghiệp liên tục nên Tết rồi phải đi mượn tiền để về quê. Tết xong, thấy đường quay lại Sài Gòn quá xa xôi nên anh đã theo chân anh, em cùng xã ra Hà Nội và hàng ngày quẩn quanh tại cầu Trung Tự để chờ việc. Khi chưa ra Hà Nội, anh tưởng công việc sẽ nhiều, cuộc sống tươi sáng hơn. Nhưng sau mấy tháng vật vờ ở đất Thủ đô, anh nhận ra một điều "Thời buổi kinh tế khó khăn, chạy đâu cũng không dễ kiếm được miếng ăn".

Lao động tự do thời...

Chị Trần Thị Hà (quê ở Nghĩa Hưng - Nam Định) là người đã nhiều năm sống bằng nghề lao động tự do tại Hà Nội tâm sự: Những ngày đầu mới lên Hà Nội, chị đứng chờ việc ở đường Nguyễn Trãi. Nưng từ cuối năm ngoái đến nay, việc khó, chị đã di chuyển đi rất nhiều chợ lao động khác nhau quanh đất Hà thành. Cứ nghe tin đồn ở chỗ này, chỗ khác có nhiều việc hơn là chị lại chạy. Tuy vậy sau nhiều lần chạy chỗ mỏi chân, công việc vẫn không có gì khá hơn nên giờ chị quyết định dừng chân hẳn tại Khu đô thị Định Công và gia nhập đội quân chuyên đội bê tông.

Hiếm việc nên phải tìm mọi cách để... ra việc mà làm. Theo dân lao động, những công việc mà họ quen gọi là những công việc ở chợ nách như vận chuyển, gồng gánh, dọn dẹp nhà cửa... là những công việc mà mọi năm họ thường chê làm, nhưng năm nay cũng rất hạn chế. Bởi thế, dù họ có chạy mỏi cẳng thì ở đâu cũng khó như nhau.

Nhịn ăn, nợ tiền trọ

So với những năm trước từ cuối năm 2008 tới thời điểm này, số giờ lao động và lượng công việc họ được nhận làm đã giảm hơn một nửa. Thu nhập giảm đáng kể mà giá chi phí sinh hoạt từ thực phẩm đến tiền thuê nhà đều đồng loạt tăng. Bởi thế, cuộc sống của họ vốn đã khó nay càng khốn khổ hơn.

Trong những lời bộc bạch của nhóm lao động ở cầu Trung Tự, chúng tôi được biết, thời gian qua, do ít việc, tiền ăn, tiền trả nhà trọ không có đủ để trả nên anh, em ai có điện thoại, đồ trang sức gì đều lần lượt cho ra đi hết (đem bán) để lấy tiền trang trải cho những ngày thất nghiệp. Anh Phong, là anh cả trong nhóm than thở: "Nhiều năm nay tôi sống bằng nghề này, nhưng chưa thấy năm nào ít việc và sống khó như năm nay. Nhiều bữa, anh, em ra tụ tập cả ngày nhưng không có một ai đến thuê. Hôm nào không có việc, đồng nghĩa với việc anh, em phải nhịn ăn. Trong khi đó tiền nhà trọ tối nào phải thanh toán ngay tối đó, nếu không có là bà chủ la ầm lên. Nếu tình trạng này kéo dài thêm khoảng một tháng nữa, chắc tất cả phải về quê xin tiền gia đình lên sống thôi".

Mặc dù việc ít, tiền kiếm được nuôi thân còn khó, nhưng nhiều lao động vẫn có tâm lý phải cố bám trụ ở thành phố với suy nghĩ rất đơn giản, về quê kiếm tiền còn khó hơn gấp bội. Nếu tình hình suy giảm kinh tế tiếp tục kéo dài. Không biết cuộc sống của họ và gia đình họ sẽ ra sao.

Theo Công luận.





 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC