Nhiều người Hà Nội ngỡ ngàng khi phải trả thêm 2.000 đồng lãi cho mỗi m3 nước dùng của Công ty cổ phần nước sạch Sông Đuống. Ảnh: B.V |
Mang danh “xã hội hóa” nhưng một số tuyến đường BOT nhiều lần dọa trả lại Nhà nước nếu tiếp tục lỗ. Còn Công ty cổ phần nước sạch Sông Đà thì ngay từ đầu đã được cam kết bù lỗ và hiện mỗi m3 nước, người dân HN phải gánh 2000đ tiền lãi vay ngân hàng của Công ty này.
Từ tháng 8/2019, doanh nghiệp có văn bản kiến nghị Thủ tướng cho phép trả lại dự án BOT tại trạm thu phí T2 (QL 91 Cần Thơ – An Giang); hoặc hoàn trả lại cho đơn vị này 880 tỷ đồng. Công ty CP Đầu tư quốc lộ 91 Cần Thơ - An Giang đưa ra kiến nghị này là chủ đầu tư sau 3 năm hoạt động hiện đang bị lỗ 99 tỷ đồng và có nguy cơ nợ xấu ngân hàng, nhất là kể từ ngày 25/5/2019, trạm thu phí T2 buộc phải xả trạm.
Mấy ngày trước, chủ đầu tư dự án thu phí không dừng BOT là công ty TNHH Thu phí tự động VETC (VETC) cho rằngviệc triển khai dự án thu phí tự động không dừng gặp hàng loạt khó khăn, vướng mắc nên đòi trả lại dự án này cho Bộ GTVT. Còn không thì phải hỗ trợ họ mới tiếp tục được
Còn chiều hôm qua (12/11), người Hà Nội ngỡ ngàng khi mỗi m3 nước dùng của Công ty cổ phần nước sạch Sông Đuống, họ phải trả thêm 2.000 đồng lãi mà Công ty này vay của ngân hàng để đầu tư nhà máy bán nước cho họ. Những lạ lùng hơn là ngân sách Hà Nội, đồng nghĩa với tiền thuế góp vào của cả những người không dùng nước sông Đuống cũng phải bù lỗ 200 tỷ cho Công ty đang được ưu ái lạ kỳ này.
Lời ăn lỗ chịu là điều kiên bất di bất dịch của kinh tế thị trường đúng nghĩa và đầu tư “ xã hội hóa” đúng kiểu. Nhưng vì những lý do ABCD nào đó, bất kể có thuyết phục hay không, được dư luận đồng tình hoặc bức xúc thì cũng đã “biến tướng” lời doanh nghiệp hưởng, lỗ ngân sách phải bù hoặc dọa dẫm trả lại như một số BOT từng làm. Lạ kỳ như thế nhưng vẫn được xuê xoa, bỏ qua và thậm chí chấp nhận như trường hợp Sông Đuống. Ngược ngạo như vậy tuy nhiên họ vẫn dám nói, dám đề xuất và dám thản nhiên với những phản đối chính đáng!
Doanh nghiệp nào cũng cần làm ăn có lãi, lĩnh vực kinh doanh hợp pháp nào Nhà nước cũng nên tạo điều kiện. Nhưng đó là hành lang pháp lý đầy đủ, thủ tục thuận tiện và chính sách hỗ trợ đúng luật chứ không phải là họ làm gì cũng được đảm bảo lãi ròng. Dân nào chấp nhận lợi lộc nhà đầu tư “ ăn cả” còn lỗ lã họ chung vai gánh vác? Ngân sách nào chịu nổi những cam kết bù lỗ phi thị trường?
Không tính toán kĩ, chẳng lường được biến động thị trường hay nhu cầu thì lỗ phải chịu đừng kêu ca và dọa dẫm hay bắt ngân sách làm con tin.
Làm ăn bao đời nay hay ở bất cứ đâu trên thế gian này cũng lời ăn lỗ chịu, bớt những đòi hòi và toan tính phi thị trường mới tồn tại lâu dài.
Nếu cứ để tiền lệ lời hưởng, lỗ ngân sách gánh hay dân bù vào giá thì chẳng những bóp méo nền kinh tế thị trường mà còn tạo mảnh đất màu mỡ cho lợi ích nhóm nảy nở. Hơi muộn nhưng đã đến lúc phải dừng ngay lối làm ăn an toàn cho họ nhưng bất an cho dân và chấp nhận thua thiệt kỳ lạ này!
PHAN BÌNH
Nguồn: Tạp chí Lao động và Công đoàn