Sáng 10/9, phiên họp thứ 27 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về một nội dung lớn còn ý kiến khác nhau trong dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng. Phương án về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được về nguồn gốc được nhiều đại biểu quan tâm.
Cấp dưới có dám đưa cấp trên ra tòa?
Trình bày báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết dự thảo luật thiết kế 2 phương án xử lý tài sản bất minh: Phương án 1 là xem xét, giải quyết tại toà và phương án 2 là thu thuế thu nhập cá nhân.
Uỷ ban Tư pháp và cơ quan trình dự án đề nghị lựa chọn phương án 1.
Theo phương án này, với tài sản, thu nhập tăng thêm không có giải trình hợp lý về nguồn gốc thì cơ quan kiểm soát chuyển kết luận xác minh và tài liệu liên quan để yêu cầu tòa án xem xét, quyết định.
"Qua con đường tố tụng tại toà án là bước tiến mới, cả cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo mạnh dạn đưa ra. Nếu thực hiện như luật hiện hành thì không có bước chuyển trong xử lý tài sản bất minh trong khi áp lực của dư luận về vấn đề tài sản tham nhũng được biến hoá lòng vòng để hợp thức hoá là rất lớn", bà Nga nói.
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc. Ảnh: Quochoi.vn
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc tán thành phương án 1 nhưng ông băn khoăn về việc người Việt có cái tình, cái lý nên việc cấp dưới chuyển yêu cầu đưa cấp trên ra toà xử lý về tài sản thì "chắc là khó".
"Phương án xem xét tại toà hay nhưng có khả thi không lại là một chuyện khác", ông Nguyễn Hạnh Phúc nói và đề xuất lập cơ quan kiểm soát độc lập, tốt nhất là thuộc Quốc hội.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến thì nhấn mạnh nếu không làm rõ được thế nào là giải trình hợp lý hay không thì có đưa nhau ra toà, lại cãi nhau vì tài sản của cán bộ hình thành từ nhiều nguồn, đa dạng và phong phú, thậm chí nhạy cảm.
"Chúng ta cần đánh giá tác động toàn diện. Cơ quan kiểm soát tài sản họ có làm được không, có gì vướng mắc? Toà quyết thu hồi tài sản đó thì có làm được không?", ông Chiến nêu quan điểm.
Trước những thắc mắc này, bà Lê Thị Nga khẳng định xử lý tại toà có điểm vướng nhất là về tâm lý. Nhiều trường hợp cơ quan kiểm soát tài sản kiện cán bộ ra toà để yêu cầu thu hồi tài sản không giải trình được nguồn gốc thì chính là đi kiện lãnh đạo, kiện cấp trên của mình.
Nhưng, quan điểm của Đảng, Nhà nước, pháp luật là không phân biệt về vị thế, chức vụ quyền hạn nên cơ quan nào được giao quyền khởi kiện thì cũng vẫn phải làm.
"Về lo ngại cơ quan tố tụng quá tải, chúng ta cần thì phải bố trí thêm nhân lực cho toà chứ không thể nói vì việc nhiều mà không làm", bà lý giải.
Bộ Chính trị xem xét 2 phương án xử lý tài sản bất minh
Trong khi đó, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nghiêng về phương án thu thuế thu nhập cá nhân. Theo ông, quy định về thuế thu nhập cá nhân hiện nay thì hoàn toàn xử lý được mà không cần phải ra toà.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết sẽ trình Bộ Chính trị xem xét 2 phương án xử lý tài sản bất minh. Ảnh: Hoàng Hà.
"Anh không chứng minh được thì chuyển sang cơ quan thuế, bắt nộp thuế và xử phạt, quy định từ thu thuế luỹ tiến từng phần, rồi mức phạt đều có rồi. Chúng ta làm nghiêm thì cứ luật thuế mà xử, cần gì chuyển sang toà, sang viện kiểm sát, thủ tục rất rườm rà", ông Hiển nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phân tích quyết tâm chính trị là phải minh bạch thu nhập, tài sản, phòng chống tham nhũng. Bà nói: "Thời gian qua cho thấy rõ ràng có một số cán bộ, công viên chức có tài sản giá trị rất lớn không giải trình hợp lý nguồn gốc nhưng chế tài chưa có để xử lý".
Theo Chủ tịch Quốc hội, người dân không cần biết cán bộ bị xỷ lý ở tù bao nhiêu năm mà muốn biết vụ án tham nhũng đó đã thu hồi được tài sản tham nhũng chưa, được bao nhiêu.
Cả 2 phương án xử lý tài sản không giải trình được nguồn gốc trong dự thảo luật đều có ưu, khuyết điểm nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất báo cáo cả 2 phương án để Bộ Chính trị xem xét, quyết định.
Nguồn: ZING.VN