Trong quan hệ thừa kế động sản, người được nhận thừa kế cho dù là công dân Việt Nam hay người nước ngoài đều có thể nhận di sản thừa kế của người mất. Tuy nhiên, đối với quan hệ thừa kế có di sản là bất động sản thì nhiều vấn đề rắc rối nảy sinh.
Đối với công dân Việt Nam thường trú ở Việt Nam khi nhận thừa kế là bất động sản thì họ chỉ làm thủ tục khai nhận di sản và đăng ký thay đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất).
Còn nhóm đối tượng có yếu tố nước ngoài, thừa kế bất động sản tại Việt Nam được chia theo ba trường hợp sau:
- Người Việt Nam định cư ở nước ngoài được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép cư trú tại Việt Nam từ ba tháng trở lên và thoả điều kiện:
- Người còn mang quốc tịch Việt Nam;
- Người gốc Việt Nam thuộc diện là người đầu tư trực tiếp tại Việt Nam; người có công đóng góp cho đất nước; nhà khoa học, nhà văn hoá, người có kỹ năng đặc biệt mà cơ quan, tổ chức của Việt Nam có nhu cầu và đang làm việc tại Việt Nam; người có vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam sinh sống ở trong nước.
Nhóm đối tượng này có quyền thừa kế bất động sản là nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở như những công dân Việt Nam thường trú trong nước.
Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc trường hợp trên nhưng được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp Giấy miễn thị thực và được phép cư trú tại Việt Nam từ ba tháng trở lên.
Nhóm đối tượng này có quyền sở hữu một nhà ở riêng lẻ hoặc một căn hộ chung cư gắn liền với đất ở tại Việt Nam. Do đó, nếu họ được thừa kế với di sản là bất động sản trên thì họ có thể khai nhận di sản và làm thủ tục thay đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Người Việt Nam định cư ở nước ngoài trong các trường hợp còn lại và người nước ngoài.
Theo quy định của pháp luật hiện nay, họ thuộc nhóm đối tượng không được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất. Vì thế trong quan hệ thừa kế, họ không có quyền đứng tên trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, họ có thể chuyển nhượng hoặc tặng cho quyền sỡ hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở. Nói một cách khác hơn, họ chỉ có thể được nhận giá trị của di sản thừa kế nếu di sản thừa kế là bất động sản.
Theo plf.