Năm 2013, chúng ta chứng kiến một dịch sởi khốc liệt, giết chết nhiều cháu bé. Năm trước, trào lưu tẩy chay Quinvaxem diễn ra, kết quả là năm nay, một số cháu mắc những loại bệnh mà lâu rồi các bác sĩ không gặp, như bạch hầu, ho gà.

Trong con người ta, có một hệ gọi là hệ Miễn dịch.

Hệ miễn dịch có nhiệm vụ ngăn ngừa và chống lại vi trùng, virus và các vật thể lạ xâm nhập vào cơ thể.

Có những loại vi trùng, virus hay vật thể lạ, khi xâm nhập vào cơ thể, hệ miễn dịch phát hiện ra ngay, vì có sẵn hệ thống “tìm và diệt”.

Hệ thống “tìm và diệt” chỉ việc tìm ra những kẻ xâm nhập đó và tiêu diệt chúng.

Tuy nhiên, không phải lúc nào những kẻ xâm nhập cũng “hớ hênh” để cho hệ Miễn dịch của chúng ta dễ dàng “tìm và diệt”. Rất nhiều trường hợp, chúng “ngụy trang” khéo léo, hoặc hệ Miễn dịch của chúng ta chưa được “tập huấn” kĩ năng “tìm” loại xâm nhập đó, nên không có sẵn hệ thống “diệt”, để cho chúng sinh sôi nảy nở đến mức cơ thể không còn chống chọi được nữa và ngã bệnh.

Nếu có cách gì đó dạy cho hệ Miễn dịch của chúng ta cách nhận biết những con vi trùng, virus, thì hệ Miễn dịch sẽ có khả năng sản sinh ra đội quân “tìm và diệt”, sẵn sàng nghênh đón và tiêu diệt ngay những con vi trùng, virus khi chúng vừa chân ướt chân ráo xâm nhập vào cơ thể.

Năm 1796, Edward Jenner, một bác sĩ người Anh đã tìm ra cách cấy dịch đậu bò vào người, gọi là chủng đậu, để ngăn ngừa bệnh đậu mùa.

80 năm sau, Louis Pasteur đã nghiên cứu và phát triển lí thuyết của Jenner, tìm ra cơ chế của hiện tượng, và các vaccine ra đời.

Như vậy, vaccine chính là những thầy cô giáo, dạy cho hệ Miễn dịch của chúng ta cách “tìm và diệt” các loại vi trùng, virus… gọi chung là mầm bệnh, để cơ thể chúng ta không bị mắc bệnh.

Sau khi đưa vaccine vào cơ thể, hệ Miễn dịch sẽ sản sinh ra một “đội đặc nhiệm” chuyên chống lại loại mầm bệnh tương ứng. “Đội đặc nhiệm” này nằm chờ sẵn trong cơ thể, chỉ cầm mầm bệnh thuộc trách nhiệm của nó xuất hiện, nó phát hiện và tiêu diệt ngay lập tức.

 

 Mù quáng chống vaccine: Hại mình và hại cả xã hội - 1

Trước khi có vaccine, những trận dịch kinh hoàng đã xảy ra. Dịch cúm Tây Ban Nha vào năm 1918-1919 là bệnh cúm gia cầm H1N1, lây lan từ chim sang người.

Dịch xuất phát từ vùng Trung Tây của Mỹ, sau đó lan sang Tây Ban Nha và cướp đi sinh mạng của khoảng 8 triệu người. Năm 1803, chỉ vì dịch sốt vàng da đã giết chết 29.000 trong số 33.000 binh sĩ, mà Napoleon đã phải bán Louisiana, là thuộc địa của Pháp, cho Hoa kì.

Từ khi có vaccine, nhiều bệnh dịch đã được ngăn chặn.

Những bạn khoảng 40 tuổi bây giờ gần như không có mấy người được nhìn thấy những khuôn mặt bị rỗ, là di chứng của bệnh đậu mùa.

Bởi vì, bệnh đậu mùa đã được thanh toán hết từ lâu. Vậy mà, trong những năm cuối thế kỉ 18, bệnh đậu mùa đã giết chết 400.000 người ở châu Âu.

Mặc dù vaccine có tầm quan trọng to lớn như vậy, nhưng vẫn có một số người vận động chống lại vaccine.

Họ dựa trên những thông tin cho rằng, chích ngừa làm cho mắc bệnh, có người chích ngừa xong vẫn bị bệnh, và có người không chích ngừa vẫn không bị bệnh.

Có 3 loại vaccine, (1): loại bất hoạt, là vi trùng, vi khuẩn chết; (2): loại giảm độc lực, là vi trùng, virus sống nhưng được làm giảm độc tính, và (3): loại mô phỏng độc tố, chiết xuất một phần nào đó của vi khuẩn, vi rus, hoặc của loài tương tự. Như vậy, việc chích ngừa vaccine sẽ rất khó có khả năng gây bệnh.

Khi bạn đi học, trong lớp có bạn học giỏi, cũng có bạn học dở.

Hệ Miễn dịch chúng ta cũng vậy. Hệ Miễn dịch của đa số mọi người có khả năng “học” tốt, chỉ cần “dạy” qua là đã có thể “tìm và diệt”.

Nhưng thỉnh thoảng chúng ta gặp hệ Miễn dịch của ai đó không “thông minh” lắm. Có “dạy” nhưng “tiếp thu” không bao nhiêu. Nếu chẳng may, hệ Miễn dịch của bạn kém “thông minh”, lực lượng “tìm và diệt” quá kém hoặc quá mỏng, không đủ khả năng chống chọi với mầm bệnh xâm nhập, có thể bạn vẫn bị mắc bệnh dù có chích ngừa.

Bệnh dịch là những bệnh lây lan trong cộng đồng. Đối với một cá nhân, chích ngừa giúp cho cá nhân đó không bị nhiễm bệnh.

Với một cộng đồng, nếu càng có nhiều người chích ngừa, thì khả năng mầm bệnh lây lan càng ít, số lượng vi trùng, virus tồn tại trong môi trường ít, khi xâm nhập vào các cơ thể, chúng không đạt tới số lượng đủ lớn, nên khả năng gây bệnh thấp. Đó là lí do tại sao có người không chích ngừa mà vẫn không mắc bệnh. Đó hoàn toàn là may mắn, và là sự hưởng lợi từ việc chích ngừa của người khác.

Nếu một cộng đồng mà có quá ít người chích ngừa vaccine, thì số lượng người bị mắc bệnh sẽ cao, số lượng mầm bệnh tồn tại trong môi trường càng lớn, khả năng lây lan càng mạnh. Và khi đó, những trận dịch sẽ bùng nổ với những thiệt hại cho nhiều gia đình, cho xã hội và cả nền kinh tế.

Năm 2013, chúng ta chứng kiến một dịch sởi khốc liệt, giết chết nhiều cháu bé. Đó là hậu quả của cuộc vận động không chích ngừa vaccine trước đó một thời gian. Năm trước, trào lưu tẩy chay Quinvaxem diễn ra, kết quả là năm nay, một số cháu mắc những loại bệnh mà lâu rồi các bác sĩ không gặp, như bạch hầu, ho gà.

Việc chống vaccine, không chỉ gây thiệt hại cho cá nhân người chống nó, mà còn gây hại cho cả xã hội.

Nguồn: Võ Xuân Sơn
VIETNAMNET

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC