Thu nhập giảm trong khi có quá nhiều thứ liên tục tăng giá sẽ khiến người dân phải thắt chặt chi tiêu. Khó khăn kéo dài, DN và người dân đang mất dần hy vọng, hết kêu ca vì quá chán nản.
Giá tăng
Sau khi xăng dầu, điện tăng giá thì từ đầu tháng 8, gas đã tăng giá 667 đồng/kg, tiếp đến là sữa cũng điều chỉnh tăng giá nhiều sản phẩm từ 5 đến 20%.
Các mặt hàng thiết yếu khác như rau, củ, quả đã rục rịch tăng giá. Tại các chợ ở Hà Nội, thịt lợn tăng phổ biến từ 5.000 - 10.000 đồng/kg, gia cầm tăng 10.000 - 15.000 đồng/kg, thủy hải sản tươi sống cũng nhích thêm 10.000 - 20.000 đồng/kg...
Thời gian tới, nước sạch tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cũng đang chuẩn bị tăng. Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn cho biết, đang kiến nghị điều chỉnh lại giá nước sạch theo cách tính đúng tính đủ chi phí. Hiện nay giá nước trong định mức có giá 5.300 đồng/m3 khá thấp, nếu tính đúng, tính đủ thì giá nước trong định mức phải trên 8.000 đồng/m3.
Tại Hà Nội, Công ty Nước sạch Hà Nội cho biết, bình quân mỗi năm lỗ 50-80 tỷ đồng, riêng quý I năm 2013, số lỗ ước khoảng 33 tỷ đồng. Nguyên nhân là do các chi phí đầu vào như nhân công, vật liệu, điện… đều tăng, trong khi giá bán nước vẫn giữ nguyên 4.000 đồng/m3. Theo tính toán, giá thành nước sạch đến thời điểm này là hơn 8.000 đồng/m3. Phương án điều chỉnh giá nước đã được trình lên UBND thành phố.
Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, TP. Hồ Chí Minh đã thông báo thực hiện điều chỉnh tăng học phí năm học 2013 - 2014 (từ tháng 9 tới) với mức tăng gấp 3 - 4 lần. Tại Hà Nội, học phí đối với giáo dục nghề nghiệp, mức trần sẽ tăng lên. Từ nay đến cuối năm, dự kiến một số địa phương có khả năng sẽ tăng học phí bậc học phổ thông, mầm non như: Phú Thọ, Bắc Giang, Tiền Giang...
Tại một số siêu thị lớn ở Hà Nội đã được thông báo về việc tăng giá bán hàng hóa từ các nhà phân phối sản phẩm. Theo đó, tăng giá nhiều nhất vẫn là thực phẩm thiết yếu như nước mắm, dầu ăn, bánh kẹo, sữa... tùy sản phẩm sẽ tăng từ 5 – 15% mỗi mặt hàng.
Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, ông Vũ Vinh Phú khẳng định, mặt bằng giá mới chắc chắn sẽ được thiết lập trong thời gian tới. Việc tăng giá xăng, điện kiểu gì cũng kéo theo tăng giá các mặt hàng khác, vấn đề là thời gian. Khả năng nhiều mặt hàng sẽ tăng vào nửa cuối tháng 8 này.
Lương giảm
Ngược lại thì thu nhập của hầu hết người lao động đang bị giảm mạnh. Từ 1/7, chỉ những người lao động làm việc trong khu vực Nhà nước được tăng lương cơ bản thêm 100.000 đồng/tháng còn lại hầu hết người lao động tại các DN, khu vực tư nhân đang bị giảm lương, nợ lương, mất việc làm.
Tính đến nay cả nước đã có trên 300.000 DN bị thua lỗ, phá sản, ngừng hoạt động. Theo tính toán bình quân 1 DN ngừng hoạt động sẽ làm mất đi 15 việc làm. Với số DN đã ra đi thì có hàng triệu việc làm không còn. Lực lượng lao động thất nghiệp cao khiến cho thu nhập giảm thấp.
Bất động sản có lẽ là lĩnh vực mất việc làm nhiều nhất, do tồn kho lớn, nhiều công trình bị ngừng, dở dang nên lao động bị nghỉ việc, bị chậm lương nhiều tháng.
Tiếp theo là tới các ngành như thép, xi măng, nhiều DN xi măng năm 2012 đã phải giảm 20% lương lao động, nhưng sang 2013 lại tiếp tục giảm 10% nữa. Đến nay hầu hết các DN đã giảm lương lao động xuống chỉ còn bằng 50% so với 2011. Tại Hải Phòng hiện có 4 DN luyện thép công suất một triệu tấn phải đóng cửa, 3 DN cán thép công suất 60 nghìn tấn dừng hoạt động, dẫn tới 2.000 lao động đã bị mất việc làm.
Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) cho biết nửa đầu năm 2013 đã phải giảm 5% lương lao động so với năm 2012, trong khi năm 2012 tiền lương người lao động đã giảm 10% so với 2011.
Lĩnh vực ngân hàng một thời luôn trả lương lao động khủng mới đây cũng phải kêu oai oái khi nhiều nhân viên bị cắt giảm lương. Thạm chí, có vị trí chỉ hưởng lương 2,5 triệu đồng, trung bình chỉ 5 triệu đồng/tháng.
Hết sức chịu đựng
Theo các chuyên gia kinh tế, điện, xăng, nước, gas, sữa... là những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu với mỗi gia đình. Nhóm hàng này, nhiều khi chiếm phân nửa số tiền chi tiêu hàng tháng nên hễ tăng giá lại tạo ra lo âu bao trùm lên cuộc sống, nhất là những người lao động thu nhập thấp.
Chị Nguyễn Thị Hoa ( Vũ Hữu, Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết chồng làm việc trong một công ty xây dựng, gần một năm đi làm bị nợ lương, chị phải cáng đáng cả 4 miệng ăn trong gia đình dựa vào đồng lương ít ỏi của mình. Cứ sau mỗi lần tăng giá, mỗi tháng tôi phải bỏ ra khoảng 500.000-700.000 đồng để bù đắp vào phần chi phí đi lại, tiền sinh hoạt bị đội lên. Giờ giá nhiều mặt hàng tăng đồng loạt thế này tôi sống thế nào đây? chị Hoa nói.
Đối với những người công nhân, hai từ “tăng giá” luôn khiến họ khiếp sợ, nhất là trong hoàn cảnh hiện nay. Xăng dầu tăng, điện tăng, gas tăng, sữa tăng, nước tăng... chắc chắn tiền gửi con hàng tháng sẽ tăng, tiền phòng trọ tăng. Và rồi nhiều thứ ở chợ, từ mớ rau, con cá, quả trứng... cũng tăng, trong khi thu nhập không tăng mà ngược lại còn bị giảm không biết sẽ đối phó ra sao?
Giá cả leo thang không chỉ mang lại cuộc sống khó khăn cho 30% dân số sống ở thành thị, mà 70% dân số nông thôn cũng thêm điêu đứng, bởi họ đã bị lấy đi quá nhiều. Mỗi khi giá cả thị trường biến động, người nông dân phải đương đầu chống chọi vất vả.
Hầu hết tất cả các gia đình khi được hỏi đều đồng thanh điệp khúc tiết kiệm. Điều này đồng nghĩa với việc sức mua sẽ giảm thêm, gây khó cho sản xuất kinh doanh. Sản xuất kinh doanh khó thì thu nhập người lao động lại thấp hơn. Một vòng xoáy gian nan cho nền kinh tế.
Theo VEF.