Ai nhìn vào cũng nghĩ lấy vợ giàu sẽ sung sướng, chỉ những người trong cuộc mới thấm thía họ được cái tiếng nhưng thiệt thòi vô số thứ.
Lấy vợ tiểu thư, chồng thành ô sin
Tuy là dân quê lên thành phố học nhưng Tài lại có vẻ bề ngoài cao ráo, sáng sủa và tính cách rất ga lăng nên anh được khá nhiều cô gái thương thầm nhớ trộm, trong đó có Vy.
Vy học cùng trường, kém Tài 2 khóa. Không quá xinh đẹp, nhưng điểm nổi bật của Vy là dáng người cân đối, vòng nào ra vòng nấy. Và đặc biệt hơn cả là nhà Vy rất có điều kiện.
Từ nhỏ, cô đã quen sống trong nhung lụa, thể chất lại yếu ớt nên chưa bao giờ Vy phải động tay vào bất cứ công việc nhà nào. Bạn bè thường gọi cô là “Vy tiểu thư”. Chính sự vụng về, đáng yêu của Vy khiến Tài xiêu lòng.
Gia đình Tài cũng thuộc diện có của ăn của để ở quê nên sau khi cưới, bố mẹ Tài mua ngay cho 2 vợ chồng một căn hộ chung cư với đầy đủ tiện nghi. Tài ung dung rước nàng về dinh với tâm trạng phấn chấn và ngập tràn hạnh phúc.
Thế nhưng, ước mơ lấy vợ, được chăm chút, cơm bưng nước rót từ miếng ăn tới cái áo mặc của Tài đã tan thành mây khói ngay sau lễ cưới. Kết hôn xong, Tài vừa giữ chức "chồng" vừa kiêm luôn chức quản gia và ô sin tại gia.
Vy không biết nấu nướng, cũng chẳng biết làm việc nhà, từ những việc đơn giản nhất như vo gạo, cắm cơm, nhặt rau… đến việc phân loại quần áo bỏ vào máy giặt và ấn nút, cô đều lơ ngơ và không có ý định động tay đến.
Ban đầu, Tài còn cười đùa trêu vợ đoảng hơn cả Thị Nở, lâu dần, hễ anh góp ý thì Vy phụng phịu giận dỗi đòi thuê ô sin. Đương nhiên Tài không đồng ý. Vợ chồng son rỗi mới cưới chưa được bao lâu còn chưa tận hưởng hết sự tự do của cuộc sống riêng tư, Tài không muốn có sự xuất hiện của người thứ 3 trong nhà.
Tài đành nhắm mắt làm hết tất cả mọi việc. Anh nghĩ sẽ dạy Vy dần dần quen với việc bếp núc, nhà cửa nhưng chưa được bao lâu thì Vy có bầu. Thế là cứ đi làm về Tài lại phải xắn tay vừa vào bếp, vừa dọn dẹp nhà cửa.
Do thể trạng yếu nên từ khi mang thai, Vy xin nghỉ làm luôn. Những tưởng vợ nghỉ ở nhà sẽ đỡ đần cho chồng, nào ngờ mỗi lần về nhà, Tài còn phát hoảng hơn so với lúc vợ đi làm. Phòng khách bừa bộn đồ ăn vặt, quần áo sạch và quần áo bẩn vứt lẫn lộn khắp nơi, chăn màn triền miên trong tình trạng không gấp…
Không những thế, Tài nấu món gì Vy cũng chê không bằng giúp việc nhà cô, rồi ăn thế này không đủ chất... Thích lên là Vy bỏ bữa, luôn tiện gọi đồ ăn ở ngoài về hoặc tự mình ra quán ăn.
Một lần giặt đồ, Tài quên không bỏ váy ngủ bằng ren và đồ lót của vợ vào túi giặt khiến chiếc váy rút sợi, áo ngực bị méo mó, Vy đã gào ầm lên giữa nhà: “Anh đúng là đồ phá hoại! Có biết bao nhiêu tiền bộ đồ ngủ ấy không?”. Sợ vợ giận, ảnh hưởng đến con, hôm sau Tài đi mua "đền" vợ 1 bộ y chang.
Hiếm hoi có hôm Vy "lăn" vào bếp nấu nướng để “hâm nóng tình yêu” thì bếp núc lanh tanh bành đủ loại bát đĩa, xoong nồi bẩn. Cô rán trứng lửa cháy bùng bùng như cháy nhà... Sau một hồi vật lộn được 3 món, Vy đầu bù tóc rối, nhem nhuốc bước ra khỏi bếp khiến Tài ngao ngán. Vừa giận, vừa thương, anh đành dỗ dành rồi dẫn vợ ra ngoài ăn.
