Anh cả Vietcombank rút 40% số ngoại tệ đang gửi ở châu Âu và Mỹ, nhằm bảo toàn tài sản trước cơn khủng hoảng tài chính thế giới. Một số ngân hàng khác có động thái tương tự. Tổng giám đốc Vietcombank xác nhận thông tin này cuối tuần qua.

Không chỉ châu Âu, nhiều nền kinh tế châu Á, trong đó có Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan hay Australia đã phải hứng chịu dư chấn của cuộc khủng hoảng bên kia bờ Đại Tây Dương. Tại Việt Nam, một số nguồn tin cho rằng các ngân hàng có thể bị mất tài sản do quan hệ với các đối tác nước ngoài. Xung quanh vấn đề này, Tổng giám đốc Ngân hàng cổ phần Ngoại thương Vietcombank Nguyễn Phước Thanh đã trao đổi với VnExpress.net.

- Nhiều ý kiến cho rằng khủng hoảng tài chính thế giới ít, thậm chí không ảnh hưởng tới ngân hàng Việt Nam. Còn ông nghĩ sao?

- Nói không có ảnh hưởng là không đúng, vì Việt Nam đã giao thương với thế giới. Chỉ có điều nó ảnh hưởng ở mức độ nào? Theo tôi không lớn. Bởi mình mới mở cửa về hàng hóa là chính. Còn vấn đề vốn, tài khoản vốn, mình chỉ ảnh hưởng ở dòng tiền vào, tức là nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Đầu tư nước ngoài có thể bị giảm, những dự án cam kết có thể không đúng tiến độ.

Các ngân hàng Việt Nam chưa mua cổ phiếu của nước ngoài, nên không bị ảnh hưởng về mặt này. Các ngân hàng trong nước chủ yếu giao dịch với các ngân hàng thương mại. Trong khi đó, cuộc khủng hoảng ở nước ngoài tập trung ở các ngân hàng đầu tư.

- Từ góc độ của riêng Vietcombank, làm sao ông có thể khẳng định các ngân hàng Việt Nam không hề mua cổ phiếu ở nước ngoài?

- Tôi khẳng định chắc chắn như vậy, bởi Vietcombank thường đi đầu trong việc hợp tác với nước ngoài. Nếu chúng tôi chưa mua các loại chứng khoán liên quan tới mảng cho vay dưới chuẩn (nguyên nhân gây khủng hoảng tại Mỹ), thì có thể khẳng định các ngân hàng khác trong nước cũng chưa làm.

Với nước ngoài, các ngân hàng chỉ hợp tác dưới dạng gửi tiền là chính. Cùng lắm thì mua một số giấy tờ có giá giống như trái phiếu kho bạc ở Việt Nam, bởi nó có tính an toàn cao.

- Nếu không ảnh hưởng, tại sao có thông tin Vietcombank và một số ngân hàng trong nước đồng loạt rút vốn về trong tuần qua?

- Hôm 3/10, Thủ tướng có văn bản chỉ đạo ngân hàng rà soát các khoản tiền gửi ở nước ngoài. Hơn một tuần sau, Vietcombank đóng bớt tài khoản và rút dần các khoản tiền gửi đã tới hạn.

Thực ra từ vài tháng trước, các ngân hàng Việt Nam đã rà soát lại quan hệ với các ngân hàng thương mại, xem nơi nào an toàn nhất để tập trung gửi tiền. Tuy nhiên, kể từ 15/9, khi những ngân hàng đầu tư hàng đầu của Mỹ như Lehman Brothers hay Merrill Lynch lâm nạn, thị trường xấu hơn trước. Rồi những ngày gần đây, có cả sự sụp đổ của những ngân hàng lưỡng tính (cả thương mại và đầu tư). Chúng tôi phải xem xét lại việc tập trung tiền. Lúc này mình bắt đầu suy nghĩ, các ngân hàng lớn cũng chưa chắc đã an toàn. Và trong số các ngân hàng thương mại mà mình đang quan hệ, không thể dám chắc họ có liên quan gì tới các ngân hàng vừa sụp đổ hay không. Vì vậy chúng tôi quyết định rút tiền về, để đảm bảo an toàn.
3-4 ngày nay, các nước tỏ rõ quyết tâm giải quyết khủng hoảng. Tình hình đang có vẻ ổn hơn. Giờ chúng tôi thấy bình yên nên tạm dừng việc rút tiền về.

