Năng suất lao động của người Việt ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, cao hơn so với nhiều nước trong khu vực. Dù thế, mức năng suất lao động tuyệt đối vẫn còn thấp so với các nước phát triển.

Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam được đánh giá là ngôi sao kinh tế toàn cầu với tốc độ tăng GDP nhanh nhất thế giới trong 30 năm qua.

Từ năm 1990 đến năm 2021, GDP bình quân đầu người của Việt Nam tăng với tốc độ trung bình hàng năm 5,3%, nhanh hơn bất cứ nền kinh tế nào trong khu vực ngoại trừ Trung Quốc.

1 Nang Suat Lao Dong Cua Viet Nam Tang O Dau So Voi Thai Lan Indonesia

Thành tích này có được nhờ Việt Nam có 3 yếu tố là tích lũy vốn nhanh, nguồn cung lao động dồi dào và tăng trưởng năng suất cao. Tuy nhiên, WB cũng lưu ý, để duy trì kỳ tích kinh tế này Việt Nam cần tập trung tăng trưởng năng suất.

Năng suất lao động của người Việt cũng ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng trong giai đoạn 2010-2020, đạt 64%, cao hơn so với nhiều nước trong khu vực, chủ yếu nhờ sự cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và dòng vốn FDI lớn.

Tuy nhiên, mức năng suất lao động tuyệt đối vẫn còn thấp so với nhiều nước trong khu vực, nhất là các nước phát triển. Theo số liệu của Tổ chức Năng suất châu Á (APO), năm 2020, giá trị sản xuất mỗi giờ lao động của người Việt Nam chỉ đạt 6,4 USD, so với 14,8 USD ở Thái Lan và 68,5 USD ở Singapore.

2 Nang Suat Lao Dong Cua Viet Nam Tang O Dau So Voi Thai Lan Indonesia

Năng suất lao động theo giờ của các quốc gia (Ảnh: WB).

Bên cạnh đó, theo WB, kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng nhanh chóng, nhưng chủ yếu nhờ FDI và ít tác động lan tỏa đến các doanh nghiệp nội địa.

Mặc dù số lượng doanh nghiệp tư nhân trong nước tăng mạnh trong thập kỷ qua, các doanh nghiệp trong nước thường nhỏ hơn, ít hiệu quả hơn và ít đổi mới hơn doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và không được tích hợp tốt vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Hầu hết doanh nghiệp tư nhân trong nước là có quy mô nhỏ và hoạt động trong các lĩnh vực có năng suất tương đối thấp. Các hoạt động sản xuất cũng thường nhắm vào thị trường nội địa, thay vì xuất khẩu.

Về giá trị gia tăng trên mỗi lao động, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có năng suất gấp gần 5 lần và lợi nhuận trên tài sản và lợi nhuận cao hơn nhiều so với các doanh nghiệp trong nước.

Để cải thiện, theo WB, có thể tăng năng suất lao động qua 3 kênh, trong đó, đặc biệt tập trung vào sự tham gia của các công ty khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Bên cạnh đó, theo khảo sát doanh nghiệp về chỉ số năng lực cạnh tranh của WB, 27% doanh nghiệp cho biết gặp khó khăn trong việc tuyển dụng kỹ thuật viên và quản lý.

Trong số các doanh nghiệp tham gia khảo sát khởi nghiệp đổi mới, 44% doanh nghiệp cho biết có những thách thức trong việc tiếp cận lao động có trình độ và tay nghề cao.

Bên cạnh đó, WB cũng cho rằng các doanh nghiệp cũng khó tuyển dụng được các vị trí điều hành cấp cao như giám đốc tài chính hay giám đốc công nghệ tại Việt Nam. Trong khi đó, những vị trí quản lý này lại phổ biến tại quốc gia có nền công nghiệp đang phát triển và thu hút FDI như Việt Nam.

Chính vì vậy, những vị trí cấp cao này thường được các chuyên gia nước ngoài đảm nhận, các doanh nghiệp Việt vẫn cần phải cạnh tranh về lương để thu hút và giữ chân các nhân sự cấp cao.

Nguồn: Báo điện tử Dân trí




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC