Ngân hàng "săn" nông dân: Tiền nhiều không là tất cảTrong khi vất vả dọn dẹp khối tín dụng một thời quá tay cho vay các đại gia, siêu dự án các NH đã giật mình với tốc độ tăng trưởng và chất lượng cho vay nông nghiệp ở ĐBSCL. Đây là một thị trường đầy tiềm năng cho ngân hàng sau những cú sốc nặng với vàng, chứng khoán hay BĐS. 

 Tín dụng tăng cao, nợ xấu thấp

Rất nhiều NH công bố báo cáo quý III/2013 lợi nhuận giảm và nợ xấu tăng. Đặc biệt, có NH lộ ra các khoản nợ nguy cơ mất vốn nằm ở các lĩnh vực hot trước đây như vàng, chứng khoán hay BĐS. Trong khi đó, con số cho vay ở một khu vực vốn không nóng là nông nghiệp, nông thôn lại rất ấn tượng, nhất là tại ĐBSCL

Tại hội thảo mới đây về tín dụng cho phát triển ĐBSCL, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, đến 31/10/2013, tổng dư nợ toàn địa bàn đạt 300 ngàn tỷ đồng, tăng 9,1% so với cuối năm 2012, chiếm 9,3% tổng dư nợ cho vay toàn bộ nền kinh tế.

Trong đó, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn tại khu vực ĐBSCL đạt 124 ngàn tỷ đồng, tăng 11,3% so với cuối năm 2012, chiếm tỷ trọng 17,4%/tổng dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn toàn quốc và chiếm 40,4% tổng dư nợ cho vay trên địa bàn khu vực. Đặc biệt nợ xấu trong khu vực chỉ chiếm tỷ lệ 3,36% tổng dư nợ.

So với thực tế của của ngân hàng thời gian gần đây thì con số này quả là ấn tượng. Ông Nguyễn Đức Hưởng – Phó Chủ tịch LienVietPostBank cho biết, trước đây vẫn có quan niệm cho vay nông nghiệp chi phí cao, rủi ro cao. Tuy nhiên đi vào thực tế đã chứng minh điều ngược lại. Dù món cho vay lớn không nhiều nhưng tổ chức nhiều mô hình cho vay theo nhóm, cho vay theo chuỗi thì không hề ít và rất an toàn. Người nông dân lại rất quý trọng và tiết kiệm nên sử dụng vốn hiệu quả nên rủi ro thấp.

Ông Nguyễn Văn Du - Phó Tổng giám đốc Vietinbank - cho biết: “Không chỉ tài trợ tín dụng cho các dự án đầu tư, chúng tôi hiện đang dành nguồn vốn hàng chục ngàn tỷ đồng cho ĐBSCL để phát triển các lĩnh vực kinh tế thế mạnh”.

Thời gian qua, Tổng nguồn vốn huy động tại chỗ của các TCTD trên địa bàn các tỉnh ĐBSCL đạt 228 ngàn tỷ đồng, tăng 9% so với cuối năm 2012 và chiếm 6,5% tổng nguồn vốn huy động trên toàn quốc. Nguồn vốn này chỉ đáp ứng được 78% nhu cầu vốn tại đây nên các ngân hàng đang điều chuyển một nguồn vốn về đầu tư phát triển ĐBSCL.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước, hiện nay, lãi suất đã về mặt bằng năm 2005, 2006, và giúp cho doanh nghiệp có chi phí vốn rẻ hơn. Không chỉ vây, để hỗ trợ nông dân, các TCTD còn thực hiện gia hạn nợ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, gỡ khó cho nông dân thất bát khi tiếp cận nguồn vốn cho các mùa vụ mới. Riêng 5 NHTM Nhà nước đã thực hiện gia hạn nợ đối với cá tra và tôm 8.729 tỷ đồng, tương ứng với 4.554 lượt khách hàng được gia hạn (hầu hết là hộ gia đình).

Khẳng định những tác động tích cực của tín dụng với ĐBSCL nhưng ông Nguyễn Viết Mạnh-Vụ trưởng Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước) cũng cho rằng, do công tác quy hoạch, quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh chưa tốt, tình trạng sản xuất tự phát, nhỏ lẻ đã làm ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu, giá sản phẩm của nông sản Viêt Nam, nên nguồn vốn tín dụng tuy đã tăng trưởng nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu, chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế của khu vực. Đồng thời, lúa gạo, thủy sản, trái cây là những thế mạnh của khu vực ĐBSCL nhưng lại thường xuyên đối diện với rủi ro thị trường như được mùa mất giá, hoặc các rủi ro từ giá thế giới, từ các luật thuế chống bán phá giá

Tiền nhiều chưa phải là tất cả

Theo ông Mạnh cho biết, sắp tới NHNN sẽ nghiên xây dựng cơ chế đặc thù trong cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cho phù hợp với tình hình thực tế theo hướng mở rộng đối tượng cho vay, nâng mức cho vay không có tài sản đảm bảo đối với một số đối tượng…. NHNN sẽ rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong cho vay, như cho vay lưu vụ, cho vay thông qua chuỗi liên kết, sổ vay vốn thay cho hợp đồng tín dụng đối với người trồng lúa.

Trước mắt, NHNN đang tháo gỡ khó khăn và tiếp tục hỗ trợ cho vay mới đối với người nuôi tôm và cá tra để hỗ trợ họ vượt qua khó khăn hiện nay.

Trong khi đó, Tiến sỹ Lê Thẩm Dương thuộc Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM vốn bơm cho nông nghiệp ĐBSCL thời gian qua đã cho thấy hiệu quả nhưng nếu chỉ bàn đến việc làm thế nào để tiếp cận được nguồn vốn tín dụng hay làm sao để tăng trưởng tín dụng thì không thể biến tín dụng thành ‘đòn bẩy,’ mà thậm chí còn có tác dụng ngược lại.

“Vấn đề là phải làm thế nào để các doanh nghiệp, người nông dân thẩm thấu được nguồn vốn vay” ông Dương nhấn mạnh.

Ngân hàng

Khai thác thị trường nông thôn nhất là ĐBSCL đang được nhiều NH quan tâm.

Điều này nhận được sự đồn thuận của nhiều chuyên gia khi cho rằng, vốn tín dụng không phải vấn đề đáng quan tâm nhất hiện nay ở khu vực này mà chính là việc tái cấu trúc nông nghiệp, nông thôn. Bởi vì, vốn có đổ vào nếu thiếu điêm tựa thì cũng không đạt hiệu quả.

Điểm tựa đó, theo ông Dương cho rằng cần xây dựng các mô hình như cánh đồng mẫu lớn, trang trại rau sạch để tạo ra sự phát triển bền vững. Và việc tái cơ cấu nông nghiệp phải được thực hiện như gia tăng chế biến, tạo ra quy mô sản xuất lớn thì vốn mới được dùng hiệu quả.

“Sau khi chủ thể kinh doanh tốt, thiếu vốn thì mới nên bơm thêm, còn không thì bơm thêm rủi ro còn lớn hơn”, ông Dương nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị Ngân hàng LiênVietPostBank cho rằng cần phá 3 “cái độc” gồm độc canh, độc quyền và “độc ác”- tín dụng đen, thì mới có thể thúc đẩy tín dụng cho phát triển kinh tế xã hội khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo Vietnamnet.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC