Sắp tới thị trường ASEAN và Trung Quốc sẽ mở cửa. Việt Nam được coi là cửa ngõ của ASEAN vì vậy sẽ có rủi ro rất lớn và hoàn toàn có thể biến thành “bãi rác công nghệ” của Trung Quốc.
Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 (do nhà đầu tư Trung Quốc thực hiện) từ khi vận hành đã gây phát tán bụi, ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Ảnh: Báo Tuổi Trẻ
Tại buổi tọa đàm “Dự báo kinh tế quý II/2017” do Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội quốc gia (NCIF) tổ chức mới đây, ngoài phần đánh giá kinh tế trong nước, các diễn giả còn dành nhiều thời gian phân tích diễn biến kinh tế thế giới, đặc biệt là nước láng giềng Trung Quốc.
Theo TS. Lương Văn Khôi, Phó giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội quốc gia (thuộc Bộ Kế hoạch - Đầu tư), một trong những rủi ro lớn từ kinh tế Trung Quốc mà Việt Nam cần hết sức lưu ý là “chiến lược made in China 2025”.
Ông cho biết Trung Quốc đang nhanh chóng thực hiện chiến lược “made in China 2025” bằng việc thúc đẩy dịch chuyển kinh tế Trung Quốc từ sản xuất cần nhiều nhân công và giá trị thấp sang sản xuất nhiều giá trị gia tăng hơn.
TS. Lương Văn Khôi. Ảnh: ncif.gov.vn
Trung Quốc mong muốn nền kinh tế phụ thuộc ít hơn vào xuất khẩu, đầu tư và nhiều hơn vào các dịch vụ, sản xuất công nghiệp thông minh.
Đến năm 2025, sản phẩm công nghệ cao sẽ chiếm 70% GDP của Trung Quốc.
Trọng tâm của chiến lược này là phát triển và chuyển giao công nghệ.
Theo phân tích của TS. Lương Văn Khôi, khi Trung Quốc tập trung vào các ngành công nghệ cao thì sẽ dẫn tới hệ quả tất yếu là chuyển các dây chuyền sản xuất cũ, lạc hậu ra các nước lân cận.
Việt Nam là một trong các nước có trình độ phát triển thấp hơn, hoàn toàn có thể coi là thị trường “lý tưởng” cho các công nghệ lạc hậu của Trung Quốc.
Mặt khác, sắp tới thị trường ASEAN và Trung Quốc sẽ mở cửa. Việt Nam được coi là cửa ngõ của ASEAN vì vậy sẽ có rủi ro rất lớn và hoàn toàn có thể biến thành “bãi rác công nghệ” của Trung Quốc.
Đồng tình với điều này, một chuyên gia kinh tế khác là TS. Tạ Đình Xuyên - Phó giám đốc NCIF - cho biết nguy cơ rất rõ từ công nghệ Trung Quốc có thể thấy việc họ đang chuyển các dây chuyền nhà máy điện than sang Việt Nam.
Theo ông Xuyên, Trung Quốc đã và đang đóng cửa khoảng 600 nhà máy nhiệt điện chạy than gây ô nhiễm môi trường.
Trong khi đó, Việt Nam đang có hàng loạt các dự án xây dựng trung tâm, nhà máy nhiệt điện nở rộ:
- Trung tâm nhiệt điện Long An (xã Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc tỉnh Long An, sát với TP.HCM),
- nhà máy nhiệt điện Quảng trạch 1 (chủ đầu tư dự án là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) với vốn gần 2 tỷ USD),
- nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 2 (sẽ được xây dựng năm 2019),
- BOT nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 2 (vốn đầu tư khoảng 2,2 tỷ USD),
- dự án BOT nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 2 (có vốn đầu tư 2,3 tỷ USD)…
Điều đặc biệt, hiện nay nước ta có khoảng 20 nhà máy nhiệt điện (riêng đồng bằng sông Cửu Long có 14 nhà máy - khoảng 10 nhà máy do TQ đầu tư), dự kiến đến năm 2030 cả nước sẽ có 80 nhà máy nhiệt điện than.
Điện than sẽ chiếm tới gần 41% cơ cấu nguồn điện Việt Nam năm 2020. Đồ họa: ZING
“Đó chỉ là công nghệ sản xuất điện bằng than, còn rất nhiều công nghệ ở các ngành nghề khác hoàn toàn có thể vào Việt Nam.
Chính phủ cần hết sức chú ý đến điều này, cẩn thận với các nguồn vốn FDI của Trung Quốc, thông qua đó họ có thể đưa công nghệ lạc hậu vào”, TS. Tạ Đình Xuyên nhấn mạnh.
Ông cho rằng Chính phủ cần mạnh tay hơn nữa trước làn sóng công nghệ lạc hậu Trung Quốc sẽ vào Việt Nam thời gian tới.
Nguồn: Hiếu Công - ZING.VN