Hiện nay, có đến 6 cơ quan quản lý tài nguyên rừng, nhưng hiện trạng sử dụng đất công trái phép vẫn tồn tại, thậm chí ngày càng nhiều hơn.
Bộ quản cây, bộ quản đất
Tại buổi tọa đàm "Vườn quốc gia và khu bảo tồn dưới sức ép phát triển: Hiện trạng và bất cập chính sách" tổ chức vào đầu tháng 3, rất nhiều các chuyên gia, nhà khoa học đã lên tiếng về thực trạng các dự án xuyên rừng Cát Tiên, Côn Đảo, phá rừng ở bán đảo Sơn Trà, xây dựng resort tại VQG Ba Vì.
TS Nguyễn Cử - chuyên gia quy hoạch bảo tồn thiên nhiên nêu rõ: "Hiện nay, hai Bộ cùng quản lý 1 đối tượng, dẫn đến sự chồng chéo. Mỗi người làm theo một cách, một hướng của mình.
Cụ thể, Bộ TN&MT với Tổng cục môi trường và Cục bảo tồn đa dạng sinh học; Bộ NN&PTNT với Tổng cục Lâm nghiệp và Vụ bảo tồn thiên nhiên, tất cả 6 cơ quan quản lý về rừng, nhưng vẫn diễn ra nhiều sự việc khiến dư luận phải quan ngại về tư nhân hóa nguồn tài sản công và chiếm hữu tài nguyên thiên nhiên.
Đồng thời là sự đánh đổi các giá trị tự nhiên và tài nguyên đa dạng sinh học phục vụ cho mục tiêu phát triển".
Đưa ra ví dụ cụ thể, TS Vũ Ngọc Thành, ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQG Hà Nội cho biết: "Ở bán đảo Sơn Trà (TP Đà Nẵng), hiện nay, chúng tôi đang có dự án nghiên cứu về loài chà vá - loài đặc hữu của Đông Dương, chỉ còn sống ở Lào và Việt Nam.
Nhưng duy nhất ở Sơn Trà, chúng ta mới có thể xem được chà vá ngoài thiên nhiên ở bất cứ thời tiết nào.
TS Vũ Ngọc Thành - ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQG Hà Nội
Rất tiếc, quy hoạch Khu Bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, trước đây rộng 4.000 ha, nay chỉ còn 2.000 ha, trong đó chỉ 1.000 ha còn rừng.
Đây là nơi ăn, ở của 7 đàn chà vá, hơn 100 cá thể, chiếm 1/3 cá thể chà vá ở Sơn Trà, khi diện tích bị thu hẹp, không biết loài động vật sẽ đi đâu, ăn gì".
Một tình trạng khác đang xảy ra ở địa điểm trên, đó là một số hộ dân được chia đất, đất này thực chất là rừng thứ sinh nhiều năm tuổi nhưng người dân lại chặt phá để trồng mít, chuối.
Vì sao kiểm lâm cho chặt?
Vì đất và cây rừng đã được giao cho phường quản lý. Tuy nhiên, câu chuyện đáng lưu tâm đằng sau là Công ty cổ phần đầu tư phát triển du lịch biển Tiên Sa chuẩn bị lấy 142 ha trong khu vực này để làm resort, có thể xây nhiều tòa nhà tới 40 tầng, thậm chí họ định làm safari.
Điều đáng nói là dự án này được phê duyệt cách đây 10 năm mà không có Báo cáo đánh giá tác động môi trường, trong đó 142ha lại chính là nơi ăn, ở của hàng trăm cá thể chà vá.
Tôi cho rằng, khi làm quy hoạch hay đánh giá tác động môi trường nhất thiết phải mời chuyên gia đánh giá tác động đa dạng sinh học.
Chúng ta có Luật Đa dạng sinh học, Luật Bảo vệ Môi trường nhưng khi đánh giá tác động các khu bảo tồn thì nhóm chuyên gia cốt cán này lại bị lờ đi nhằm đưa ra quyết định có lợi cho nhà đầu tư hơn môi trường", ông Thành nhấn mạnh.
