Lựa chọn đồ ăn theo tiêu chí ngon, rẻ, tiện lợi và bỏ qua vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm là thái độ thờ ơ mà nhiều người trẻ vẫn lựa chọn "sống chung" với cơn bão mang tên... thực phẩm bẩn.
Theo nghiên cứu mới đây của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, tình trạng ung thư trong những năm gần đây liên tục gia tăng. Ước tính đến năm 2020, số ca mắc mới ung thư sẽ lên đến gần 200.000, đưa Việt Nam trở thành quốc gia có tỷ lệ mắc ung thư cao nhất thế giới.
Phân tích của chuyên gia trong lĩnh vực ung thư cho thấy, sở dĩ số ca mắc ung thư tăng nhanh là do tác động của thực phẩm bẩn. Nguyên nhân này chiếm tỷ lệ cao nhất, khoảng 35%.
Công bố này cùng hàng loạt thông tin về những vụ việc như ruốc nhuộm hóa chất, mỡ bẩn, rau rửa bằng nước cống, thịt lợn phù phép thành thịt bò... những tưởng sẽ làm rất nhiều người cảm thấy lo lắng, sợ hãi thứ đồ ăn giá rẻ, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo vệ sinh nơi vỉa hè, lòng phố....
Thế nhưng, thực tế đang diễn ra hoàn toàn trái ngược.
Một buổi chiều đi vòng qua nhiều trường ĐH, CĐ tại Hà Nội, chúng tôi không khỏi choáng ngợp khi nhận thấy các quán cóc, hàng rong bán đồ ăn vặt như bủa vây kín cổng trường và tất cả đều đông khách. Thực trạng này cũng tương tự với nhiều tuyến phố ở Sài Gòn, đặc biệt là những khu đông học sinh, sinh viên hay người lao động trẻ.
Trước cổng trường ĐH Nguyễn Tất Thành có rất nhiều hàng quán thu hút sinh viên.
Những xiên thịt rán trên chảo dầu đen xì do chiên đi chiên lại nhiều lần và dầu ăn người bán hàng dùng được đựng trong những chiếc chai không rõ tem mác.
Xúc xích, nem chua rán, lạp xưởng... tất cả đều không rõ nguồn gốc xuất xứ, được bày bán ngay vỉa hè bụi bặm, gần đống rác, cống rãnh. Nhưng không hề gì, thực khách không ai phàn nàn vì điều đó.
Giá đồ ăn rất rẻ, thực khách hầu hết là những bạn sinh viên trẻ - tầng lớp trí thức và có nhiều thời gian tiếp cận với thông tin báo chí, Internet.
Thế nhưng khi được hỏi về thực phẩm bẩn và cái chết nhãn tiền mà nó gây ra thì hầu như, ai nấy đều xem đó là chuyện xa vời, ít khi nghĩ tới.
Chọn đồ ăn theo tiêu chí ngon, rẻ và tiện lợi
Khi được hỏi về những loại thực phẩm kém an toàn nơi vỉa hè mà mọi người thường ăn thì hầu như họ đều biết rằng thứ mình đang ăn là không đảm bảo vệ sinh. Thế nhưng, hàng ngày những người trẻ vẫn đặc biệt yêu thích quà vặt vỉa hè vì rất nhiều lý do.
"Mình hay ăn đồ ăn vỉa hè vì thấy rất ngon, rẻ và hợp với túi tiền", Tài Linh (sinh viên ĐH Kinh doanh Công nghệ) chia sẻ. Linh cho biết, bản thân cô cũng cảm thấy đồ ăn vỉa hè, nhất là các món quà vặt thường không đảm bảo vệ sinh.
"Nhưng vào cửa hàng tử tế thì đắt đỏ, lại còn phải đi xa khỏi cổng trường. Hơn nữa, vào đó chỉ gọi một xiên thịt, một cây xúc xích thì ngại lắm".
Đồng tình với quan điểm này, Đức Tài (sinh viên Trung cấp Y tế Hà Nội) tâm sự: "Mình thường chọn hàng quán để ăn uống theo tiêu chí ngon và rẻ và không kỳ vọng nhiều vào chất lượng vệ sinh".
Tài cho biết, cậu thích đồ ăn vỉa hè vì chúng rất hấp dẫn, ngon miệng, giúp thỏa mãn cơn đói. "Nếu vào quán ăn tử tế thì giá cả lại đắt đỏ. Mình thấy thực ra mình và bạn bè không phải có quá nhiều sự lựa chọn khi đi ăn nên hầu như vẫn ưu tiên lựa chọn đồ ăn vỉa hè"
Bạn Đức Tài dù biết quán vỉa hè không đảm bảo vệ sinh nhưng: "Đói thì phải ăn thôi"
Tài quan điểm, ở những quán ăn tầm trung, hợp túi tiền sinh viên thì chưa chắc thức ăn đã ngon, sạch hơn hàng vỉa hè.
"Có chăng là chỗ ngồi ăn, bát đũa phục vụ có thể sạch hơn nhưng chẳng ai dám chắc họ không dùng thực phẩm bẩn, chứa hóa chất độc hại để chế biến".
Riêng Hạnh (bạn cùng trường với Tài) lại thường ăn quà vặt vỉa hè vì tin tưởng vào người bán. "Mình hay ăn thịt xiên nướng của hàng vỉa hè gần trường.
Do quen biết chị ấy đã lâu, có sự tin tưởng hơn những hàng quán khác".
Bạn Hạnh chọn thịt nướng vỉa hè do... tin tưởng người bán.
Đối với Trần Dũng (sinh viên ĐH Kinh doanh Công nghệ) thì khác. Dẫu biết thức ăn vỉa hè không đảm bảo vệ sinh nhưng vì chiều ý bạn bè, cậu vẫn thường xuyên sử dụng chúng.
Ngọc Mỹ (20 tuổi, sinh viên trường Đại học Nguyễn Tất Thành) chia sẻ: "Mình thường đi học muộn do trễ xe hay nhiều lý do khác nữa vì vậy mình thường lựa chọn thức ăn vỉa hè vừa nhanh vừa tiện".
Cô bạn Kim Sang (18 tuổi, học sinh trường THPT Nguyễn Trãi) tươi cười cho biết thêm: "Mình hay ăn ngoài vỉa hè vì rẻ và thoải mái hơn rất nhiều so với ngồi ngoài hàng quán".
Có lẽ với giới học sinh, sinh viên thì tiêu chí "ngon, tiện lợi, rẻ" luôn được các bạn đặt lên hàng đầu khi lựa chọn thức ăn.
Tuy nhiên không hẳn là 100% các bạn trẻ đều đồng ý với quan điểm đó. Bạn Lê Trang (20 tuổi) cho rằng: "Ngoài sự tiện lợi, thì thức ăn cũng phải sạch sẽ. Vì vậy mình thường ăn ở trong quán hoặc ở nhà, chứ rất ít khi ăn ở ngoài vỉa hè vì thức ăn ở đó thường mất vệ sinh, nhưng không thể trách được vì giá cả rẻ hơn trong quán rất nhiều".
"Mình không nghĩ mình là nạn nhân!"
Biết thứ mình đang ăn chính là thực phẩm bẩn nhưng khi được hỏi, hầu hết những sinh viên trẻ đang sử dụng loại thực phẩm ấy đều không nghĩ mình là nạn nhân hứng chịu hàng tá thuốc độc từ đủ các loại hóa chất.
"Mình nghĩ lâu lâu mới ăn một vài xiên thịt nướng, xúc xích thì chắc không sao đâu", Tài Linh nói. Quan điểm lâu lâu mới ăn và chắc mình ăn ít nên không sao này hầu như rất phổ biến. Khi được hỏi, hầu hết những sinh viên trẻ mà chúng tôi tiếp xúc đều tỏ ra không mấy quan tâm về những chuyện liên quan đến thực phẩm bẩn. Họ cho đó là điều bình thường, không có gì bất ngờ, tất cả đều có thái độ sống chung với lũ.
"Mình có biết thông tin về thực phẩm bẩn nhưng không quá quan tâm. Nói chung thực phẩm bây giờ chỗ nào chẳng bẩn, kiêng cữ kỹ quá thì chả biết ăn gì nên mình chủ yếu là phải chấp nhận thôi", Đức Tài chia sẻ.
Tương tự, Trần Dũng cho hay, cậu khá quan tâm về thông tin liên quan đến thực phẩm bẩn nhưng lại không nghĩ đó là nguyên nhân chính dẫn đến căn bệnh ung thư quái ác.
Bạn Ngọc Mỹ tâm sự: "Mình cũng vô cùng hoang mang về những thông tin liên quan đến thực phẩm bẩn.
Nhưng biết làm sao được, bây giờ lo sợ cũng thành nạn nhân, mà không lo sợ cũng thành nạn nhân. Tại vì sinh viên chúng mình ai cũng ăn như vậy".
Câu trả lời của những bạn trẻ này có lẽ cũng là tâm lý chung của rất nhiều người đã và đang sử dụng thực phẩm giá rẻ nhưng kém ăn toàn. Hầu hết đều biết thực phẩm bẩn có hại cho sức khỏe nhưng nó hại đến cỡ nào và liệu chúng ta có phải là nạn nhân của thực phẩm bẩn hay không thì tất cả đều lắc đầu không nghĩ đến.
Theo Trí thức trẻ