"Méo mặt"vì giấc mộng lấy chồng ngoạiAi cũng ngạc nhiên trước những ngôi nhà cao tầng khang trang xuất hiện ngày càng nhiều ở vùng quê vốn thuần nông như xã Tam Dị, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang. Chỉ đến khi tìm hiểu, chúng tôi mới biết, để đổi lấy giá trị vật chất ấy, nhiều phụ nữ đã tìm mọi cách kết hôn với người nước ngoài để có được 'tấm vé' xuất ngoại mà không hề biết những bất trắc đang đợi mình.

Lấy chồng trên giấy

Dẫn chúng tôi đến tìm hiểu hoàn cảnh một số chị em phụ nữ bị trục xuất khỏi nước sở tại do kết hôn bất hợp pháp, ông Nguyễn Hữu Thuần, cán bộ tư pháp xã Tam Dị cho biết, hiện trong xã có hàng chục trường hợp khó khăn trong việc giải quyết ly hôn với người nước ngoài, vì không tìm được chú rể để ký vào đơn ly hôn. Đáng lo ngại, nhiều chị em phụ nữ đang độ tuổi kết hôn, nhưng không thể đăng ký vì chưa giải quyết ly hôn với người chồng nước ngoài, dù trên danh nghĩa chưa một ngày chung sống vợ chồng. Vậy là đằng sau vẻ yên bình của một vùng quê thuần nông là những cơn sóng ngầm và nhiều câu chuyện buồn.

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà khang trang, bà Đỗ Thị C. buồn bã chia sẻ: “Chẳng giấu gì các chị, con gái tôi đang ở độ tuổi lấy chồng, có đám hỏi rồi nhưng chẳng biết có cưới được không vì trên giấy tờ pháp lý cháu đã là gái có chồng và chưa làm được thủ tục ly hôn với người chồng nước ngoài. Gia đình nhà trai chỉ đồng ý tổ chức đám cưới khi cháu là người 'tự do'. Nói đến đây, bà C. buồn rầu nhìn cô con gái kể lại mục đích của cuộc hôn nhân xuyên biên giới.

Sau khi tốt nghiệp THPT, Võ Thị H., SN 1991 muốn đi Hàn Quốc lao động để làm kinh tế. Qua dịch vụ môi giới từ một người xã bên, H. được tư vấn nếu đăng ký kết hôn với đàn ông quốc tịch nước này sẽ nhanh chóng được nhập cư mà không phải mất thời gian chờ đợi. Vậy là việc trọng đại cả đời người được H. và gia đình quyết định chóng vánh sau khi chi khoản tiền 12.200 USD (khoảng 256 triệu đồng) để “lo” thủ tục cưới người chồng gần bằng tuổi cha, chú. Đúng như cam kết giữa hai bên, khi sang Hàn Quốc, H. không sống cùng người chồng hợp pháp mà ra ngoài lao động theo nguyện vọng. Cũng theo người môi giới, giấy chứng hôn giữa H. và người chồng Hàn Quốc sẽ được ký từng năm, hết 3 năm họ sẽ làm thủ tục ly hôn.

Những tưởng sự việc xuôi chèo mát mái, đùng một cái, gần hết một năm đầu, H. gọi điện cho người “chồng hờ” để ký tiếp vào giấy chứng hôn thì không thể nào liên lạc được. Sau nhiều tháng sống chui lủi, bất hợp pháp trên đất khách, quê người, H. đã bị trục xuất về nước. Người chồng trên giấy của H. cũng đã bị cơ quan chức năng phát hiện là kết hôn giả và phải chịu nộp phạt. Không giấu nổi sự buồn bã, H. tâm sự: “Lúc đầu em chỉ nghĩ đi làm vài năm, có tiền rồi sẽ về lấy chồng, việc ly hôn với người chồng Hàn Quốc chỉ là thủ tục đơn giản, ai ngờ bây giờ đi cũng dở, mà ở chẳng xong”.