Đưa ra một ví dụ khác, GS.TSKH. Nguyễn Ngọc Lung, Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng nói về vụ việc VQG Ba Vì.
Ông chỉ rõ: "Cái sai rõ nhất đối với dự án này là dù chưa được phê duyệt nhưng đã xây dựng. Ba Vì không phải cái sai đầu tiên nhưng là cái sai nổi lên đầu tiên. Từ năm 1972, trong khi các ngành chưa có luật thì ngành lâm nghiệp đã có Pháp lệnh bảo vệ rừng.
Ông Hứa Đức Nhị - nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT
Trong đó, có Chương cuối về xử lý vi phạm, tức có chế tài riêng cho người làm luật nhưng giờ chính sách khác nhiều. Việc thay đổi chính sách là cần thiết nhưng cần học tập quy định cũ là có chế tài cho người vi phạm.
Về vấn đề phân loại rừng, thế giới chỉ có hai loại rừng bảo vệ và rừng sản xuất, trong khi Việt Nam một mình một kiểu, tuy nhiên, điều đó không quan trọng, quan trọng là hiệu quả bảo vệ rừng như thế nào.
Chúng ta không nên đụng vào rừng mà chỉ nên cho thuê các dịch vụ, lợi ích từ rừng".
Trong khi, ông Hà Đức Nhị - nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT lại cho rằng, dự án chưa được cấp phép đã làm, đã xây dựng là hoàn toàn sai, mà sai thì phải sửa.
Còn về giải pháp lâu dài, cần xem lại mục tiêu bảo tồn, nếu đặt mục tiêu bảo vệ thì phải bỏ tiền bảo vệ.
Thêm nữa, cần xã hội hóa chứ riêng ngân sách nhà nước thì không thể làm được, mô hình trên các nước vẫn đang làm rất tốt.
Tranh cãi về giải pháp xử lý
Trước thực trạng trên, đưa ra giải pháp, TS Vũ Ngọc Thành cho rằng, chúng ta nên thống nhất giao Bộ NN&PTNT quản lý.
Thế nhưng phản đối đề xuất trên, TS. Nguyễn Cử bày tỏ quan điểm:
"Theo tôi, Bộ TN&MT hay Bộ NN&PTNT quản lý đều được, theo tôi điều này quan trọng không phải vì cơ chế quản lý mà do nền tảng quản trị của đất nước. Giải pháp về thể chế quản lý là quan trọng nhất chứ không phụ thuộc chuyện tách – nhập".
Một công trình trong khu Resort và Spa Le Mont tại VQG Ba Vì
Nhìn từ góc độ rộng hơn, ông Hà Đức Nhị cho hay, về lâu dài đơn vị nào làm sai ở đâu thì sửa ở đó, cuối cùng đều sẽ phải quy về giải pháp đồng bộ.
- Một là, xem lại mục tiêu, Việt Nam số lượng diện tích rừng vô cùng ít, rừng Việt Nam chỉ có 0,15ha/người, trong khi thế giới là 0,2ha/người.
- Hai là, để có tiền để phát triển, chúng ta phải xã hội hóa, đây là xu thế của thế giới, tạo tiềm thức cho cả xã hội.
- Ba là, dứt khoát phải làm được như các nước chặt cây gỗ ra không biết bán cho ai, không dùng được gì, chỉ có như vậy mới quản lý, bảo vệ được rừng.
"Chúng tôi không phản đối các dự án du lịch trong các VQG và KBT nếu mang lại lợi ích thiết thực, góp phần bảo vệ rừng, nâng cao nhận thức và có ý nghĩa giáo dục cho công chúng về bảo tồn thiên nhiên.
Tuy nhiên, chỉ nên lo ngại việc lợi dụng các lỗ hổng chính sách và tác động tiêu cực của các dự án này lên đa dạng sinh học và các hệ sinh thái tự nhiên, cũng như sai lệch mục tiêu bảo tồn thiên nhiên của các VQG và KBT", ông Nhị nói.
Châu An