Những ngày cận Tết Nguyên đán, dòng người hối hả về nhà sum vầy bên gia đình. Nhưng, vẫn có những người đang phải cố bươn chải để kiếm tiền mua bộ quần áo mới, gói kẹo cho con. Họ lặn lội xuống tận làng hoa Tây Tựu (Hà Nội), Mê Linh để lấy hoa về bán. Tuy nhiên, chỉ còn cách Tết 2 ngày nhưng lượng hàng bán được chưa nhiều.
Trò chuyện với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Hiếu (Phú Thọ) cho biết, anh đã đi bán hoa được 3 năm nay và năm nào cũng thế, những ngày 27, 28 Tết rất ít người hỏi mua hoa.
"Nhiều người đợi đến chiều ngày 29 hoặc 30 Tết họ mới mua hoa vì thời điểm đó là giờ chót, người bán sẽ phải đại hạ giá để bán cho hết hàng nên tâm lý của người dân là không sợ hết hoa
Nếu 27 Tết bán được 7.000 đồng một cành hoa cúc thì ngày 30 Tết chỉ bán được 3000 đồng. Hoa ly, hoa hồng hay đào, quất cũng rẻ một nửa. Nếu không bán đi thì mang về nhà cũng trưng bày hết làm sao được. Khi ấy biết chẳng có lãi nữa nhưng vẫn phải cố mời chào khách để nhanh hết hàng về ăn Tết với gia đình”, anh Hiếu chia sẻ.
Hoa thì nhiều nhưng khách hàng phải chờ đến chiều 30 Tết mới mua khiến người bán đứng ngồi không yên.
Cũng theo anh Hiếu, anh chủ yếu đi các chợ ở vùng quê để bán hoa ngày Tết, vì thế, cũng không mấy người mặn mà với việc mua hoa về cắm, người dân đi chợ chủ yếu mua rau, thịt.
Anh Hiếu nhớ lại: “Tôi còn nhớ, năm ngoái tôi nhất quyết giữ giá mấy bó hoa ly vì tiếc công đi xa lấy hàng. Nhưng, đến chiều tối 30 Tết, mấy bó hoa ly vẫn còn nguyên, tôi đành phải mang về nhà cắm. Năm nay tôi hạn chế lấy những loại hoa đắt tiền vì ở quê mỗi nhà chỉ mua vài cành hoa thôi. Sáng sớm nay (28 tháng Chạp- PV), có người mở hàng hỏi mua hoa, sau khi nói giá xong họ lắc đầu “thôi đợi 30 thì mua”. Nghe vậy mà buồn nhưng cũng không dám lôi kéo vì mua hay không là quyền của họ”.
Vừa là người bán và trồng hoa, chị Trần Thị Hiền (Vĩnh Phúc) cũng lo lắng vì đến giờ số hoa chị bán chỉ bằng nửa năm ngoái.
Chị Hiền cho hay: “Cả năm chăm bẵm hoa chỉ trông chờ vào dịp Tết, nếu như ai cũng chờ đến chiều 30 Tết thì chúng tôi chỉ biết khóc thôi. Chiều 30 Tết người mua sẽ ép giá, khi ấy không muốn bán cũng phải bán để có thể về sớm nhất với gia đình. Một số khách buôn của tôi đến vườn lấy hoa cũng kêu than vì hoa ế, đào, quất cứ bê ra lại nhấc vào. Có chăng cũng chỉ một vài khách đến hỏi giá. Hơn nữa, hiện nay người bán hoa ngày Tết ngày càng đông nhưng người mua cứ thưa dần”.
Đến ngày 28 người mua hoa Tết vẫn thưa thớt.
Không chỉ có chị Hiền, anh Hiếu mà rất nhiều người bán hoa sẽ lâm vào cảnh bị ép giá trong chiều 30 Tết. Anh Hiếu bảo, 3 năm đi bán hoa nên thành ra anh cũng quen với việc này, có những người muốn kiếm thêm thu nhập nên đi bán hoa ngày Tết, đến chiều 30 Tết phải bán hoa đại hạ giá họ chỉ biết nghẹn lòng, tay đưa hoa, tay nhận tiền mà nghẹn lòng.
“Chúng tôi chỉ mong khách hàng nếu có ý định mua hoa chơi Tết thì hãy mua hoa sớm hơn, trang hoàng nhà cửa sớm hơn để chúng tôi đỡ phập phồng lo âu như mọi năm”, anh Hiếu bày tỏ.
Quả thực, khi nghe những lời tâm sự của những người bán hoa, cây cảnh trong những ngày này chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Họ cũng vì miếng cơm manh áo nên mới lặn lội trong những ngày giáp Tết. Chỉ mong năm nay họ bán hết hoa, cây cảnh trước chiều 30 Tết để được về nhà sớm, sum vầy với gia đình.
Nguồn: Người đưa tin