Từ hôm qua tới sáng nay, lượng mưa từ 200-300mm. Cùng với nước từ thượng nguồn đổ về, mực nước trên các sông dâng lên nhanh, các hồ đập phải xả tràn đã gây ngập ở vùng hạ du.
Trong hai ngày qua trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có mưa to, có nơi mưa rất to. Các huyện Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang bị ngập lụt nặng nề, một số nơi bị nước lũ chia cắt. Huyện Hương Sơn, lượng mưa lên tới 400 mm, cùng với nước từ thượng nguồn đổ về đã làm 1 người chết, 2 người mất tích, 11 xã với khoảng 2 nghìn hộ dân bị nước lũ cô lập, hàng trăm hécta hoa màu bị ngập, hệ thống điện bị mất hoàn toàn. Quốc lộ 8A bị sạt lở gây ách tắc giao thông, đoạn từ trung tâm huyện đến Khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo.
Mưa lũ làm nước sông Ngàn Sâu, Ngàn Trươi dâng cao, khiến cho 2 xã Đức Lĩnh, Đức Giang của huyện Vũ Quang và 15 xã, thị trấn của huyện Hương Khê với trên 700 hộ dân bị chia cắt, nhiều tuyến đường bị ngập sâu khoảng 1m, gây ách tắc giao thông, trong đó đường Hồ Chí Minh bị ngập 3 đoạn. Huyện Hương Khê phải di dời khẩn cấp hàng trăm hộ dân.
Ông Nguyễn Văn Việt, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hương Khê nói: Chúng tôi duy trì chế độ thường trực ban chỉ huy phòng chống lụt bão các cấp để đề phòng mưa to, hạn chế tối đa những thiệt hại do bão lũ gây ra. Các thành viên đang đi về các hướng để chỉ đạo, đặc biệt là quan tâm đến hệ thống hồ đập. Về cứu hộ, cứu nạn, chúng tôi đã cho hạ thủy một số ca nô để phục vụ công tác phòng chống lụt bão ở một số vùng, còn một số nơi ca nô sẵn sàng trên các xe để kéo đi phục vụ cứu hộ cứu nạn”.
Tại Nghệ An trong hai ngày qua, đến sáng nay mưa lớn đã xảy ra trên diện rộng, lượng mưa phổ biến ở mức 100 – 230mm, gây ngập lụt ở nhiều địa phương, tập trung ở các huyện phía Nam của tỉnh như: Thanh Chương, Nam Đàn, Hưng Nguyên và thành phố Vinh. Nhiều tuyến giao thông quan trọng trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến chiều qua đã bị ách tắc giao thông do nước ngập và sạt lở đất đá, cây đổ ngã. Quốc lộ 15A có đoạn bị sạt lở và ngập gần nửa mét. Tỉnh lộ 531, 533 và 545 có nhiều vị trí bị ngập nước sâu từ 0,3 đến 1,2m. Mưa lớn cũng làm ngập lụt nhiều khu dân cư trên địa bàn tỉnh. Tại xã Hưng Lợi, Hưng Nhân (huyện Hưng Nguyên) có nơi ngập sâu 1 mét rưỡi.
Tỉnh Nghệ An hiện có 65 hồ, đập đã đầy nước. Trong đó 50 hồ đập lớn do doanh nghiệp quản lý, có 30 hồ đầy nước, 11 hồ lượng nước đạt trên 80% dung tích thiết kế. Do trên địa bàn vẫn tiếp tục xảy ra mưa to nên chiều qua, hồ chứa Cơn Đẻn ở xã Thanh Xuân, huyện Thanh Chương đã bị vỡ, rất may hồ chứa này có dung tích nhỏ nên không gây thiệt hại về tính mạng. Ngoài đập Cơn Đẻn bị vỡ, các hồ đập lớn trên địa bàn huyện Thanh Chương cũng đang trong tình trạng báo động.
Lãnh đạo tỉnh Nghệ An, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh đã tổ chức các đoàn đến các địa phương kiểm tra, rà soát các phương án, sẵn sàng sơ tán dân cư ở vùng thấp trũng ven biển, cửa sông, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất; cử người trực gác, cắm biển cảnh báo, không cho người và phương tiện qua tại những tuyến đường bị ngập lụt, sạt lở. Đối với các hồ đập thủy lợi (hiện đang trong tình trạng tràn nước, nhiều nguy cơ đe dọa đến an toàn), tỉnh Nghệ An yêu cầu ngành thủy lợi phối hợp với các địa phương tranh thủ xả nước để đảm bảo an toàn công trình và tăng hiệu quả cắt lũ. Các hồ đập thủy lợi lớn, như Hồ Vực Mấu (thị xã Hoàng Mai), hồ Sông Sào (huyện Nghĩa Đàn) đã tiến hành xả nước để đảm bảo an toàn cho hồ.
Ông Nguyễn Trường Thành, Chi cục phó Chi cục Thủy lợi tỉnh Nghệ An cho biết: “Hiện nay, đã tiến hành xả nước tại hai hồ lớn là Vực Mấu và sông Sào. Đối với các công trình khác, chúng tôi cắt cử lực lượng túc trực 24/24h; đối với những công trình bị rò rỉ thì tiến hành xử lý trước khi có mưa lũ. Đến thời điểm này các công trình hồ chứa trên địa bàn Nghệ An, đặc biệt là trên 30 hồ nằm trong tình trạng yếu cũng đã gia cố an toàn”./.
Theo VOV.