Ở nhà không có việc gì làm nên Vy chỉ tập trung... tiêu tiền. Có tháng Vy tiêu đến hết cả mấy chục triệu. Chồng nhắc thì Vy lại nũng nịu: “Lo gì anh, của hồi môn bố mẹ cho nhiều lắm, còn lâu mới hết”.
Tài ngậm ngùi xót của, mong sao cho qua nhanh thời gian vợ nghỉ đẻ thì mới hy vọng chấm dứt tình cảnh này... Anh tính sẽ sớm thuê ô sin hoặc nhờ bà nội ở quê lên chăm cháu và con dâu.
Mang tiếng trai “đào mỏ” vì lấy vợ giàu
Bạn bè ai cũng khen Khoa tài giỏi khi cưới được cô vợ sắc nước hương trời, giỏi giang, gia đình vợ 3 đời làm quan chức to nên "ô dù" vô cùng vững chắc. Trong khi bạn bè ra trường phải chạy ngược xuôi để kiếm việc làm thì trước lúc cưới, Khoa đã được sắp xếp một công việc ngon lành tại cơ quan của bố vợ.
Thế nhưng, chỉ có Khoa mới thấm nỗi khổ khi lấy được vợ giàu. Vợ anh tuy xinh đẹp, "giỏi việc nước" nhưng lại thiếu tình cảm và không làm tròn nghĩa vụ của một người con dâu.
Vốn được giáo dục làm quen với tiền bạc và quyền lực quá sớm, vợ anh chỉ giao tiếp và duy trì quan hệ với những người mà theo cô nói là “có giá trị”.
Còn những đối tượng thuộc hạng không vai vế, không đẳng cấp như họ hàng nhà chồng, mặc dù cô vẫn giữ lễ độ nhưng lại luôn lãnh đạm, chưa bao giờ gần gũi hay quan tâm. Chỉ cần anh bàn bạc với cô bất cứ việc gì là cô sẽ ngắt lời và đáp gọn nhẹ: “Em bận lắm, anh cứ gửi tiền cho bố mẹ tự lo đi”.
Ông bố vợ quyền cao chức trọng thì chỉ coi anh như kẻ ăn bám, mỗi lần phật ý, ông sẵn sàng xưng hô mày - tao với anh. Đã không ít lần anh bẽ mặt khi trong bữa cơm gia đình, ông lên tiếng nhiếc móc vợ anh không biết chọn chồng môn đăng hộ đối, còn anh “chuột sa chĩnh gạo” mà không biết điều.
Bà mẹ vợ cũng không kém phần khi luôn miệng chê bai, dè bỉu gia đình anh chỉ biết vòi vĩnh xin xỏ. Lần duy nhất bất đắc dĩ phải về quê con rể thăm nhà trước khi cưới, bà coi đó như cuộc đi đày, xem những người nhà quê như bố mẹ anh chẳng khác nào người mắc bệnh hủi. Bất kỳ ngồi chỗ nào, mẹ vợ cũng phủi lên phủi xuống, ăn món gì cũng đưa lên ngửi chán chê, mặc cho vợ anh đã nhắc khéo đôi lần.
Cuộc sống hôn nhân gần 2 năm của Khoa giờ như bước vào địa ngục. Vợ anh học hết thạc sỹ lại tiếp tục học lên tiến sỹ, cô vẫn chỉ lo sự nghiệp không muốn sinh con. Ngôi nhà rộng thênh thang không có tiếng trẻ con, 2 vợ chồng mỗi người 1 sự nghiệp riêng, vợ anh thì quá vô tâm, hờ hững với chồng nên anh thực sự chán ngán mỗi khi bước chân về nhà.
Đành rằng Khoa rất có năng lực, anh được không ít công ty nước ngoài mời làm, nhưng giờ anh lâm vào cảnh tiến thoái lưỡng nan. Bỏ công việc ở chỗ bố vợ chắc chắn cả nhà vợ sẽ chê trách anh có sướng mà không biết hưởng. Vậy nên, ngày ngày đi làm, anh cũng chỉ làm hết phần của mình, không bon chen, không chí hướng. Trong mắt bạn bè và đặc biệt là gia đình vợ, anh mãi chỉ là một thằng "đào mỏ" không hơn không kém.
“Nghe người ta nói lắm cũng chán, thôi thì kệ người ta, mình sống sao cho đúng với những gì mình có là được. Lấy vợ giàu khổ lắm chứ chẳng sung sướng như mọi người vẫn nghĩ đâu” - Khoa chia sẻ.
Theo Pháp luật xã hội.