Gian triển lãm của hãng Rosoboronexport, Nga tại Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2022 ở Hà Nội hôm 8/12/2022
Đây là lần đầu tiên Việt Nam tổ chức một triển lãm quốc phòng quốc tế lớn như vậy với sự tham gia của 174 nhà triển lãm đến từ 30 quốc gia, trừ Trung Quốc – nước đã từ chối lời mời tham gia của Hà Nội.
Reuters trích lời Đại sứ Mỹ tại Hà Nội – Marc Knapper – nói với báo chí bên lề triển lãm rằng, triển lãm vũ khí “cho thấy một giai đoạn mới trong nỗ lực toàn cầu hóa, đa dạng hóa và hiện đại hóa của Việt Nam, và Mỹ muốn là một phần trong đó”.
Ông cho biết Mỹ muốn thúc đẩy hợp tác quân sự với Việt Nam chủ yếu trong việc cung cấp các tàu tuần duyên và máy bay huấn luyện kể từ sau khi Mỹ gỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam hồi năm 2016, đồng thời cũng luôn sẵn sàng thảo luận về các nhu cầu của Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực khả năng phòng vệ biển.
Hiện Việt Nam và Trung Quốc đang có những tranh chấp về chủ quyền trên Biển Đông. Những căng thẳng này làm dẫn đến những lo ngại về những đối đầu quân sự có thể có giữa hai bên.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam mong muốn đa dạng hóa nguồn cung vũ khí quốc phòng để “bảo vệ đất nước”.
Hiện Nga vẫn là nước cung cấp chủ yếu các loại vũ khí cho Việt Nam, chiếm đến 80% nhu cầu vũ khí của quốc gia Đông Nam Á này.
Hãng Rosoboronexport của Nga cũng có mặt tại triển lãm, giới thiệu các mẫu máy bay không người lái, xe bọc thép, trực thăng, máy bay, vũ khí nhỏ.
Giám đốc hãng trong một tuyên bố nói rằng hãng này “sẵn sàng thảo luận trong việc hợp tác công nghiệp và xây dựng cơ sở hạ tầng”.
Hiện việc mua vũ khí từ Nga của Việt Nam cũng gặp khó khăn do cuộc chiến giữa Nga và Ukraine. Đồng thời, những cấm vận từ Phương Tây cũng hạn chế việc xuất khẩu vũ khí của Nga sang Việt Nam.
Nguồn: RFA