Ngắm xe Honda nhái, ngẫm vấn nạn thờ ơXe máy Honda nhái xuất hiện, cơ quan chức năng vào cuộc ngay để bảo vệ nhà sản xuất. Nhưng với quyền lợi của cả triệu người bị "móc túi" hàng ngày, hàng giờ vì xe Honda loạn giá hay xăng gian thì đến nay, chưa thấy cơ quan nào nhúc nhích.

Vừa qua khi một cửa hàng ở 135 Nguyễn Tuân, Hà Nội bán xe  máy SCR và Spacy nhái sản phẩm của Honda với giá  siêu rẻ 16 triệu đồng/xe, vi phạm bản quyền, chỉ nửa tháng sau khi có ý kiến từ Văn phòng luật sư bảo vệ quyền lợi cho Công ty  Honda, cơ quan chức năng kiểm tra ngay. Những chiếc xe nhái đã bị thu giữ và chủ cửa hàng cũng được cơ quan công an gọi lên để làm rõ sự việc.

Việc các cơ quan chức năng vào cuộc ngay lập tức là điều được mọi người ghi nhận và đánh giá cao. Nhưng người tiêu dùng cũng mong muốn những chuyện như Honda loạn giá, xăng gian... các cơ quan chức năng vào cuộc nhanh như vậy thì họ sẽ không bị móc túi trắng trợn.

Việc muốn và không muốn làm

Từ 2 năm qua mẫu xe ăn khách của Công ty Honda Việt Nam như Air Blade và nửa năm nay mẫu xe Lead cũng vậy, luôn có giá bán cao hơn giá công bố từ 3 - 8 triệu đồng, người tiêu dùng và dư luận đã lên tiếng nhiều nhưng không hiểu vì sao các cơ quan chức năng không nhúc nhích?

Một số cửa hàng do Honda Việt Nam uỷ nhiệm (Head) tăng giá bán xe, nhưng khi ghi trong hoá đơn thì bao giờ cũng đúng với giá công bố của Honda Việt Nam, chính vì vậy người tiêu dùng dù phải trả thêm tiền nhưng không có bằng chứng để buộc tội các cửa hàng bán xe.

Nếu các cơ quan chức năng cứ đòi hỏi phải có bằng chứng rõ ràng, thì chắc khó lòng có được. Nhưng  để có bằng chứng, việc này cũng đâu có quá khó? Chỉ cần họ đóng vai khách hàng đi mua xe và trong lúc thanh toán có thể tổ chức bắt ngay lập tức, như vậy sẽ có bằng chứng rõ ràng và cửa hàng cùng lúc sẽ phải chịu 2 tội là nâng giá bán và không ghi vào hoá đơn để trốn thuế.

Việc này có làm được không? Câu trả lời là có, chỉ có điều có muốn làm hay không mà thôi. Chuyện xe máy Honda loạn giá đã xảy ra từ nhiều năm nay và ngày càng rầm rộ hơn, nhưng đến nay chưa có  Head nào trên cả nước bị bắt, bị xử phạt.  Thời gian qua dư luận đã lên tiếng nhiều nhưng  mọi chuyện vẫn vậy. Hành động bảo vệ người tiêu dùng duy nhất chỉ là khuyên không nên mua xe loạn giá khi chưa thực sự có nhu cầu.

Nếu vài cửa hàng bán xe loạn giá bị tóm và xử phạt, nhà sản xuất bị cảnh báo, răn đe có lẽ chuyện loạn giá không ngang nhiên và rầm rộ như vậy. Nhưng điều đó chưa hề xảy ra, cứ như người người tiêu dùng bị móc túi là chuyện riêng của họ!

Thấy gian lận: gật, chống gian lận: lắc?

Với hiện tượng bán xăng gian cũng vậy. Bán xăng gian diễn ra khắp mọi nơi, rất nhiều cây xăng dùng đủ mọi thủ đoạn tinh vi để móc túi khách hàng, nhưng các cơ quan chức năng làm chẳng được bao nhiêu mặc dù thừa nhận có hiện tượng này.

