Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nêu phương án sử dụng số tiền hơn 1 triệu tỷ tồn dư ngân sách được các đại biểu tranh luận tại Kỳ họp 5, Quốc hội khoá XV.

Tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội năm 2023 trong khuổn khổ kỳ họp Quốc hội diễn ra sáng nay (1/6), Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc giải đáp 7 vấn đề về tài chính, ngân sách được cử tri, đại biểu thắc mắc.

Theo đó, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định điều hành kinh tế - xã hội năm 2022 thành công rực rỡ với tăng trưởng kinh tế đạt 8,02% và thu ngân sách vượt so cùng kỳ là 15,7% và vượt dự toán 28,6%; kim ngạch xuất nhập khẩu đạt cao nhất; bội chi ngân sách dưới 4%, nợ công giảm…

1 Ngan Sach Ton Du Hon 1 Trieu Ty Bo Truong Tai Chinh Neu Phuong An Giai Ngan

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc

Về số tiền ngân sách tồn dư hơn 1 triệu tỷ, Bộ trưởng Tài chính cho biết số tiền này đã gắn với nhiệm vụ chi cụ thể, tức là nguồn này là nguồn nhàn rỗi tạm thời đã có trong dự toán được Quốc hội phê chuẩn như bố trí vào các dự án đầu tư công, dự án về chương trình mục tiêu quốc gia...

"Như vậy đây là nguồn đã có nhiệm vụ chi chi tiết, tồn đọng là vì chưa giải ngân hết chứ không phải là nguồn để phân bổ vào việc khác", Người đứng đầu ngành Tài chính thông tin.

Trước đó, nhiều đại biểu Trần Anh Tuấn, Hà Sỹ Đồng kiến nghị "có thể linh hoạt bố trí khoản tồn dư hơn 1 triệu tỷ này hỗ trợ ngay cho người lao động, người mất việc; hoặc xây nhà ở cho thuê tại các khu chế xuất, khu công nghiệp và đào tạo, chuyển nghề cho công nhân". Các đại biểu hy vọng những giải pháp này sẽ kích cầu ngay cho nền kinh tế.

Vấn đề "lập dự toán không sát dẫn đến số vượt thu cao" được nhiều đại biểu thắc mắc, Bộ trưởng Phớc lý giải, thời điểm lập dự toán cho năm 2022 được thực hiện vào tháng 9/2021, đó là giai đoạn đại địch COVID-19 bùng phát, thời điểm đó tăng trưởng âm, thu ngân sách âm so với cùng kì. Dự toán ngân sách phù hợp với bối cảnh thời điểm đó. Tuy nhiên đến năm 2022, nước ta chống dịch thành công, tăng trưởng tăng đạt 8,02% cả năm. Từ đó vượt thu ngân sách.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng làm rõ, dầu thô vượt thu do với dự toán là do tăng giá dầu và tăng sản lượng. Bên cạnh đó, tăng cường kê khai và tăng thu từ chuyển nhượng bất động sản, thu nội địa cũng tăng… Những kết quả trên cho thấy vấn đề tài khóa năm 2022 tương đối thành công, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu rõ. 

Liên quan đến chính sách hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu, sau khi Quốc hội có Nghị quyết 43 năm 2022 thì Chính phủ đã ban hành Nghị định 15 cả nước giảm 132.000 tỷ đồng tiền thuế, cùng nhiều chính sách như giảm thuế giá trị gia tăng, giảm thuế bảo vệ môi trường 50%... Bên cạnh đó, Chính phủ còn thiết kế các chính sách kích cầu, đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng, hệ thống đường cao tốc… thúc đẩy cho tăng trưởng kinh tế. 

Về quản lý hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, Bộ trưởng Bộ Tài chính làm rõ vừa qua có những tồn tại như liên kết giữa ngân hàng thương mại và công ty bảo hiểm, các hợp đồng dài, chưa rõ ràng, người mua thường thua thiệt khi khiếu kiện.

Bộ Tài chính đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước kiểm tra và xử lý nghiêm những ngân hàng và những công ty bảo hiểm vi phạm.

Bộ cũng đang tham mưu xây dựng nghị định và xây dựng thông tư để thực hiện pháp luật về kinh doanh bảo hiểm. Trong đó, tập trung vào nguyên tắc cung cấp các sản phẩm bảo hiểm và hợp đồng bảo hiểm rõ ràng, ngắn gọn, trọng tâm, làm rõ quyền lợi, thời hạn và nghĩa vụ của các bên. Bộ cũng yêu cầu các đơn vị quy định gói định mức tối đa chi thưởng, quy định các vấn đề về chi đại lý, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm. 

2 Ngan Sach Ton Du Hon 1 Trieu Ty Bo Truong Tai Chinh Neu Phuong An Giai Ngan

Các đại biểu thảo luận tại nghị trường.

Về kinh phí cho chương trình tiêm chủng mở rộng, Bộ trưởng Tài chính cho biết: "Kinh phí tiêm chủng hiện này được bố trí trong chi thường xuyên. Trong năm 2021 bố trí được 134 tỷ đồng cho tiêm chủng mở rộng; năm 2022 là 178 tỷ đồng. Kinh phí cho năm 2023 hiện Bộ Tài chính đang phối hợp với Bộ Y tế để bố trí kinh phí mua vaccine và việc này được Thủ tướng chỉ đạo triển khai".

Về vấn đề quản lý đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ trưởng Phớc cho biết, lộ trình thực hiện tự chủ tài chính là phải đảm bảo cho việc tính giá dịch vụ của sự nghiệp công theo nguyên tắc tính đủ chi phí dịch vụ. Các đơn vị cần ban hành các định mức kinh tế kỹ thuật chuyên ngành để đáp ứng kịp thời nội dung này. Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương quy định trong giai đoạn từ nay đến năm 2025 phải phấn đấu đảm bảo 20% đơn vị tự chủ được tài chính.

Về thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, Tư lệnh ngành Tài chính cho biết việc chi chương trình mục tiêu có hai hình thức: chi thường xuyên và chi đầu tư.

Chi đầu tư là chi các dự án đường sá, hỗ trợ nhà ở… việc này do Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa danh mục, còn Bộ Tài chính giao kế hoạch. Theo quy định, không bố trí theo năm mà bố trí theo từng chương trình trong từng giai đoạn cụ thể. Vì vậy để cắt ra chia cho năm là không phù hợp.

Tuy nhiên, để khắc phục tồn tại, hạn chế, Bộ Tài chính đã đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư nên giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giao về cho các tỉnh và các bộ, ngành, các tỉnh. Các bộ ngành phân bổ, còn cơ quan trung ương chỉ quy định về định mức tiêu chuẩn và tiêu chí như vậy sẽ bảo đảm triển khai nhanh hơn.

Nhận định tình hình kinh tế đang khó khăn, Bộ trưởng Phớc đề nghị phân cấp mạnh mẽ cho các địa phương và các bộ, ngành như vốn chương trình mục tiêu, chi thường xuyên để sửa chữa, nâng cấp các công trình công và các máy móc thiết bị, hay đánh giá tác động môi trường.

Cần tập trung giải quyết những vướng mắc về mặt pháp lý, đặc biệt là đất đai và các công trình điện, giải quyết thị trường và cung ứng vốn, hướng đến hoàn thiện dần các quy định và hành động để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Hà Cường

Nguồn: BÁO ĐIỆN TỬ VTC NEWS - VTC.VN




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC