Lương chưa đủ sống sao lại đòi giảm? Đề xuất giảm lương của Bộ Tài chính khiến các chuyên gia kinh tế ngạc nhiên khi đi ngược chính sách tháo gỡ khó khăn cho người lao động, nền kinh tế hiện nay. Điều đó sẽ lợi ít hại nhiều.   

 Trong hàng loạt giải pháp về khắc phục tình trạng hụt thu ngân sách năm nay, Bộ Tài chính đã đề nghị năm tới, có thể giảm 100.000 tiền lương tối thiểu. Nối tiếp những ý kiến "chê" phản cảm của nhiều thành viên Chính phủ, các chuyên gia kinh tế lên tiếng khẳng định, Bộ Tài chính đang "tiếp cận" vấn đề sai so với chủ trương hiện nay.

Giảm lương tăng khó khăn

Trao đổi với PV VietnamNet, TS Vũ Đình Ánh nói ngay: "Đề xuất giảm lương là không hợp lý ở nhiều góc độ, cả về về cơ cấu thu chi ngân sách và góc độ nền kinh tế đang khó khăn".

Ông phân tích: "Giảm lương chính là giảm thu nhập của người dân. Ngân sách hụt thu là do các doanh nghiệp khó khăn, do sức mua yếu, hàng tồn kho lớn".

"Nếu chúng ta đi "siết" tiền lương thì sức tiêu thụ giảm, DN càng yếu hơn. Giảm lương sẽ không giải quyết được vấn đề giải phóng hàng tồn kho, là đi ngược lại với các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế", ông Ánh nhấn mạnh.

Theo ông, gắn với các diễn biến vĩ mô, lương tối thiểu chỉ có xu hướng tăng, vấn đề đặt ra là tăng bao nhiêu, khi nào tăng thôi chứ không thể đặt vấn đề giảm lương đi.

TS Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ĐB Quốc hội cũng nhìn nhận: "Đề nghị giảm lương vừa không đúng về lý thuyết và cả thực tiễn!"

Ông nói: "Phần lớn, những người lao động có thu nhập thấp, ngoài mức lương cơ bản, họ không có thêm thu nhập gì. Do đó, 100.000 đồng đối với họ sẽ là mức giảm đáng kể. Nếu giảm đi là đánh vào phần lớn những người có thu nhập thấp".

"Giảm lương thì kết quả kinh tế thu lại không được bao nhiêu mà lại làm triệt tiêu động lực của người lao động. Giảm lương sẽ dẫn đến thiếu lòng tin, tạo ra sự không công bằng trong xã hội. Đề xuất đó không khả thi. Nếu thực hiên thì lợi ít hại nhiều," vị chuyên gia này bày tỏ.

Ông bình luận thêm: "Động lực để người lao động chấp nhận khó khăn để đóng góp chính là chế độ đãi ngộ. Trong lúc đời sống khó khăn thế này, giá cả tăng lên, lương không tăng lên được thì không bao giờ được đặt ra vấn đề giảm lương".

Trước đây, Bộ Tài chính chỉ xin giãn lộ trình tăng lương như một giải pháp "đỡ" cho gánh lo ngân sách hàng năm. Năm nay, theo lộ trình, đáng lẽ lương tối thiểu đã tăng lên 1,3 triệu đồng từ 1/5/2013. Nhưng sau đó, vì gánh lo ngân sách của Bộ Tài chính, thời điểm tăng lương đã được rời lại 2 tháng, tới 1/7/2013 và mức tăng chỉ còn 100.000 đồng, thay vì tăng 250.000. Mức lương tối thiểu chỉ còn là 1,050 triệu đồng/tháng. Tổng kinh phí cho lương đã chỉ còn 20.700 tỷ đồng, thay vì mức 60.000 tỷ đồng như kế hoạch ban đầu.

Lần này, đề xuất giảm lương lại được đưa ra ngay khi Bộ Lao động và thương binh xã hội đã tính toán việc tăng lương tối thiểu năm 2014.

Theo dự thảo trình Chính phủ, Bộ này đang đề xuất mức lương cao nhất đối với doanh nghiệp tăng lên cao nhất 2,7 triệu đồng/tháng. Mức lương tối thiểu sẽ chỉ tăng từ 250.000 - 400.000 đồng/tháng. Đây cũng là phương án cuối, đã điều chỉnh thấp hơn so với mức đề xuất của Hội đồng tiền lương quốc gia và Tổng liên đoàn lao động Việt Nam.

Quan trọng là chống lãng phí

Động thái của Bộ Tài chính cho thấy dường như, Bộ này đang "bế tắc" với bài toán ngân sách. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, dư địa cho việc đảm bảo cân đối thu chi không phải đã hết.

TS Vũ Đình Ánh nhận xét, doanh nghiệp - chủ thể lớn nhất nộp ngân sách mà khó khăn thì chuyện ngân sách hụt thu là chuyện phải lường trước được. Vì vậy, phải làm sao ccải thiện tình hình của DN, các DN phải hoạt động được thì mới có cái nộp ngân sách".

Bên cạnh đó, khi thu không được như ý thì cần phải cắt giảm chi đi. Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta thực hiện tái cơ cấu đầu tư công thì phải xem xét, giảm chi đầu tư đi, TS Vũ Đình Ánh nói.

Lương chưa đủ sống sao lại đòi giảm?_0

 

TS Cao Sĩ Kiêm nói: "Muốn giải quyết khó khăn thu chi, cần phải chống lãng phí, chống dàn trải ở nhiều lĩnh vực hiện nay, như chi tiêu hành chính, chi đầu tư. Có rất nhiều nôi dung có thể tiết kiệm được, như giảm mua sắm hành chính, giảm lễ hội..., những thứ không cần thiết thì phải giảm ngay".

"Thứ hai, phải tận thu những người có thu nhập cao mà trốn tránh nghĩa vụ đóng thuế. Thứ ba là phải chống tiêu cực trong việc nộp thuế", Ts Kiêm nhấn mạnh.

Ông nói rằng nếu làm tích cực những vấn đề này chỉ cần vài %, sẽ có tác dụng hơn nhiều so với lựa chọn giảm lương của người lao động. Thêm nữa, chúng ta có thể tăng thu bằng nhiều cách khác, như bán những tài sản nhà nước đang để không lãng phí, lấy tiền bù đắp lại phần hụt thu.

TS Trần Du Lịch trước đây cũng không đồng tình với việc hoãn lương của Bộ Tài chính. Khi đó, trao đổi với báo chí, ông cũng đã nhấn mạnh, cần cắt giảm các khoản chi không cần thiết. Chi ngoài lương còn nhiều khoản vô tội vạ.

"Chúng ta đã sáp nhập các bộ, tổng cục, nhưng thực tế nhiều nơi bộ máy vẫn phình to ra, vẫn có những trường hợp không làm gì vẫn được hưởng lương và tăng lương đều đặn. Nếu cứ như vậy thì rõ ràng tăng lương không hiệu quả, sẽ gây ra những tác dụng tiêu cực... Vì thế, đồng thời với tăng lương là phải nâng hiệu quả hoạt động, tinh giản bộ máy, xem lại những chức năng không cần thiết", ông cho biết.

Theo VEF.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC