Thủ đoạn lừa đảo qua điện thoại không mới nhưng vẫn có nhiều người mắc bẫy.

Ngày 26-9, Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng cho biết đang xác minh, làm rõ một vụ lừa đảo qua điện thoại, chiếm đoạt số tiền lớn.

Xưng “ban chuyên án” để lừa

Theo đó, nạn nhân bị lừa là bà NTLH (51 tuổi, trú phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu).

Theo đơn tố cáo của bà H., giữa tháng 8, có một phụ nữ tự xưng tên là Thùy Linh, nhân viên bưu điện gọi vào số máy điện thoại bàn tại nơi làm việc của bà H.

Người này mời bà H. đến đến bưu điện để nhận thẻ tín dụng do một ngân hàng tại Hà Nội phát hành và thẻ này đang có dư nợ gần 37 triệu đồng.

Bà H. khẳng định không mở thẻ tín dụng, cũng không có giao dịch nào với ngân hàng nói trên.

Nghe vậy, người phụ nữ hỏi bà H. có muốn làm rõ ai đã sử dụng thông tin để mở thẻ và ghi nợ cho bà H. không, bà H. trả lời là có. Người phụ nữ này kết nối để bà H. trao đổi với một người tự xưng là Hoàng (mạo danh là cán bộ công an). Hoàng hẹn sẽ họp “ban chuyên án” và cử người làm việc với bà H.

Hôm sau, Hoàng tiếp tục “kết nối” điện thoại để bà H. nói chuyện với một người tự xưng là “Trung úy Võ Thành Hưng”.

Hưng tìm cách khai thác thông tin và được bà H. tiết lộ về một số khoản tiền cá nhân đang gửi tại ngân hàng. Hưng dọa bà H. rằng số tiền này nghi vấn liên quan đến đường dây mua bán mua túy.

42 1 Nghe Mot Cu Dien Thoai Mat Dut 3 Ti Dong

Ảnh minh họa: HOÀNG GIANG

Biết bà H. hoang mang, lo lắng, đối tượng xưng tên Hưng hứa sẽ giúp đỡ để bà H. chứng minh mình không liên quan đến tội phạm. Hưng đọc cho bà H. viết một lá đơn với nội dung: “Tôi là nghi can chính trong chuyên án ngân hàng B, được Trung úy Võ Thành Hưng thụ lý hồ sơ. Tôi xin kiểm soát viên, cũng như VKSND Tối cao cho tôi một cơ hội chứng minh tôi trong sạch. Nguồn tài sản của tôi là do tôi vất vả làm ra, không phải do buôn bán ma túy mà có”.

Hưng cũng buộc bà H. cam kết không tiết lộ nội dung làm việc với “ban chuyên án”, với bất kỳ ai để đảm bảo bí mật cho công tác điều tra.

Ít ngày sau, Hưng lại gọi điện thoại để bà H. nói chuyện với một người xưng là Dũng, mạo nhận là viện phó VKSND TP Hà Nội. Dũng trao đổi và hướng dẫn bà H. mở một tài khoản mới tại ngân hàng T trên địa bàn TP Đà Nẵng, có sử dụng giao dịch trực tuyến.

Bà H. đã đăng ký số điện thoại quản lý tài khoản, đăng ký địa chỉ email và tên truy cập do đối tượng này cung cấp. Chưa đầy một tuần, bà H. đã bốn lần thế chấp các sổ tiết kiệm của mình để vay tổng cộng 3 tỉ đồng, chuyển hết vào tài khoản mới mở.

Nhận tiền xong, cắt liên lạc

Sau khi chuyển tiền, bà H. gọi điện thoại để thông báo thì đối tượng xưng tên Dũng bảo đã xác minh và sẽ vào Đà Nẵng để hoàn trả các khoản tiền cho bà H., sau đó cắt đứt liên lạc.

Lúc này bà H. mới nghĩ mình bị lừa nên vội đến ngân hàng T để kiểm tra tài khoản nhưng lúc này trong tài khoản không còn đồng nào.

Các nhân viên ngân hàng kiểm tra và cho biết tiền bà H. nộp vào tài khoản đều đã bị chuyển đi qua dịch vụ ngân hàng điện tử mà bà H. đã yêu cầu khi mở tài khoản.

Đại tá Trần Văn Long, Chánh Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng, cho biết phương thức, thủ đoạn lừa đảo qua điện thoại của các đối tượng tội phạm không mới và được các cơ quan chức năng thông tin, cảnh báo nhiều lần.

“Tuy nhiên, vẫn có nhiều người mắc bẫy do nhẹ dạ cả tin và lo lắng, sợ hãi khi bị các đối tượng hù dọa có liên quan đến những hành vi phạm tội như rửa tiền, mua bán ma túy, che giấu tài sản do người khác phạm tội mà có... Hiện vụ việc đang được tiếp tục điều tra, xử lý” - Đại tá Long nói.

Giả cơ quan điều tra gọi điện thoại lừa đảo

Đầu tháng 6, Phòng Cảnh sát hình sự (PC45), Công an tỉnh Quảng Nam nhận đơn trình báo của bà HTP (trú huyện Đại Lộc, Quảng Nam) về việc bị lừa đảo chiếm đoạt một số tiền lớn qua mạng Internet.

Theo kết quả điều tra ban đầu, vào tháng 5-2018, có một nhóm người thuê người khác mở tài khoản cá nhân tại các ngân hàng rồi lên mạng Internet tìm kiếm thông tin các cá nhân tại Việt Nam và sử dụng mạng Internet gọi điện thoại cho họ.

Qua điện thoại, các đối tượng này mạo danh là cán bộ cơ quan thực thi pháp luật đang điều tra các vụ án và yêu cầu nếu có tiền thì gửi vào tài khoản của cơ quan điều tra (thực chất là tài khoản nhóm này) để phục vụ công tác điều tra. Khi nạn nhân tin lời chuyển tiền vào các số tài khoản trên, nhóm đối tượng câu kết rút tiền.

Bằng thủ đoạn trên, từ đầu tháng 5 đến ngày 13-6, nhóm đối tượng đã lừa đảo nhiều người Việt Nam với số tiền hơn 6,9 tỉ đồng. Riêng bà P. bị chiếm đoạt hơn 1,9 tỉ đồng.

Sau thời gian điều tra, mới đây PC45 Công an tỉnh Quảng Nam đã bắt giữ 12 người phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và không tố giác tội phạm. Hiện vụ án đang được tiếp tục điều tra mở rộng.

 

Nguồn: HẢI HIẾU

Báo Pháp luật




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC