Mô hình Hàng Trống tan hoang
Lễ hội phố hoa lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội vừa khai mạc tối 31/12/2008 nhưng sau một đêm, sáng 1/1/2009, những người trông coi lễ hội này đã không ngớt lời than phiền về ý thức của người dân đã làm giảm đi cái đẹp của những bông hoa được các nghệ nhân kỳ công thực hiện trong nhiều ngày.
Sáng 1/1 mọi ngả đường đều đổ về khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm để xem Lễ hội phố hoa Hà Nội. Dọc đường Hai Bà Trưng, Lý Thái Tổ, Tràng Thi, Ngô Quyền đều chật cứng. Phố hoa được trưng bày trên vỉa hè dọc Bờ Hồ và 1/3 lòng đường Đinh Tiên Hoàng, càng làm cho con đường chật như nêm cối. Và vì thế, khung cảnh của lễ hội cũng không thể chiêm ngưỡng hết được.
Tuy nhiên, điều khiến những chủ nhân của mỗi gian hàng hoa thấy “xót ruột” đó là nhiều chậu hoa bị mất, bị rút cành, bẻ cành khá nhiều. Anh Hà Giang thuộc công ty Đà Lạt Hasfarm (Thành phố Lâm Đồng- Đà Lạt) cho hay: “Công ty chúng tôi từng tham gia nhiều lễ hội phố hoa ở TP HCM, Đà Lạt nhưng không ngờ rằng ý thức của người dân Hà Nội lại kém đến thế”. Để chứng minh cho nhận xét của mình, anh dẫn chúng tôi đi xem những chỗ bị phá: “Những dãy hoa này chúng tôi đã phải mất 3 đêm để trang trí vậy mà chỉ vài tiếng sau nó đã bị xộc xệch đi rất nhiều. Cả đêm hôm qua tôi hầu như không dám ngủ để canh chừng cho gian hàng hoa của công ty mình giữa cái lạnh buốt của khí hậu Hà Nội.
Nhân viên bảo vệ đang nhắc nhở khách tham quan (Ảnh: TG) |
Ngoài lực lượng bảo vệ được BTC bố trí trông coi, chúng tôi còn cử người của công ty hỗ trợ nhưng không ăn thua”. Cứ một lúc, anh Giang lại phải bỏ dở câu nói để “ưu tiên” cho việc nhắc nhở khách thăm quan. Anh Giang cũng chỉ cho chúng tôi đám bông lau trắng xơ xác và nhiều cành bị bẻ gãy: “Đám lau này có 500 cành và là điểm nhấn thu hút khá nhiều khách ghé thăm và chụp hình. Vậy mà giờ nó bị bẻ, bị rút chắc chỉ còn được một nửa”. Anh Giang nhìn đám lau trắng xót xa.
Anh Nguyễn Phong Nhã - bảo vệ trông coi khu vực tượng đài Lý Thái Tổ than phiền: “Khu vực này trước lúc khai trương rất đẹp, vậy mà đến giờ cỏ đã bị giẫm nát hết cả. Tôi nhắc đến khô cả miệng vẫn “như gió vào nhà trống”. Quay qua quay lại đã có người nhảy vào bãi cỏ để chụp ảnh, sờ lên hoa. Đêm hôm qua, dân còn tràn vào bê những chậu cây đi nữa, chúng tôi đuổi theo nhưng cũng chỉ được một số và họ cũng chỉ cười trừ chứ không làm được gì hơn”.
Mình con rồng hoa đã bị người dân rút ra một vạt (Ảnh: TG) |
Anh bảo vệ Cam Bình Hương cũng chỉ cho chúng tôi xem mình con rồng hoa đã bị người dân rút ra một vạt và nói: “Tôi phụ trách trông coi một con rồng nhưng đứng ở phía đầu thì phía cuối lại có người sờ mó, nhắc không xuể, làm cho hoa bị thâm và đen đi nhiều. Những chỗ bị rút giờ cũng không còn hoa để thay nữa”. Vừa chỉ cho chúng tôi xem, anh Hương vừa thổi còi nhắc nhở khách: “Khổ quá, đây là hoa thật, không phải hoa giả. Xem là biết rồi lại còn sờ với mó...”, rồi anh bảo: “Đấy, ý thức kém lắm. Khách nước ngoài, họ chỉ xem thôi chứ không chạm vào như mình đâu. Cứ như thế này thì còn gì là phố hoa nữa”.
Ở một góc khác, 3 thanh niên trong màu áo tình nguyện đang kéo dây căng không cho người dân vào khu vực trưng bày để chụp ảnh. Một thanh niên cho biết: “Khu vực này được tái hiện lại một phần không gian của phố Hàng Trống nhưng bây giờ chị xem, nhiều người còn nhảy lên mình rồng chụp ảnh làm gãy cả tấm ván đỡ...”.
Sinh viên tình nguyện phải căng dây bảo vệ (Ảnh: TG) |
Theo quan sát của chúng tôi, ở các khu vực trưng bày này đều không có biển cấm hay nhắc nhở người dân không được chạm vào hoa và hiện vật. Trước khi diễn ra lễ hội này, ông Nguyễn Khắc Lợi - Phó giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội - Trưởng Ban tổ chức cho biết: “Lúc đầu, phương án cấm đường trong những ngày diễn ra lễ hội đã được đưa ra nhưng không khả thi bởi nhu cầu đi lại của người dân những ngày giáp Tết rất lớn. Vì thế, biện pháp duy nhất vẫn là trông chờ vào ý thức của người dân và khách tham quan là chính”.
Theo Gia Đình & Xã Hội