Những tháng đầu mới qua Hàn Quốc, H. phải rất vất vả mới tìm được công việc lắp ráp điện tử, với mức lương 1.000 USD/tháng (khoảng 21 triệu đồng). Nhưng vừa mới làm được vài tháng thì xảy ra chuyện, H. buộc phải về nước nên số tiền nộp cho người môi giới coi như mất trắng. Giờ đây ngoài khoản nợ mà gia đình H. đang mang còn một điều quan trọng hơn mà họ canh cánh trong lòng là làm thế nào để H. thoát được khỏi tờ giấy kết hôn mà H. đã đặt bút ký với người đàn ông xa lạ.

Mất cả chì lẫn chài

Tìm hiểu trên địa bàn xã Tam Dị được biết, tình trạng kết hôn với người nước ngoài nhằm mục đích cải thiện kinh tế bắt đầu xuất hiện từ cuối năm 2005. Theo ông Nguyễn Trọng Giáp, Bí thư Đảng uỷ xã Tam Dị, từ năm 2008 đến tháng 8.2012, trên địa bàn xã có 178 trường hợp kết hôn với người nước ngoài, chủ yếu là Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)… Trong đó, có 161 trường hợp phụ nữ Việt Nam kết hôn với đàn ông Hàn Quốc và chỉ có 2 trường hợp nam giới kết hôn với phụ nữ Hàn Quốc. Trường hợp kết hôn với người nước ngoài diễn ra ở một số thôn như Đông Thịnh, Thanh Giã, Đại Lãm, Hà Phú, Tân Mùi,…

20121019 02 38 17 0

Những ngôi nhà khang trang mọc lên ngày càng nhiều ở một xã thuần nông (ảnh minh họa)

Các trường hợp kết hôn này đều được thực hiện theo đúng trình tự thủ tục pháp lý của Việt Nam. Trên thực tế, trong các cuộc phỏng vấn đối với những trường hợp trước khi kết hôn với người nước ngoài thì họ đều khẳng định là tự nguyện. Tuy nhiên, việc kết hôn này có nhằm mục đích khác hay không thì chỉ có người trong cuộc mới biết.

Ông Giáp cũng thừa nhận, toàn xã chỉ có 2/161 trường hợp là thực sự chung sống với người chồng Hàn Quốc, còn lại là nhằm mục đích làm kinh tế. Do thị trường Hàn Quốc trả lương cao nên chủ yếu người dân chọn đi quốc gia này. Số tiền mà người lao động phải bỏ ra để sang được Hàn Quốc từ 150 - 180 triệu đồng. Việc làm này cũng tạo ra những hệ luỵ không nhỏ, bởi cho đến thời điểm này chỉ có khoảng 7-8 trường hợp phụ nữ kết hôn với người nước ngoài đã hoàn tất thủ tục ly hôn. Số còn lại khi bị trục xuất khỏi nước sở tại với lý do kết hôn bất hợp pháp, ngoài việc không thể quay lại nước đó để làm việc thì họ cũng không thể ly hôn. Do vậy, nhiều trường hợp khi trở về Việt Nam làm ăn vẫn đang trong tình trạng hôn nhân với người nước ngoài.

Cũng theo ông Giáp, một số cặp vợ chồng trong xã mong muốn đổi đời nên đã quyết định ly hôn giả với người chồng ở Việt Nam, sau đó làm thủ tục đăng ký kết hôn với người Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)… để được “xuất ngoại”. Tuy nhiên, sau khi ra nước ngoài làm ăn, những trường hợp trở lại để đoàn tụ với gia đình không nhiều. Đã có không ít gia đình tan vỡ, từ ly hôn “giả” thành ly hôn thật, thậm chí nhiều ông chồng đã phải cay đắng một mình nuôi nấng, chăm sóc con cái trong sự ân hận, tiếc nuối. Do nhận thức của người dân còn hạn chế, các đối tượng “cò mồi” tư vấn đã sẵn sàng “lách luật” để tiến hành các thủ tục kết hôn đơn giản, nhanh chóng và ít tốn kém so với xuất khẩu lao động bằng con đường chính thống mà chính những người trong cuộc cũng không lường hết được hậu quả.

Theo ANTĐ

 

 

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC