Những ngày tháng 4 vừa qua cộng đồng người Việt ở Cộng hòa Séc một lần nữa được tự hào bởi thành tích học tập của con em mình.
Nhóm tác giả gồm 5 sinh viên trong đó có một người duy nhất mang quốc tịch Việt Nam Vũ Hoàng Anh, người đứng đầu dự án, đã dành giải nhất cuộc thi thiết kế đồ họa mang tên CSS Pifle do Startup Weehend tổ chức. Phải hẹn tới lần thứ ba tôi mới gặp được người thanh niên sinh năm 1992 đầy tài năng này bởi sau khi đăng quang, nhóm của họ đã phải đi Amsterdam để dự hội thảo quốc tế mang tên The Next Web và bởi công việc trong công ty có quá nhiều.
Nhìn chàng trai rất điển trai này cộng với lối dùng âm rất chuẩn trong khi trò chuyện, tôi không tin một cậu bé xa đất nước từ nhỏ lại có thể nói lưu loát tiếng Việt và càng không thể ngờ rằng em đã 2 lần đoạt giải nhất trong các cuộc thi tài năng trong lĩnh vực thiết kế đồ họa do các công ty phần mềm của Mỹ tổ chức. Lần đầu khi em 15 tuổi và năm nay, cùng với 4 sinh viên trong đó có 3 bạn học năm đầu tiên như em ở các trường đại học khác nhau trên đất Séc đã dành chiến thắng trước rất nhiều đối thủ từ khắp nơi đến tranh tài.
Giải thưởng đã được báo chí và phương tiện truyền thông nước sở tại, các tạp chí chuyên nghành trên thế giới đánh giá như cuộc cách mạng cho thiết kế trang web. Bằng sáng chế này họ giúp cho các nhà thiết kế đồ họa quen dùng Photoshop hoặc lập trình code sẽ đơn giản hơn, tiết kiệm thời gian hơn cho việc chuyển đổi hệ thống phác thảo đồ họa hoặc các chương trình vẽ tranh minh họa.
Cụ thể, khi nhận được đề thảo về thiết kế trang web, chương trình sẽ tự động phác họa trong Photoshop. Sau khi hoàn tất nó được chuyển sang dạng mã. Thông thường phương pháp chuyển đổi này có nhiều công đoạn khá phức tạp, thủ công và phải mất khá nhiều thời gian. Dự án CSS Piffle đã làm cho các bước thao tác đơn giản hơn. Ứng dụng này sẽ chạy thẳng trên trang web và người thiết kế có thể phác thảo design cuối cùng của trang web bằng các thanh dụng cụ biên tập.
Với tiêu chí tiện lợi, dễ sử dụng, chỉ cần tạo ra một khối lập thể, dùng chuột và các dấu chỉ khác người thiết kế có thể dễ dàng chuyển đổi các yếu tố như màu sắc, độ sáng tối, kích cỡ. CSS Piffle sẽ tạo nên mã nguồn, người thiết kế chỉ việc đưa phác thảo đồ họa thẳng lên đó mà không cần phải qua bất cứ công đoạn nào.
Nam Vũ Hoàng Anh cùng các bạn trong nhóm
Chương trình đang chạy thử và sẽ được tung ra thị trường vào thời gian sớm nhất. Theo Petr Brzek, người đồng sáng lập Abdoc và CSS Piffle cho biết, có khoảng 2 triệu các công ty phần mềm trên thế giới có thể sử dụng phần mềm này của họ. Như vậy sẽ có khoảng 40 triệu người trên toàn thế giới sử dụng sản phẩm của CSS Piffle.
Họ từ chối lời đề nghị của một công ty với 10 000 USD của 10% cổ phần để nhận lời với StartupYard chỉ với 5% bởi ở đây họ sẽ được sử dụng kinh nghiệm và sẽ được thực hiện những ước mơ xa hơn trong lĩnh vực này. Trung tâm hỗ trợ đầu tư StartupYard đã chọn dự án CSS Piffle làm trọng tâm của năm và theo ước tính con số 450 000 USD của dự án này mang lại hàng tháng sẽ không phải là con số ảo.
Tất cả các thành viên trong nhóm đã đến Silicon Valley và họ đều coi đây là cái đích cần nhắm đến. Họ được gặp gỡ và làm việc với đại diện các tập đoàn công nghệ thông tin lớn nhất thế giới và nền móng cho việc thành lập một công ty chuyên về lĩnh vực thiết kế phần mềm ở thung lũng Silicon dành cho họ đã hình thành. Ước mơ ngày nào của chàng sinh viên khoa công nghệ thông tin trường đại học kinh tế, rằng một ngày nào đó, bằng khả năng của mình được đến Silicon học tập và làm việc đang dần thành hiện thực.
Được lây từ người ông nội vốn là bác sỹ nha khoa nhưng có niềm đam mê nhiếp ảnh. Bằng những thử nghiệm khi ông cho phép sử lý ảnh trên Photoshop, những cung bậc cảm xúc dần thăng hoa, lớn lên cùng năm tháng để thật ngọt ngào đơm trái thành công. Chỉ ít ngày nữa ứng dụng của họ sẽ được rao bán cho những người có nhu cầu trên toàn thế giới theo địa chỉ: CSSHAT.COM.
Nam Vũ Hoàng Anh cùng gia đình tại Séc.
Chia tay người đồng hương trẻ giữa cái nắng đầu hè mới về trên thành phố Praha cổ kính. Nhìn ra xa đã thấy những tia nắng dát lên cánh đồng hoa cải vàng rực óng ánh tựa tấm thảm đang trải dài dưới chân nhà khoa học mang trong mình dòng máu lạc hồng đi về thung lũng Silicon.