- Vietcombank đã rút bao nhiêu tiền từ nước ngoài về?

- Tôi không thể tiết lộ cụ thể, nhưng phần vừa rút về chiếm khoảng 40% tổng lượng tiền gửi ở nước ngoài của Vietcombank. Phần lớn số tiền đó chúng tôi đang gửi ở Ngân hàng Nhà nước và sắp tới sẽ tính chuyện gửi lại.

- Có thông tin cho rằng Vietcombank gửi tiền ở nước ngoài nhiều và có nguy cơ mất trắng. Ông nói sao về vấn đề này?

- Trên thị trường có những đồn đoán này kia. Nhưng tôi khẳng định thiệt hại là không có. Vietcombank đã báo cáo sự việc với Thủ tướng từ hơn một tháng nay. Tôi muốn rút về hết để chứng minh cho mọi người biết là chúng tôi an toàn. Nhưng mình không làm chuyện đó, vì nó phi lý, rút về hết thì không thể thanh toán được. Không chỉ doanh nghiệp, Bộ Tài chính cũng phải thanh toán qua chúng tôi nữa cơ mà. Nếu chúng tôi mất tiền, Chính phủ đã gõ đầu rồi.

- Vậy việc rút tiền vừa qua gây thiệt hại như thế nào cho ngân hàng?

- Chúng tôi không rút đồng loạt, tới hạn thì rút dần thôi. Hơn nữa, lãi suất gửi rất thấp, nên không mất mát gì. Chúng tôi mở tài khoản giao dịch nestro (tài khoản phục vụ mục đích thanh toán và giao dịch với nước ngoài) tại nhiều ngân hàng trên thế giới. Do tình hình bắt buộc, chúng tôi phải đóng bớt một số và rút tiền về, nên ảnh hưởng ít nhiều tới hoạt động thanh toán.

Thời gian qua một số ngân hàng cũng đã rút tiền về và tìm cách cất trữ an toàn thông qua Ngân hàng Nhà nước, tất nhiên là hiệu quả sẽ thấp hơn và không phải là điều hết.

- Nhu cầu ngoại tệ trong nước phục vụ kinh doanh xuất nhập khẩu rất lớn. Tại sao các ngân hàng phải đem gửi ở nước ngoài mà không dành hết phục vụ như cầu trong nước?

- Gửi tiền ở nước ngoài là nghiệp vụ bình thường của các ngân hàng thương mại. Ngay cả dự trữ ngoại tệ quốc gia cũng phải gửi ở nước ngoài để đảm bảo an toàn. Theo quy định, khi huy động vốn, một phần anh để cho vay, một phần anh dự trữ để đảm bảo thanh khoản. Phần dự trữ đó phải đem gửi ở ngân hàng nước ngòai, vừa đảm bảo có thanh khoản, đồng thời phục vụ thanh toán quốc tế và thực hiện các cam kết quốc tế. Thực ra anh cũng có thể gửi phần dự trữ đó ở Ngân hàng Nhà nước, nhưng lãi suất thấp, mà có khi gửi nhiều quá chưa chắc Ngân hàng Nhà nước đã nhận. Bắt buộc gửi ở nước ngoài, lãi cao hơn, vừa đảm bảo thanh khoản, phục vụ thanh toán, và khi cần đôla mặt có thể nhập về được.

- Vietcombank có chiến lược phát triển thành tập đoàn tài chính ngân hàng đa năng, trong đó có hoạt động ngân hàng đầu tư. Từ sự đổ vỡ của các ngân hàng đầu tư trong cuộc khủng hoảng vừa qua, Vietcombank có định thay đổi kế hoạch của mình?

- Trong lộ trình chúng tôi sẽ làm hai mảng, một mảng đầu tư và một mảng bán lẻ. Với bán lẻ, do lạm phát tăng cao thời gian qua chúng tôi tạm dừng, dịch vụ thẻ thì phát triển, còn cho vay tiêu dùng thì hạn chế. Còn mảng đầu tư, đâu phải cứ đầu tư là thất bại? Cần làm rõ họ khủng hoảng vì đâu? Các ngân hàng đầu tư đã kích cầu thông qua kiểu cho vay dưới chuẩn. Việt Nam những năm 1997-1998 đã thấm đòn. Hồi đó chưa cho vay dưới chuẩn, mà là thấp chuẩn. Vậy mà đã có sự đổ vỡ hàng loạt.

Theo Song Linh
VnExpress.



 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC