Đã gần nửa thế kỷ trôi qua, người dân TX Hoàng Mai (Nghệ An) mới phải hứng chịu trận lũ lụt kinh hoàng đến thế. Cơn lũ đi qua, nhiều gia đình lâm vào cảnh kiệt quệ. Họ đang gắng gượng đứng dậy khắc phục hậu quả cùng sự chung tay của cộng đồng.
Hai ngày sau khi nước lũ rút, chúng tôi trở lại vùng rốn lũ Hoàng Mai khi người dân từ vùng sơ tán trở về nhà dọn dẹp đồ đạc. Khung cảnh ảm đạm, hoang tàn do cơn lũ để lại vẫn còn hiện rõ trên từng mái nhà, con đường. Chỉ trong một đêm, lũ dữ ập đến nhanh chóng và rút đi nhưng để lại bao mất mát, đau thương cho người dân nơi đây.
Hoang tàn sau cơn "đại hồng thủy"
Khi mực nước trên sông Hoàng Mai đã rút hẳn, từ TX Hoàng Mai ngược theo tuyến đường lên các xã vùng thượng du, người dân vẫn đang hối hả lau dọn đồ đạc, vớt vát tài sản trôi trong lũ. Khắp các con đường vào thôn xóm, ngõ hẻm đều ngập ngụa trong bùn đất. Những ruộng ngô khoai, hoa màu bị lũ xô đổ không còn sự sống. Người dân mệt mỏi, ủ rũ sau mấy đêm trắng chạy lụt trở về nhà từ nơi di tản giờ lại đang vất vả để dọn dẹp lại đống đổ nát. Thi thoảng, từ trong những ngôi nhà ngấm bùn đất lại vọng ra tiếng kêu khóc não lòng: “Trôi hết rồi, còn chi nữa mô. Lấy chi mà ăn đây…”.
Dẫn chúng tôi đi đến các xóm bị ảnh hưởng sau trận lũ, ông Trần Văn Tuấn - Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Trang, TX Hoàng Mai - chua chát nói: “Trong mấy tiếng đồng hồ, nước từ hồ Vực Mấu đổ về rất nhanh làm người dân không kịp trở tay. Xã chúng tôi có 13 xóm thì có 8 xóm bị ngập, trong đó có hàng trăm nhà bị ngập gần nóc nhà. Toàn bộ người dân được sơ tán kịp thời nên không có thiệt hại về người nhưng nhiều tài sản thì bị trôi sạch. Đây là trận lụt hơn 40 năm qua ở đây, để lại hậu quả rất nặng nề”.
Một em bé tại xã Quỳnh Vinh, TX Hoàng Mai ăn mỳ tôm sống chống đói sau trận lũ lịch sử (Ảnh: Phong Tình)
Bì bõm trong nước, lúi húi nhặt tập sách của con bị nước cuốn vào vườn đem đi phơi, anh Trần Văn Hải (31 tuổi, xã Quỳnh Trang) than thở: “Gần sáng, gia đình tôi đang ngủ thì nước vào lênh láng nhà cửa. Cha mẹ, con cái chỉ kịp tháo chạy chứ không mang được gì theo. Vì vậy nhiều tài sản trong nhà cũng như lợn gà đã bị cuốn trôi hết”. Bên ngoài vườn, chị Lê Thị Phương (vợ anh Hải) đang ngồi vớt vát lại vườn rau cải mới trồng được hơn 1 tháng bị nước lũ làm nát bét: “Cả nhà trông cả vườn rau cải bán lấy tiền đong gạo mà giờ lũ làm nát hết cả. Nước uống trong giếng cũng không dùng được vì toàn bùn đất. Hôm nay gia đình được phát mỳ tôm cứu trợ nhưng cũng không có nước để nấu ăn”, chị Phương mắt đỏ hoe.
Cạnh gia đình anh Hải, gia đình anh Lê Công Đức cũng đang khóc dở, mếu dở vì đàn gà gần 1.000 con bị lũ cuốn trôi, chết gần hết. Chỉ một đêm lũ lên, gia đình anh lâm vào cảnh trắng tay, nợ nần. “Khổ quá anh ơi, chỉ sau một đêm mà gia đình tôi đã thành tay trắng thế này. Trôi hết, chết hết rồi không biết nhìn vào gì mà sống nữa…”, anh Đức mếu máo.
Đàn gà của vợ chồng anh Lê Công Đức (xóm 5, xã Quỳnh Trang, TX Hoàng Mai) chết sạch sau cơn lũ (Ảnh: Doãn Hòa)
Nước lũ rút, chị Nguyễn Thị Luyến (xã Quỳnh Vinh) cũng đang hốt từng nắm bùn lẫn với thóc, gạo đem ra giếng rửa. Chồng đi làm ăn xa, gia đình có 3 đứa con nhỏ nên trong đêm lũ về chị Luyến chỉ kịp bế con chạy lên gác xép. Căn nhà của chị bị phủ bởi một lớp bùn non nhão nhoét sau trận lũ. Lẫn lộn trong bùn đất là quần áo, sách vở, gạch đá… Nhìn những hạt lúa còn sót lại trên khung cửa sổ, chị Luyến khóc nức nở: “Gần 3 tạ thóc vừa thu hoạch xong được tôi phơi cẩn thận đều bị lũ làm trôi gần hết. Không biết mẹ con tôi lấy gì ăn cho qua mùa giáp hạt này đây?”.
Xuôi xuống các xã, phường TX Hoàng Mai và huyện Quỳnh Lưu, người dân cũng đang khóc ròng vì hàng trăm ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị cuốn trôi theo dòng nước lũ. Đây là 2 địa phương có diện tích nuôi tôm thâm canh lớn nhất tỉnh Nghệ An. Riêng vụ nuôi tôm thứ 2, cả thị xã Hoàng Mai và huyện Quỳnh Lưu đã thả được khoảng 700 ha, nhưng đến nay khoảng hơn 400 ha bị nước lũ nhấn chìm, mất trắng, gây thiệt hại nặng cho người nuôi tôm.
Anh Trần Đức Trường - Chủ nhiệm HTX Phú Cường, TX Hoàng Mai - xót xa: “Toàn HTX có 50 ha diện tích nuôi tôm, nhưng 26 hộ dân chỉ thả 10 ha, nay mất trắng cả. Trong đó có 4 ha tôm đã lớn, khoảng 60 con/kg, đang chuẩn bị bán, bất ngờ lũ về cuốn đi hết. Chỉ riêng 4 ha tôm lớn, 1 ha được khoảng 5 tấn, với giá 200 ngàn đồng/kg, các hộ dân của HTX đã mất gần 4 tỷ đồng…”. Theo anh Cường, cuộc sống của người dân đang rất khó khăn, nhiều hộ vay vốn ngân hàng để đầu tư nuôi tôm, giờ mất trắng.
Khẩn trương khắc phục hậu quả
Cơn lũ lịch sử không chỉ cuốn trôi tài sản, làm thiệt hại hàng trăm tỷ đồng mà hiện nay, nhiều xã, phường trên địa bàn TX Hoàng Mai cũng thiếu nước sạch trầm trọng và đối mặt với nguy cơ ô nhiễm môi trường. Để có nước sinh hoạt, nấu ăn, nhiều hộ dân phải chắt từng giọt nước trên mái tôn, chum vại chưa bị nước lũ vào.
Chủ tịch UBND TX Hoàng Mai - ông Nguyễn Hữu Tuy cho biết: “Hiện nay chúng tôi đang thống kê thiệt hại do trận lũ để lại và huy động các lực lượng, đoàn thể cùng người dân khắc phục hậu quả. Đây là trận lũ lụt để lại hậu quả nặng nề cho địa phương. Lúc này, người dân đang rất cần những tấm lòng của mọi người chia sẻ để vượt qua khó khăn trước mắt và sớm ổn định cuộc sống trở lại”.
Theo báo cáo nhanh của Ban PCLB&TKCN Nghệ An, thời điểm ngập cao nhất ở TX Hoàng Mai lên đến 20.000 hộ dân. Lúc 11h ngày 3/10, nước đã rút bớt, chỉ còn ngập nông 200 hộ của các xã, phường Quỳnh Trang, Mai Hùng, Quỳnh Vinh, Quỳnh Thiện, Quỳnh Dị và Quỳnh Xuân. Ước tính thiệt hại do cơn bão số 10 và lũ lụt khoảng 1.239 tỷ đồng, trong đó riêng thị xã Hoàng Mai là 800 tỷ đồng. Hiện nay, UBND tỉnh Nghệ An đang tích cực chỉ đạo cho các Sở, ban ngành và các huyện, thành phố, thị xã triển khai công tác khắc phục hậu quả sau bão lụt.
Ngoài việc tổ chức cứu trợ kịp thời lương thực, thực phẩm, và các nhu yếu phẩm thiết yếu cho nhân dân vùng bị ngập úng, chia cắt, các lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An cũng đang tiến hành các biện pháp xử lý môi trường, phun thuốc tiêu độc, khử trùng, xử lý nước sinh hoạt; không để dịch bệnh bùng phát ở người và gia súc, gia cầm.
Người dân nghẹn ngào khi nhận mỳ tôm cứu trợ từ Hội Chữ thập đỏ tỉnh Nghệ An
Ngày 3/10, UBND tỉnh Nghệ An đã diễn ra cuộc họp khẩn thành lập Ban tiếp nhận cứu trợ tỉnh để tiếp nhận kịp thời những tấm lòng hảo tâm của các đoàn thể, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nhằm khắc phục nhanhhậu quả của cơn bão số 10 vừa qua.
Sau trận lũ lụt khủng khiếp, người dân TX Hoàng Mai và Quỳnh Lưu đang gượng dậy, khắc phục hậu quả. Những chuyến hàng cứu trợ, những thùng mỳ tôm, nước sạch…từ sự chung tay của cộng đồng đang tiếp tục đến với người dân làng Quỳnh để họ vượt qua những khó khăn, xây dựng lại cuộc sống mới.
Hình ảnh hoang tàn sau cơn "đại hồng thủy" tại TX Hoàng Mai do PV ghi lại ngày 3/10:
Nhiều hộ dân ở cạnh cánh đồng này nước đang ngập.
Ngổn ngang đồ đạc sau lũ dữ.
Cố bòn mót những bông lúa sau lũ rút.
Sổ hộ khẩu, các giấy tờ liên qua của một hộ dân xóm 4 Quỳnh Trang đã ướt sạch.
Người dân đau khổ khi phải đem những hạt lúa nảy mầm lẫn lộn trong lớp bùn đất đưa đi rửa nước.
Chưa bao giờ bờ sông Mai Giang (còn gọi là sông Hoàng Mai) lại sạt lở đến thảm hại như sau cơn lũ vừa qua (Ảnh: Nguyễn Duy).
Theo Dân trí.