Mặc kệ nông dân "Mức lợi nhuận 30% cho người trồng lúa là không hợp lý khi họ phải bỏ ra 60-70% tổng chi phí sản xuất, chưa kể đến những rủi ro thiên tai, dịch hại...”.

 Đây là thông điệp được báo cáo “Ai được hưởng lợi khi giá gạo tăng cao”, do Viện  Chính  sách  và  Chiến  lược Phát triển Nông nghiệp, nông thôn (IPSARD) cùng với Tổ chức Oxfam tại Việt Nam đưa ra. Theo nghiên cứu này, đến giờ người nông dân Việt Nam được hưởng lợi không nhiều từ việc tăng giá gạo.

 

Giá có cao thì lợi vẫn ít

Báo cáo nêu rõ, khi giá gạo trên thị trường thế giới giảm sẽ kéo giá bán lúa của nông dân xuống thấp. Trong trường hợp đó, lợi nhuận từ trồng lúa đã thấp lại càng thấp hơn. Tuy nhiên, khi giá gạo trên thị trường tăng cao thì người trồng lúa cũng chỉ được lợi rất ít.

Điều này có thể thấy rất rõ nếu so sánh giá lúa bán tại hộ nông dân với giá gạo xuất khẩu năm 2008: khi giá gạo xuất khẩu tăng từ mức 430 USD/tấn vào đầu năm 2008 lên mức trên 900 USD/tấn vào tháng 5 năm 2008 thì giá gạo nông dân bán chỉ tăng chưa được 100 USD/tấn. Rõ ràng là nông dân được hưởng lợi không nhiều từ việc tăng giá gạo.

Ngoài ra, trong trường hợp giá gạo trên thị trường thế giới tăng nhanh, giá lúa trong nước sẽ lên cao hơn khiến các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu cũng phải chịu thiệt hại vì DN đã ký hợp đồng xuất khẩu với mức giá thấp ở thời điểm trước khi giá gạo thế giới tăng.

Theo IPSARD phân tích chuỗi giá trị gạo xuất khẩu tại An Giang cho thấy, nông dân thường chỉ nhận được khoảng 30% lợi nhuận trong chuỗi giá trị, phần còn lại do các trung gian và DN xuất khẩu được hưởng. Với quy mô hộ nhỏ manh mún, thời điểm thu mua khác nhau cộng với vận chuyển khó khăn, các DN xuất khẩu không thể thu mua trực tiếp từ các hộ. Chính vì vậy, lợi nhuận phải chia cho các thương lái trung gian.

IPSARD chỉ thẳng: “vai trò của các thương lái ở ĐBSCL là rất quan trọng trong việc kết nối nông dân và DN xuất khẩu. Tuy nhiên, mức lợi nhuận 30% cho người trồng lúa là không hợp lý khi họ phải bỏ ra 60-70% tổng chi phí sản xuất, chưa kể đến những rủi ro thiên tai, dịch hại...”.

Nông dân bị bỏ mặc

Một thực tế khá rõ là hiện doanh nghiệp xuất khẩu chưa đầu tư nhiều cho người trồng lúa. Số DN gắn kết chặt chẽ với nông dân thông qua việc cung cấp đầu vào, hỗ trợ kỹ thuật, xây dựng vùng nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm mới chỉ 5-7% DN xuất khẩu thực hiện.

Trong khi đó, các DN này lại đầu tư khá nhiều ra các lĩnh vực khác như thủy sản, chăn nuôi, vật tư đầu vào, thậm chí kinh doanh ô tô xe máy, bất động sản… nhằm tăng lợi nhuận, giảm rủi ro nhưng không muốn tái đầu tư cho nông dân.

Chính việc bỏ mặc nông dân như vậy khiến nhiều người dù rất chịu khó và nhạy bén nhưng thu nhập vẫn rất thấp. Thu nhập trung bình từ trồng lúa của các hộ tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, vùng có lợi thế sản xuất lúa tốt nhất của cả nước, chỉ đạt 535 ngàn đồng/người/tháng, tương đương một nửa mức lương tối thiểu.

Vì vậy, các hộ sản xuất lúa với quy mô nhỏ (dưới 2 ha) không thể sống dựa vào thu nhập từ trồng lúa mà phải dựa vào các thu nhập từ chăn nuôi, thủy sản hay từ các hoạt động phi nông nghiệp khác.

Thực tế này từng được GS. Võ Tòng Xuân, Nhà giáo Nhân dân, Hiệu trưởng trường ĐH Tân Tạo (Long An).chỉ ra từ lâu, rằng còn có chuyện doanh nghiệp không lo xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam, mà lo cạnh tranh dìm giá lúa thấp nhất để hưởng lợi, mặc cho nông dân... đem lúa cho vịt ăn.

“Nhà nước chưa có chiến lược và chính sách cần thiết, từ Chính phủ đến Bộ NN&PTNT và Bộ Công thương dù có chính sách tự do mậu dịch, nhưng trong thực tế lại giao tất cả quyền hành xuất khẩu gạo cho một Vinafood 2 - kiêm luôn Hiệp hội Lương thực VN lũng đoạn thị trường lúa gạo trong nước.

Họ không lo xây dựng thương hiệu gạo VN, mà lo cạnh tranh dìm giá lúa thấp nhất để hưởng lợi, mặc cho nông dân “đem lúa cho vịt ăn”, GS Võ Tòng Xuân bức xúc.

Theo báo Đất Việt.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC