Ngày 29/1/1993 Chính phủ đã ra Nghị quyết số 05 về một số chủ trương và biện pháp ngăn chặn và giải quyết tệ nạn mại dâm. Ở dải đất miền Trung, tệ nạn này không biết có tự bao giờ và bắt đầu từ đầu, nhưng không ở đâu không có, kể cả thành phố Đà Nẵng nơi vẫn được mệnh danh “thành phố 5 không”.
Nhiều năm qua các ngành chức năng bằng những cố gắng của mình cũng đã xúc tiến nhiều biện pháp khả dĩ để địa phương mình vắng bóng tệ nạn... “kỹ nữ”. Thế nhưng trên thực tế giải quyết những vấn đề trên đây vẫn là những câu hỏi chưa có lời giải đáp. Một phần cũng bởi những mảnh đời “kỹ nữ” lại có những ẩn số mà chính họ không thể hay không muốn vượt qua?
Đô thị miền trung về đêm
Khác với Sài Gòn, Hà Nội... những thành phố sôi động của Việt Nam, những thành phố miền Trung như Vinh, Hà Tĩnh, Đồng Hới, Huế, Đà Nẵng... về đêm thật yên tĩnh, chỉ độ 23 giờ ngoài đường đã rất thưa người đi lại, nhất là vào mùa đông khi cái lạnh trải tràn ra không gian. Khung cảnh chung thì vậy, nhưng đằng sau sự yên tĩnh đó lại có một “thị trường” náo nhiệt và không kém phần đắng cay – thị trường mua bán của khách làng chơi.
Có thể nói sôi động nhất là các vũ trường, các tiệm masage, Karaoke.... Tại đây không ít các vũ nữ, các “kỹ thuật viên” và “ca sĩ” hát bằng... tay đã “mượn” những địa điểm này để gạ gẫm và giới thiệu “mặt hàng”. Nơi hành sự là phòng nghỉ ở các khách sạn, nhà nghỉ mà họ thuê để ở dài dài như khách thập phương có hạng. Hạng này được coi là gái “bán dâm quý tộc”.
Một loại cũng chiếm phần không nhỏ là ở trong các nhà chứa, nhà nghỉ, quán trọ. Số này tìm khách thông qua bọn chủ chứa, ma cô dẫn dắt, cả những người chạy xe ôm... khi tìm được khách sẽ đưa đến các điểm hẹn. Vì không xuất hiện và trực tiếp đi bắt mối cho nên đồng tiền thường phải “chia năm sẻ bảy”.
Tầng lớp thứ ba trong nghề thường gọi là “gái đứng đường”, địa bàn hoạt động của họ chủ yếu tập trung ở khu vực các bùng binh, bến xe, góc phố đông người hoặc sân ga. Đúng với cái tên gọi của nó, cuộc sống của những người này hết sức bấp bênh, do đó để duy trì cuộc sống, họ có thể làm thêm một số việc vặt khác như bán sữa đậu nành, bán vé số và giá cả cũng hết sức “linh động”, thông thường đi một “dù” chỉ độ dăm ba chục có khi ế ẩm thì một hai chục cũng xong. Đã thế đôi khi còn bị khách làng chơi “xù”.
Những mảnh đời chua xót
Đi tìm câu trả lời khả dĩ có thể hạn chế, tiến tới giải quyết dứt điểm tệ nạn này, nhiều ý kiến cho rằng: Đây là một tệ nạn có nguồn gốc phát sinh do những yếu tố chưa chuẩn mực của xã hội. Và tất nhiên để giải quyết thì phải xuất phát từ những nguyên nhân nảy sinh ra chúng. Đã đành là vậy, thế nhưng nhiều cô gái làm nghề này chắc gì đều là những “nạn nhân” đã và đang phải chịu hậu quả của những vấn đề xã hội? Ngược lại, chính quan niệm sống không cần nhân cách đã đưa họ trở thành những rác bẩn của xã hội hiện thời.
