Một người chuyên đánh hóa quả Trung Quốc tiết lộ, đào mua từ cửa khẩu giá rẻ được phun thuốc, đóng thùng chuyển về Hà Nội tiêu thụ. Khắp các chợ, đào, mận Trung Quốc luôn được người bán nói là đào Sa Pa, nhưng đóng trong thùng chữ Trung Quốc.
Người bán mỗi người một kiểu
Trước tâm lý sợ hàng Trung Quốc, nhiều người sau khi lấy hàng Trung Quốc thường gán mác hàng Việt để dễ bán. Chính vì thế mà đâu đâu khắp các chợ trên địa bàn Hà Nội tuyệt nhiên đào luôn được quảng cáo là đào Sa Pa.
Việc phân biệt được đào Sa Pa và đào Trung Quốc lại không hề dễ dàng. Tuy nhiên theo tiết lộ của người buôn hoa quả thì đào Sa Pa không có nhiều, đào trên thị trường hiện nay hầu hết là đào Trung Quốc.
Tại chợ đầu mối Hoàng Mai (Hà Nội), đào được bày bán khá nhiều. Có hai loại “đào Sa Pa” là loại có màu đỏ, trơn bóng không có lông; một loại nữa là đào có màu xanh hơi ửng hồng, nhiều lông tơ.
Cả hai loại đào đều được quảng cáo là đào Sa Pa. Nhưng theo tiết lộ của nhiều tiểu thương thì đào trơn bóng, không có lông là đào Trung Quốc 100%.
Mặc dù vậy, tịa các chợ lẻ, người bán vẫn một mực khẳng định đây là đào Sa Pa. Theo giải thích của họ thì sở dĩ có nhiều loại đào trên thị trường là vì hiện nay đào được lai ghép nhiều giống.
Chị Nguyễn Thị Hà (Trương Định, Hoàng Mai) đang chọn mua loại đào này cho biết: Đây mà đào Sa Pa gì, đào Tàu là cái chắc. Khi hỏi chị Hà tại sao biết đào Tàu mà vẫn mua, chị Hà cho hay chị thường mua nhiều loại hoa quả về thắp hương nên mua loại đào này về bày cho đẹp chứ không ăn.
Loại đào đỏ, trơn bóng được bán tại chợ có giá 20.000 đồng/kg. Trong khi đó loại đào xanh, có lông có giá từ 20- 30 nghìn đồng/kg.
"Đào Sa Pa" được đựng trong thùng giấy có chi chít chữ Trung Quốc |
Với loại đào quả màu xanh thì hơi khó phân biệt vì giống nhau từ màu sắc đến hình dáng. Hàng nào cũng nhận mình bán đào Sa Pa chính hiệu, không có đào Trung Quốc và khẳng định trên thị trường loại đào xanh cũng có loại của Trung Quốc. Tuy nhiên khi hỏi người bán cách phân biệt đào ta và đào Trung Quốc thì họ cũng trả lời lấp lửng, mỗi người một kiểu.
Có tiểu thương cho rằng đào nhiều lông, đuôi trái hình mỏ quạ là đào mình. Còn người bán khác lại nói đào mình trái nhỏ, ăn giòn, ngọt còn đào Tàu cũng có màu xanh nhưng lông ít hơn, trơn hơn.
Chị Nga, một khách hàng chọn mua đào tại cửa hàng hoa quả trên đường Hoàng Mai cũng phải lắc đầu, người bán thấy đâu cũng nói đào Sa Pa thì mình cũng biết thế, chẳng biết phân biệt kiểu gì.
Thậm chí có người bán còn quảng cáo đào Lạng Sơn. Nhưng khi trao đổi với ông Nông Văn Lai (Đồng Mỏ, Lạng Sơn), ông Lai khẳng định hiện nay đào ở Lạng Sơn đã cuối mùa rồi, không còn nhiều nữa, mà trái đào bé như trái chanh chứ không to như bán tại chợ.
Tiết lộ của một tiểu thương bán hoa quả tại chợ đầu mối Hoàng Mai, anh thường xuyên theo xe lên cửa khẩu lấy hàng, đào bán tại Hà Nội chủ yếu là đào Trung Quốc. Nếu lấy ở trên cửa khẩu chưa đến 20.000 đồng/kg. Đào trước khi vận chuyển về Hà Nội thường được phun thuốc bảo quản và cho vào thùng.
Cũng theo anh này, đào Sa Pa vào vụ thường là tháng 4 và tháng 8. Hơn nữa quả đào thường bé chứ không to, tròn như đào bán tại các chợ. Đào Sa Pa chính hiệu mua tận nơi đã có giá 30- 35 nghìn đồng/kg.
“Hoa quả Việt Nam mình có xấu xí nhưng an toàn, còn nếu có mua đào thì nhớ gọt vỏ sâu vào” đó là lời khuyên của người đàn ông chuyên đánh hàng hoa quả Trung Quốc về Hà Nội tiêu thụ.
Theo Infonet.