Từ tháng 9 đến tháng 11 âm lịch, biển động, bọt nước biển đục ngầu tung tóe xô vào bờ, không thể ra khơi, nhiều ngư dân tạm mưu sinh với nghề đánh bắt cá đối gần bờ (Ảnh: Ngô Linh).
"Nó kìa, nó kìa" lão ngư Trần Văn Tư (54 tuổi, thôn Hà Lộc, xã Tam Tiến, huyện Núi Thành, Quảng Nam) hét lên rồi chạy hầm hập ra biển, cưỡi sóng quăng tấm lưới rùng trên tay vào bọt nước biển đục ngầu đang tung tóe dội vào bờ (Ảnh: Ngô Linh).
Bủa lưới xong, ngư dân cầm một trục cước to nối liền với lưới rồi đi theo con sóng, sóng đánh lưới dạt về hướng nào, ngư dân lại chạy về hướng đó (Ảnh: Ngô Linh).
Chừng 15-30 phút sau, ngư dân sẽ thu lưới vào bờ. "Thấy không còn đốm bạc trên bọt biển, kéo lưới vào liền. Khi rảnh rỗi, tôi mang lưới đi bủa cá, kiếm thêm thu nhập. Ngày có thì vài trăm nghìn, có ngày về tay không", ông Tư cười giòn tan (Ảnh: Ngô Linh).
Cá vào bờ đẻ trứng và tìm thức ăn là bọt biển. Khi biển có gió cấp 4, cấp 5, ngư dân đánh bắt cá đối xuyên đêm (Ảnh: Ngô Linh).
Theo các ngư dân tại đây, cá đối là loài cá có đặc tính rất riêng, loài cá ăn nổi gần bờ nên cách đánh bắt chúng cũng đơn giản hơn các loài cá khác, nhưng độc và lạ. Ngư dân thích lúc nào đi lúc nấy (Ảnh: Ngô Linh).
Ngư dân Bùi Tĩnh (35 tuổi, xã Tam Tiến, huyện Núi Thành) cho hay cá đối rất dạn. Nghề săn cá này, nói thì đơn giản mà lại rất khó, người bắt phải tinh mắt. Thường mỗi nhóm chỉ cần hai người. Mọi người đứng ở bờ nhìn ra biển tìm cá, thấy cá ngoi lên trên bọt biển, dùng lưới rùng ném ra ngoài rồi bơi ra kéo lưới vây quanh (Ảnh: Ngô Linh).
Cá sau khi đưa vào bờ sẽ có người mua ngay, giá cả dao động từ 80.000-150.000 đồng/kg tùy độ lớn nhỏ. Ít thì thu về vài trăm nghìn, ngày nhiều hơn 1 triệu đồng (Ảnh: Ngô Linh).
Ngoài cá đối, lưới kéo về còn có cá mà, cá hố. Sau khi gỡ cá xong, ngư dân sẽ làm sạch lưới rồi bủa mẻ tiếp theo. Tại vùng biển Hà Lộc, có khoảng 6 đội bủa cá đối (Ảnh: Ngô Linh).
Những con sóng mùa biển động còn xô vào bờ những con hà biển (Ảnh: Ngô Linh).
Nguồn: Báo điện tử Dân trí