Trong số nhiều gái mại dâm đang hành nghề, có thể phân thành các loại sau: Do “hoàn cảnh khó khăn” đành phải kiếm kế sinh nhai bằng cái nghề bán “vốn tự có” ăn xổi này. Hầu hết những cô gái bán dâm khi được tiếp xúc đều nói như vậy. Chị H ở đường Hoàng Diệu, chị M ở đường Nam Cao (TP Đà Nẵng)… là những người có chồng con nhưng người chồng bỏ, người thì chồng chết phải làm nghề để nuôi con thì đã đành; những em gái còn rất trẻ như Nguyễn Thị H (sinh 1987), Phạm Thị Phương L (1986), cô Mai A , cô Diệu N người miền tây Nam Bộ ra làm nghề matsage trá hình ở một đường lớn ngoài quận Liên Chiểu, cô L ở đường Nguyễn Tri Phương (cũng ở Đà Nẵng) - những thiếu nữ chưa chồng, chưa hề vướng bận việc gia đình thậm chí mới rời khỏi ghế nhà trường cũng đều nói như thế.
Có lẽ đây là lý do mà dễ được người đời chấp nhận và thông cảm. Bên cạnh số đông như vậy thì cũng có không ít những hoàn cảnh éo le muốn được “trả thù” cha mẹ, người yêu, vì thích được ăn ngon mặc đẹp mà tham gia vào “đội quân” này. Cũng còn có những hạng người mà tôi không biết nên liệt vào loại người gì cho xứng tên của họ, tài sản họ khá đàng hoàng, có của ăn của để, có chồng có con nhưng vẫn đi làm gái?
Đã có những giọt nước mắt hối hận
Xóm trọ của tôi gần Ngã ba Huế, chị C với những giọt nước mắt lăn dài trên đôi gò má đã làm cho câu chuyện giữa chúng tôi nhiều khi phải ngắt quãng. Chị cho biết: trong cuộc đời hơn 7 năm đi làm “gái” của mình đã có lúc chị thấy “mãn nguyện”, đó là khi tuổi xuân đang độ son sắt, biết bao nhiêu kẻ đã từng cung phụng chiều chuộng, kiếm ra đồng tiền đâu có khó khăn gì.
Về lý do để chị đoạn tuyệt với quá khứ này, chị nói: “Nhục lắm em ạ, cạn nghĩ mà tưởng vậy thôi. Sung sướng gì phải đi làm đồ chơi cho thiên hạ.Cầm đồng tiền bán cái nhân phẩm, cái xuân thì để tiêu pha mà cứ nghĩ mình đang ăn dần máu thịt, danh dự của chính mình và gia đình, dòng họ”.
Cũng với nỗi niềm như chị C, em gái nhỏ 22 tuổi mà tôi đã quen khá lâu, khi tâm sự với tôi em nói: “Em đã căm thù cái nghề tủi nhục này và nguyện đoạn tuyệt với nó rồi, xin chị đừng nhắc lại. Nếu được nói một điều gì đó thì em chỉ mong những người đang làm cái nghề này hãy sớm tỉnh ngộ” và em gục đầu xuống để những giọt nước mắt không trượt qua gò má nữa mà rơi thẳng xuống lòng bàn tay, những giọt nước mắt đắng cay, tủi hờn mang bao điều nuối tiếc.
Một em gái Cần Thơ kể cho tôi nghe rằng, thấy các chị trong làng trong xã ra đi, chị nào cũng có tiền mang về cho gia đình, mỗi lần về nhà ăn mặc tươm tất, lịch lãm. Các chị rủ đi kiếm tiền và em đã trốn ba má theo các chị. Thế là em bỏ việc ruộng đồng ra đây. Mà đã làm ở đây khó tránh được cám dỗ, khó tránh được sự lôi kéo của chủ nhà hàng, của khách chơi...”.
“Thế em sẽ làm gì để rời khỏi đây và chừng nào em làm điều ấy?”. “Lỡ rồi, em cố bòn ít tiền là xin về thăm ba má và em sẽ không bao giờ ra nữa. Đói cho sạch, rách cho thơm, chị nhỉ?”. Tôi se lòng và chợt nhớ câu thơ của Xuân Diệu: “Lời kỹ nữ đã vỡ vì nước mắt/Cuộc yêu đương gay gắt vị làng chơi…”.
Những giọt nước mắt của chị C, em H tuy có muộn màng nhưng thật đáng trân trọng. Trong sự quyết tâm đoạn tuyệt với quá khứ của mình, giọt nước mắt này còn muốn nhắn nhủ với những người cùng cảnh ngộ: Hãy sớm nhìn ra sự thật mà rời khỏi chốn bị đọa đầy thể xác, nhân phẩm ấy.
Theo Bảo vệ Pháp Luật