Hai vấn đề nóng nhất trong Hội nghị Đối thoại với doanh nghiệp (DN) của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức ngày 16/5/2009 là cho vay hỗ trợ lãi suất và thị trường ngoại hối đang trục trặc.
Tuy lãnh đạo NHNN đã thể hiện một thái độ minh bạch và quyết liệt trong thực hiện các chính sách hỗ trợ DN và sẵn sàng mạnh tay với các vi phạm, gây khó khăn cho DN của các ngân hàng nhưng phía trước vẫn còn không ít tồn tại.
Tính chất căng thẳng trên thị trường ngoại tệ đã được các DN phản ánh khá nhiều cả trong và bên lề cuộc tiếp xúc lần này. Hầu hết các DN đều phản ánh họ đang gặp rất nhiều khó khăn trong khi mua USD để thanh toán và trang trải các nhu cầu kinh doanh.
Khi có nhu cầu USD, hầu hết các DN đều phải chờ 3 - 7 ngày mới được đáp ứng và không mấy khi được đáp ứng đủ. Thậm chí, có DN đã phải huy động thông qua thị trường chợ đen để nộp vào ngân hàng thanh toán. Còn tại các ngân hàng, đã xuất hiện một số tình trạng như tính thêm phí tư vấn để hợp thức hóa việc tăng giá cao hơn tỷ giá quy định; bắt DN ký quỹ đề được mua USD.
Các DN cho rằng, NHNN tuyên bố về cơ bản là không thiếu USD nhưng thực tế là DN gặp nhiều khó khăn trong mua, bán USD. Vì thế, nhiều DN kiến nghị vì thế cần có biện pháp để sớm khắc phục tình trạng.
Một số DN còn phản ánh những khó khăn cụ thể mà họ thường gặp như khi vay vốn USD và đề nghị chuyển qua nhận bằng VND để được hỗ trợ lãi suất. Tuy nhiên, khi chuyển đổi thì một số ngân hàng đã tính theo giá chợ đen, khiến DN phải mất thêm nhiều chi phí.
Bên cạnh đó, có DN khi thanh toán hợp đồng xuất khẩu qua ngân hàng đã phải mua giá USD cao hơn giá niêm yết nhưng đối tác chỉ chịu thanh toán theo tỷ giá niêm yết. Không còn cách nào khác, DN phải chấp nhận chịu thiệt phần chi phí tăng thêm.
Về những vấn đề này, Ông Nguyễn Quang Huy - Vụ trưởng Vụ Ngoại hối (NHNN) thừa nhận, thị trường ngoại tệ có sự căng thẳng, một phần là vì lý do tâm lý.
"Có DN trao đổi ngoại tệ trên thị trường tự do, chịu chênh lệnh. Trong khi đó, ngân hàng thương mại không mua được ngoại tệ nên không có để đổi cho DN, tạo ra một vòng luẩn quẩn. Thậm chí, có những ngày, giao dịch mua bán ngoại tệ trên toàn hệ thống đã bị âm đến hàng chục triệu USD. Việc mua bán ngoại tệ vượt trần biên độ cho phép diễn ra và có nhiều biến tướng khó kiểm soát"- ông Huy nói.
Để giải quyết vấn đề này, NHNN cũng đã có 6 quy định đối với thị trường ngoại hối. Trong đó, có việc quy định xử lý nghiêm khắc đối với những tổ chức đẩy tỷ giá ngoại tệ vượt trần biên độ cho phép.
"Chúng tôi cũng đề nghị DN cung cấp cho NHNN qua đường dây nóng khi phát hiện trường hợp nâng tỷ giá ngoại tệ để xử lý. Bên cạnh đó, đề nghị các DN nhập khẩu lớn thay vì mua ngoại tệ, mà vay ngoại tệ để tăng nguồn cung USD cho ngân hàng"- ông Huy gợi ý.
Trước những phản ánh của DN, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh, thị trường căng thẳng trong thời gian qua những đã được can thiệp và trở lại trạng thái bình ổn. Các DN nếu phát hiện bất cứ vi phạm nào phản ánh ngay với NHNN để xử lý và trả lời nhanh nhất.
Xử lý nhũng nhiễu ngay trong ngày
Ông Nguyễn Danh Tùng - đại diện một DN tại Hà Nội - phản ánh, ông cùng 2 DN khác xây dựng một hồ sơ đi vay vốn hỗ trợ lãi suất, khi đến ngân hàng thì không được chấp nhận cho vay vì bị yêu cầu quá nhiều thủ tục mà DN không thể đáp ứng như cung cấp cả kiểm toán từ năm 2006. Nhưng cũng với hồ sơ đó, sang ngân hàng cổ phần khác là được vay. Ông Tùng cho rằng như vậy là gây khó khăn cho DN. Ông đề nghị NHNN cử thanh tra, vào vai DN vay vốn đến các ngân hàng mới hiểu được khó khăn của DN.
Cam kết xử lý các hành vi gây khó khăn cho DN. (Ảnh: VNN) |
Trước đề xuất này, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu đã đề nghị chủ DN có thể cung cấp ngay địa chỉ cụ thể của chi nhánh ngân hàng giao dịch để có thể xử lý ngay. Theo ông Giàu, chưa thể khẳng định là ngân hàng nhũng nhiễu DN hay không nhưng chỉ cần có địa chỉ cụ thể, chỉ trong 1 ngày, NHNN sẽ có cách để kiểm tra và trả lời rõ ràng cho DN. Nếu phát hiện có hành vi nhũng nhiều sẽ xử lý ngay.
Ngay tại hội nghị, rất nhiều DN tiếp tục đề nghị cho doanh nghiệp được đảo nợ để hưởng lãi suất mới đối với các khoản vay trung và dài hạn như ý kiến của Công ty TNHH thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu BTCO - Bến Tre.
Về vấn đề này, Thống đốc NHNN khẳng định lại là không cho phép đảo nợ. Đây là hành vi không có lợi cho DN và ngân hàng và cả nền kinh tế.
Ông Giàu cho biết, không cho phép đảo nợ nhưng để giải quyết khó khăn cho DN, NHNN đã cho phép cơ cấu lại nợ cho DN. Theo đó, để tạo điều kiện cho các DN giảm chi phí đầu tư và giảm bớt khó khăn về tài chính, các ngân hàng thương mại đã điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đối với tất cả các khoản vay cũ xuống mức tối đa là 10,5%/năm, kể cả khoản vay vốn trung, dài hạn.
Trường hợp DN chưa có khả năng trả nợ đúng hạn, thì được ngân hàng xem xét cho cơ cấu lại thời hạn trả nợ và tiếp tục cho vay mới.
Theo Vietnamnet.