Những hiện tượng như không đưa đồng hồ về số 0 khi bơm xăng cho người tiếp theo; cho bảng hiển thị số nhảy cóc lên cả chục ngàn đồng; dùng 2 người, một người bơm, một người chỉnh đồng hồ;  lợi dụng khách hàng không tập trung để ăn gian...nhan nhản khắp nơi.

Ngắm xe Honda nhái, ngẫm vấn nạn thờ ơ_0

Hiện tượng xe Honda loạn giá kéo dài  và ngày càng rầm rộ. (Ảnh Trần Thuỷ)

Nhưng mới đây khi trả lời phỏng vấn của PV, ông Đặng Văn Sửu, Chánh thanh tra, Ban Thanh tra, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ KHCN) cho biết đấy chỉ là những tiểu xảo “nhanh tay hay mắt như kiểu làm xiếc” để lừa người tiêu dùng, khó phát hiện bằng chứng về hành vi vi phạm khi kiểm tra.

Theo ông Sửu, trường hợp người kinh doanh xăng dầu có hành vi gian lận, tác động làm thay đổi tình trạng kỹ thuật của phương tiện đo (như gắn thêm thiết bị điện tử - chip, bo mạch điện tử...) thì cần thanh tra, kiểm tra cây xăng thường xuyên. Tuy nhiên, để phát hiện những gian lận kiểu này thường khó khăn, cần đầu tư thời gian trinh sát với sự hỗ trợ của cơ quan công an và người tiêu dùng.

Có lẽ chính vì đòi hỏi phải có bằng chứng cụ thể như vậy nên nhiều hành vi gian dối đã bị các cơ quan chức năng bỏ qua và coi là chuyện bình thường, không cần đếm xỉa? Thời gian vừa qua các cơ quan chức năng có kiểm tra bắt quả tang một số cây xăng gian lận, tác động làm thay đổi tình trạng kỹ thuật của phương tiện đo và xử phạt, nhưng hiện tượng xăng gian vẫn nhan nhản khắp nơi.

Trong những ngày qua bạn đọc cũng góp ý rất nhiều về các giải pháp để hạn chế xăng gian như bán xăng theo bình tại các cây xăng trên toàn quốc, hay để khách hàng tự bơm xăng như các nước tiên tiến trên thế giới, yêu cầu cây xăng viết hoá đơn bán lẻ, công khai các cây xăng gian trên các phương tiện thông tin để mọi người cùng biết và tẩy chay... Nhưng hình như cơ quan chức năng không đánh giá cao những giải pháp này.

Nếu các cơ quan chức năng cứ đòi hỏi phải có bằng chứng rõ ràng thì  không phải lúc nào cũng có được, trong khi chuyện nhanh mắt, nhanh tay, làm xiếc thì lại rất nhiều. Nếu cứ bỏ qua những hành vi trộm cắp này thì  người tiêu dùng thường xuyên bị móc túi mà không biết kêu ai.

Cũng giống như hiện tượng xe Honda loạn giá, việc tìm ra bằng chứng với xăng gian đâu có quá khó, chỉ cần đóng vai người tiêu dùng đi mua xăng là có thể thấy. Khi phát hiện sự gian dối ngay lập tức kiểm tra, lập biên bản với sự làm chứng của người tiêu dùng, xử phạt và công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin là cũng hạn chế được nhiều. Bản thân nhiều người tiêu dùng bằng kinh nghiệm, khả năng quan sát  của mình đã không ít lần phát hiện ra sự gian dối của nhiều cây xăng và bắt ngươì bán phải bán đúng thì tại sao các cơ quan chức năng không thể làm được? 

Rất nhiều người tiêu dùng đang đặt câu hỏi: Liệu có sự vô cảm của các cơ quan chức năng trước tình trạng người mua hàng ngày hàng giờ bị người bán trắng trợn "móc túi"?

Theo Vietnamnet.

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC