Thưởng kiểu dồn cục, chênh lệch tùy theo kết quả hoạt động và cách chia lương của từng chi nhánh… là những điều ít người biết về cách trả thưởng Tết của ngành ngân hàng.

 

Ngân hàng thưởng Tết trăm triệu: Luật ngầm trả thưởng - 0

Tiền thưởng kiểu dồn cục

Hệ thống KPI là căn cứ phổ biến được các ngân hàng áp dụng để chia mức thưởng Tết.

Với phần lớn ngân hàng, điểm chấm KPI không ảnh hưởng nhiều đến thu nhập hàng tháng của nhân viên, vì họ sẽ nhận được mức lương cứng theo đúng cấp bậc và vị trí công việc.

Riêng mức KPI cuối năm sẽ được sử dụng để xếp loại lao động.

Thưởng Tết tại các ngân hàng này sẽ gồm lương tháng thứ 13 do hỗ trợ của trụ sở chính, thưởng thêm của chi nhánh nếu chi nhánh có kết quả kinh doanh tốt và thưởng khích lệ (thường không nhiều) cho người lao động có xếp loại tốt.

Tuy nhiên, một số ngân hàng khác sử dụng KPI hàng tháng như một cách đánh giá mức độ hoàn thành công việc, và trở thành trọng số để tính lương thực nhận.

Thu nhập của nhân viên khi đó sẽ được tính bằng tỷ lệ % hoàn thành KPI nhân với lương cứng.

Vì không dễ dàng điều chỉnh lương theo từng tháng, ngân hàng sẽ quy định một mức trả lương tạm ứng cho người lao động, thường tương ứng với mức điểm KPI 70-80%.

Đến 31/12, sau khi đã quyết toán và hoàn thiện việc chấm điểm KPI cả năm, mức thu nhập chính xác một năm của từng người lao động được xác định và so sánh với mức lương tạm ứng đã chi trong năm.

Khi đó sẽ xảy ra hai trường hợp: người lao động sẽ nhận được hoặc trả lại phần chênh lệch.

Con số trả lại hoặc nhận thêm này cộng với lương tháng 13 hỗ trợ của trụ sở chính sẽ được trả chung vào thời điểm tháng 1 năm sau và cũng là trước tết Nguyên Đán.

Cùng ngân hàng, khác chi nhánh: Người ăn không hết, kẻ lần chẳng ra

Đặc thù của hoạt động kinh doanh ngân hàng là phải có mạng lưới chi nhánh.

Hiện nay, các chi nhánh phải độc lập chịu trách nhiệm rất cao về kết quả kinh doanh của mình.

Một chi nhánh có kết quả kinh doanh không tốt kéo theo điểm KPI của người lao động khó mà cao được.

Ở những chi nhánh này tết thường chỉ có lương hỗ trợ tháng 13 của trụ sở chính.

Ngược lại, ở chi nhánh kinh doanh tốt, ngoài lương tháng 13 của trụ sở chính, những đơn vị này có thể thưởng thêm đến 3-4 tháng lương cứng, cộng với phần chênh lệch sau khi quyết toán thu nhập, người lao động có thể nhận được một khoản thường được gọi là thưởng Tết tương ứng 8-9 tháng lương cứng của mình.

Ngoài ra, ở một số ngân hàng, thu nhập cứng của từng chi nhánh được phân bổ tùy theo quyết định của người đứng đầu.

Nguyễn Lâm Tùng, người từng có thời gian 3 năm làm việc trong ngành này cho biết, lương cho cùng một vị trí của các chi nhánh khác nhau của cùng một ngân hàng có thể chênh từ 1,5 đến 3 lần.

"Giám đốc chi nhánh có quyền phân bổ thu nhập cho các vị trí nhân viên, nên điều đó cũng ảnh hưởng nhiều đến mức thưởng cuối năm.

Có chi nhánh công bố thưởng 5 tháng lương, nhưng tính trên một mức cơ bản thấp, khiến tổng tiền được nhận chỉ bằng 2 tháng so với các chi nhánh khác.

Vậy nên, những con số thưởng của ngân hàng được công bố đôi khi tạo ra cảm giác lệch rất lớn với thực tế, chẳng khác nào lương thực nhận và lương tính trung bình".

Theo Soha/Trí Thức Trẻ




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC