Nội dung nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu là vốn cho hợp tác xã hoạt động. Theo báo cáo thẩm tra dự luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, để khuyến khích nhiều người tham gia hợp tác xã theo nguyên tắc kết nạp rộng rãi thành viên; và hợp tác xã huy động vốn từ vốn góp của nhiều thành viên, không phải từ số ít thành viên có vốn lớn, do đó, cần quy định mức vốn góp tối đa của một thành viên ở mức phù hợp với đối tượng tham gia hợp tác xã là những người yếu thế có ít vốn và bảo đảm vốn góp không quá chênh lệch giữa các thành viên.
Đồng thời để đáp ứng nhu cầu về vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã, luật quy định: Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã ưu tiên vay vốn từ thành viên, hợp tác xã thành viên để đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh trên cơ sở thỏa thuận với thành viên, hợp tác xã thành viên.
Trường hợp vay vốn từ thành viên, hợp tác xã thành viên chưa đáp ứng đủ nhu cầu thì hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã huy động vốn từ các nguồn khác theo quy định của pháp luật.”
Tuy nhiên, theo đại biểu Đặng Thị Kim Chi (đoàn Phú Yên), ngân hàng ngại cho vay hợp tác xã bởi lo ngại rằng đây là tổ chức “cha chung không ai khóc” nên dè dặt khi cho vay vốn. Do đó hợp tác xã đang gặp nhiều khó khăn về vốn.
Chung ý kiến với bà Kim Chi, đại biểu Nguyễn Văn Sơn (đoàn Hà Tĩnh) và một số đại biểu khác cũng cho rằng cần quy định rõ Chính phủ hỗ trợ vốn như thế nào cho hợp tác xã ngay trong luật, nhất là đối với các hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông- lâm- ngư nghiệp.
Bà Kim Chi đề nghị miễn thuế cho doanh nghiệp của hợp tác xã hoạt động trong ngành nông lâm, ngư nghiệp sản xuất các mặt hàng phục vụ xã viên, trong khi vai trò hợp tác xã ở vùng nông thôn có vai trò rất lớn trong tạo việc làm cho người nông dân.
Dự án luật Hợp tác xã (sửa đổi) sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua vào 20/11.
Theo Đất Việt.