Phải chăng người Việt Nam lười biếng, hay vào facebook tán gẫu nên năng suất lao động thấp nhất trong khu vực Đông Nam Á?
Mới đây, Tổng cục Thống kê vừa có thống kê về tình hình kinh tế - xã hội năm 2017. Theo đó, mức năng suất của Việt Nam hiện nay vẫn rất thấp so với nhiều nước trong khu vực. Năng suất lao động người Việt thua Lào, bằng 7% Singapore.
Trước công bố này, nhiều người giật mình không hiểu vì sao năng suất lao động người Việt lại thấp như thế trong khi người Việt vốn có tiếng cần cù, chăm chỉ, thông minh.
Dành nhiều thời gian tán gẫu?
Trao đổi với PV, ông Lưu Quang Tuấn, Phó viện trưởng Viện khoa học Lao động và Xã hội cho rằng, công bố này phản ánh đúng thực trạng của nền kinh tế của các nước trong khu vực.
Ông Tuấn lý giải, năng suất lao động nước ta thấp do trình độ phát triển của nền kinh tế còn lạc hậu, số lao động làm việc trong khu vực có năng suất thấp còn chiếm tỷ trọng lớn. (Số lao động trong khu vực nông-lâm nghiệp và thủy sản (trên 40%) và khu vực phi chính thức (khoảng 20%).
Năng suất lao động thấp do chất lượng lao động còn kém.
Bên cạnh đó, trong các ngành chế biến, chế tạo, chủ yếu vẫn gia công, lắp ráp, sử dụng sức lao động và sự cần cù, chịu khó là chủ yếu; tỷ lệ doanh nghiệp ứng dụng các thiết bị công nghệ sản xuất hiện đại, tự động hóa còn thấp; Chất lượng lao động còn kém, một bộ phận chưa thực sự tương xứng với bằng cấp đạt được, trình độ quản lý chưa cao, thủ tục hành chính còn phiền hà nên làm lãng phí thời gian lao động, gia tăng các chi phí không cần thiết.
Trước ý kiến cho rằng, vì mạng xã hội phát triển, nhiều người có thói quen lên facebook để bàn luận, để chia sẻ sẽ “ngốn” rất nhiều thời gian lao động trong ngày nên năng suất lao động người Việt thấp, Phó viện trưởng Viện khoa học Lao động và Xã hội khẳng định:
“Tôi tin rằng số đông người dùng internet là vì mục đích đem lại lợi ích cho bản thân (tri thức, kinh nghiệm) hơn là tán gẫu vô bổ trên mạng; thời gian họ dùng cho bàn luận, chia sẻ những thông tin không có ích chắc chắn không nhiều”.
Ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ TB&XH cho biết, ông không ngạc nhiên vì năng suất lao động của người Việt “thua” Lào.
“Kỹ năng của người lao động còn kém, lên mạng xã hội nhiều, dành thời gian cho việc riêng nhiều nên năng suất lao động thấp”, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ TB&XH nói.
Bên cạnh đó, rất nhiều người Việt lao động trong những ngành nghề ít có giá trị sáng tạo, chủ yếu là lắp ráp, chế biến, không phục vụ xuất khẩu trình độ khoa học công nghệ, quản lý còn yếu kém. Môi trường lao động lạc hậu giảm hiệu quả làm việc của người lao động.
Không phải người Việt lười biếng
Theo ông Lưu Quang Tuấn, dựa vào năng suất lao động thấp để đánh giá rằng lao động Việt Nam lười biếng hơn lao động Singapore hay Lào là thiếu cơ sở.
Bởi kết quả này không cho phép so sánh sự khác nhau về năng suất lao động giữa các ngành, nghề, nhóm lao động, doanh nghiệp cụ thể.
Đối với vùng lãnh thổ có trình độ phát triển kinh tế như Việt Nam thì tình trạng cũng tương tự như Việt Nam.
Cũng theo ông Tuấn, nếu xét về mức năng suất lao động đạt được và mức tiền lương bình quân của người lao động được nhận thì mức lương của người lao động Việt Nam không quá thấp.
Ở Việt Nam, những lao động tạo ra giá trị gia tăng lớn cho doanh nghiệp thì vẫn được doanh nghiệp trả lương cao.
Tuy vậy, để tăng năng suất lao động không chỉ phụ thuộc vào người lao động. Trước hết cần có vốn, công nghệ, lao động, trình độ quản trị, điều hành và năng lực sáng tạo. Bên cạnh đó, các cơ quan phải có phòng trào thi đua để người lao động phấn đấu.
Tổng cục Thống kê dẫn nghiên cứu của World Bank, chênh lệch mức năng suất lao động (tính theo PPP năm 2011) của Singapore và Việt Nam tăng từ 115.087 USD năm 2006 lên 131.333 USD năm 2016; tương tự, của Malaysia từ 39.806 USD lên 46.190 USD; Thái Lan từ 14.591 USD lên 17.208 USD; Indonesia từ 10.100 USD lên 13.496 USD; Philippines từ 6.691 USD lên 7.561 USD; Lào từ 220 USD lên 1.422 USD. |
Nguồn: Dân Việt