Nghịch lý chống ùn tắc giao thông?  Ngay sau khi quyết định tăng giá vé xe buýt từ ngày 1/10 tới, UBND thành phố Hà Nội lại vừa họp bàn xung quanh đề án hạn chế phương tiện cá nhân. Điều này khiến không ít người nghi ngại về mục tiêu chống ùn tắc giao thông của Thủ đô.

 Cụ thể, từ ngày 1/10 tới, vé xe buýt trên tất cả các tuyến sẽ đồng loạt tăng, mức cao nhất lên tới 80%. UBND thành phố cũng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng xây dựng ngay đề án thu phí phương tiện cá nhân vào trung tâm thành phố, thu phí vào giờ cao điểm. Bên cạnh đó, muộn nhất quý II.2013 phải trình thành phố quy chế quản lý các hoạt động taxi trên địa bàn; xây dựng đề xuất cấm phương tiện cá nhân tại một số tuyến phố trong năm 2012; thực hiện cấm trên một số tuyến trong giai đoạn 2012-2015 và từ năm 2015-2016 sẽ cấm theo vùng.

 “Giảm gánh nặng ngân sách”

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm điều hành giao thông đô thị Hà Nội cho rằng, chủ trương hạn chế phương tiện cá nhân là chủ trương lớn và mang tính nhạy cảm bởi ảnh hưởng tới quyền lợi nhiều người. Tuy nhiên, ông Hải cũng khẳng định không hề xảy ra nghịch lý khi tăng giá vé xe buýt đi cùng với các biện pháp hạn chế phương tiện cá nhân. “Chủ trương hạn chế phương tiện được điều chỉnh từng bước một cho phù hợp và tránh gây sốc cho người dân. Cái gì nên làm thì phải làm, thực tế cho thấy, qua khảo sát, 63% hành khách đã đồng tình với việc tăng giá và tôi cũng tin chắc lượng khách đi xe buýt cũng không vì tăng giá mà lại giảm đi”, ông Hải nói và cho biết thêm, khi điều chỉnh giá vé sẽ góp phần tăng doanh thu, từng bước giảm trợ giá từ ngân sách nhà nước. Trong trường hợp không có biến động về chi phí cho vận tải hành khách công cộng thì trợ giá cho xe buýt một năm giảm gần 300 tỷ đồng so với hiện nay.

Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Hoàng Linh cũng cho rằng, khả năng giảm lượng hành khách đi xe buýt trong thời gian đầu áp dụng giá mới là rất khó xảy ra, bởi mức tăng không ảnh nhiều tới đời sống sinh hoạt người dân. Ông Linh lý giải, việc tăng giá không hề nhắm vào số đông hành khách đi xe buýt là những đối tượng được ưu tiên như học sinh, sinh viên, người lao động…, bởi những đối tượng này đều đã được hỗ trợ giá tới hơn 70%. “Chúng tôi đã tiến hành điều tra xã hội học về tăng giá xe buýt được thực hiện đối với người đi xe buýt vé không thường xuyên, người đi thường xuyên và người không đi. Kết quả cho thấy hầu hết những người đi xe buýt đều đồng tình tăng giá vì họ cho rằng giá xe hiện nay quá rẻ, bản thân họ cũng thấy có trách nhiệm phải giảm bớt gánh nặng ngân sách”, ông Linh cho biết. Cũng theo ông Linh, thực tế giá vé xe buýt tại Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đang ở mức rẻ nhất trong khu vực. “Ở những nước khác, mắc dù đối tượng đi vé tháng cũng được trợ giá. Tuy nhiên hành khách chỉ được trợ giá tối đa hai lượt/ngày, còn ở Việt Nam cứ có vé tháng là đi bao nhiêu lượt trong ngày cũng được”, ông Linh nói.

 

Mâu thuẫn

Tuy nhiên, một chuyên gia về khoa học GTVT cho rằng, nếu chỉ lấy lý do tăng giá vé là để giảm gánh nặng cho ngân sách là chưa thuyết phục. Bởi lẽ, trong khi hệ thống giao thông công cộng chưa đáp ứng nổi một nửa nhu cầu, thì thành phố cần tìm biện pháp phát triển nhanh hệ thống này, đồng thời khuyến khích người dân tham gia, thay vì tăng giá vé. Mặt khác, thành phố cũng đã xây dựng chương trình mục tiêu giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn giai đoạn 2012 - 2015 với mục tiêu giảm tối thiểu 27 điểm ùn tắc giao thông và giảm 40% thời gian ùn tắc, với tổng kinh phí dự kiến khoảng 2.000 tỷ đồng. Vì thế mà nếu chỉ đơn thuần giảm gánh nặng cho ngân sách, thì việc tăng giá vé là không nên, ít nhất là trong thời điểm này. “Một mặt thành phố muốn hạn chế phương tiện cá nhân, mặt khác lại chưa phát triển đồng bộ hệ thống giao thông công cộng, trong khi lại tăng giá vé xe buýt, đó là điều mâu thuẫn. Dành 2.000 tỷ để chống ùn tắc được, thì sao không dùng số tiền đó để trợ giá cho xe buýt, thay vì điều chỉnh tăng?”, vị chuyên gia đặ vấn đề.

TS Doãn Minh Tâm, chuyên gia cao cấp về giao thông đường bộ lại cho rằng, với tốc độ trượt giá như hiện nay, cùng với giá điện tăng, xăng tăng mà giá vé xe buýt vẫn giữ nguyên thì bất hợp lý. Còn việc tín toán để hạn chế phương tiện cá nhân tại các đô thị lớn là cả quá trình. Tuy nhiên, cần tính toán hợp lý về thời điểm giữa việc điều chỉnh giá vé xe buýt.

Từ góc độ khác, TS Vũ Tuấn Anh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế đánh giá, việc thu phí hạn chế phương tiện cá nhân để hạn chế ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông là không hợp lý, vì người dân phải nộp phí để hạn chế quyền của mình là rất vô lý. “Do vậy, việc đề ra phí hạn chế phương tiện cá nhân khó đạt được mục tiêu hạn chế ùn tắc giao thông, bởi chủ phương tiện có bán xe để sử dụng phương tiện giao thông công cộng thì những chiếc xe này vẫn phải lưu thông trên lãnh thổ Việt Nam. Như vậy có thể thấy tổng số xe lưu hành tại Việt Nam sẽ không giảm”, TS Vũ Tuấn Anh nói.

Theo Đất Việt.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC