Việc tăng giá các mặt hàng nhiên liệu như xăng dầu, điện, gas... khiến giá cả đầu vào lại quay đầu tăng theo khiến tiêu thụ càng yếu, hàng hóa càng ùn ứ, DN càng bi quan.
Sức mua yếu, hàng ùn ứ
Theo số liệu thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng bảy tháng đầu năm 2013 chỉ tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Nếu trừ yếu tố giá cả, mức tăng chỉ còn 4,86%, thấp hơn đáng kể so với con số 6,74% cùng kỳ năm ngoái và mức tăng bình quân 24% hàng năm. Đây là điều đáng lo bởi tổng cầu giảm chứng tỏ sức mua yếu dần, gây nhiều khó khăn cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
Trong cơ chế thị trường, tiêu thụ là mục tiêu của đầu tư, sản xuất, là động lực của tăng trưởng kinh tế. Tiêu thụ giảm mạnh sẽ tác động tiêu cực khiến đầu ra của các DN gặp khó, tồn kho tăng cao, phải giảm hoặc ngừng sản xuất. Trong khi đó kinh tế phát triển được lại dựa chủ yếu vào các doanh nghiệp. DN bị co hẹp sản xuất, chắc chắn sẽ tác động không tốt tới tăng trưởng kinh tế.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Nam Kim, Việt Nam đang rơi vào vòng xoáy nguy hiểm là cầu thấp khiến cho DN gặp khó khăn, phải ngừng sản xuất hay phá sản, dẫn đến nhiều lao động mất việc làm và thu nhập giảm. Thu nhập giảm lại tác động làm cho tổng cầu suy giảm, cứ diễn ra liên tiếp như vậy. Khi đã rơi vào vòng xoáy này thì rất khó thoát.
Tiêu thụ giảm mạnh sẽ tác động tiêu cực, khiến đầu ra của các DN gặp khó. |
Các quan sát cho thấy rằng giá cả đầu ra tiếp tục giảm trong tháng 7/2013 và là tháng thứ tư liên tiếp chứng kiến mức giá trung bình giảm. Rõ ràng, giảm giá vừa để nỗ lực thúc đẩy bán hàng, vừa giúp giải phóng hàng tồn kho tại các nhà máy. Song, việc tăng giá các mặt hàng nhiên liệu như xăng dầu, điện, gas... khiến giá cả đầu vào lại quay đầu tăng khiến tiêu thụ chậm đi, hàng hóa càng ùn ứ, DN càng bi quan.
Bên cạnh đó, chỉ số nhà quản trị mua hàng do Ngân hàng HSBC công bố, trong tháng 7 có kết quả 48,5 điểm, vẫn nằm dưới ngưỡng 50 điểm, biểu thị lĩnh vực sản xuất giảm sút ba tháng liên tiếp. Cả sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới đều tiếp tục giảm trong kỳ khảo sát mới nhất, mặc dù với tốc độ chậm hơn. Sản lượng dư thừa cũng được chuyển sang thành hàng tồn kho trong tháng 7, với lượng hàng tồn kho thành phẩm tăng nhanh nhất kể từ tháng 6/2012. Hiện hàng tồn kho đã tăng trong hai tháng liên tiếp, HSBC cho biết.
Vụ Dự báo thống kê tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) vừa tiến hành cuộc điều tra xu hướng kinh doanh tại các tổ chức tín dụng, trên cơ sở kết quả 6 tháng đầu năm và kỳ vọng 6 tháng cuối năm 2013. Theo báo cáo kết quả điều tra, nền kinh tế đầu năm 2013 vẫn đang ở giai đoạn ngổn ngang với nhiều khó khăn. Hầu hết các tổ chức tín dụng cho biết, mức độ rủi ro của các nhóm khách hàng tăng trong 6 tháng đầu năm 2013. Trên 50% tổ chức tín dụng dự kiến tỷ lệ nợ xấu của họ tại thời điểm cuối năm 2013 sẽ không đổi hoặc tăng so với cuối năm 2012.
Cuộc điều tra cũng cho thấy, kết quả kinh doanh trong 6 tháng đầu năm 2013 chưa được như kỳ vọng của các tổ chức tín dụng. Tại cuộc điều tra lần này, chỉ có 30,4% tổ chức đánh giá thực trạng kinh doanh trong 6 tháng đầu năm 2013 được cải thiện hơn, trong khi có 21,5% tổ chức cho rằng thực trạng kinh doanh kém hơn (tại cuộc điều tra tháng 12/2012 chỉ có gần 10% tổ chức tín dụng có cùng nhận định này).
Theo HSBC, hiện các DN của Việt Nam và những người làm công ăn lương đang bước vào một thời kỳ khá khó khăn bởi các điều kiện chủ quan và khách quan đều trở nên căng thẳng hơn. Công ăn việc làm giảm, sức mua yếu hơn, nhu cầu đối với hàng hóa, đặc biệt là hàng sản xuất giảm sút mạnh.
Kẹt trong tăng trưởng chậm
Các điều kiện bên ngoài có thể được cải thiện trong quý IV tới đây khi nhu cầu ở Mỹ, Nhật Bản, châu Âu và Trung Quốc phục hồi. Viễn cảnh đó sẽ hỗ trợ phần nào cho sản xuất tại Việt Nam, tuy nhiên đa số những yếu kém của Việt Nam là do những vấn đề nảy sinh ở trong nước và đòi hỏi cải cách phải được thực hiện nhanh hơn.
Trong khi đó, cải cách lại diễn ra quá chậm. Các vấn đề ngắn hạn như tồn kho của DN, thị trường bất động sản đóng băng và nợ xấu vẫn chưa giải quyết được, còn dài hạn thì tái cơ cấu nền kinh tế, đến nay chưa thực hiện được gì.
Một số ý kiến cho rằng để thoát khỏi tình trạng hiện nay, cần tới gói hỗ trợ từ 100.000- 200.000 tỷ đồng. Tuy nhiên nhiều ý kiến phản đối giải pháp này. Nếu đưa ra gói kích cầu lúc này sẽ tạo ra rủi ro cao về sự ổn định kinh tế vĩ mô. Gói kích cầu năm 2009 vẫn còn để lại dư âm không mấy tốt đẹp khi nó tạo ra sự đầu cơ mạnh trên thị trường. Mà có muốn thì cũng không biết lấy tiền ở đâu.
Ngân sách đang gặp khó khăn khi thu giảm, chi tăng. Bộ Tài chính cho biết, tình hình thu ngân sách rất khó khăn, kể cả phương án tích cực thì khả năng năm nay vẫn hụt thu 65.000 tỷ đồng so với kế hoạch.
Tăng trưởng của Việt Nam chủ yếu dựa vào vốn và lao động. Nếu tiếp tục giảm đầu tư thì không thể có tăng trưởng cao được. Vốn ngân sách đầu tư giảm thì phải có nguồn vốn khác bù vào, nhưng lấy nguồn nào thì vẫn là câu hỏi.
Theo Ủy Ban giám sát Tài chính Quốc gia, việc cân đối vốn đầu tư cho nền kinh tế ở mức 30% GDP là một thách thức không nhỏ. Với giả định lạm phát 2013 ở mức 6,5%, tín dụng tăng 12% và vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tương đương 2012, ước tính tổng vốn đầu tư còn thiếu khoảng 50.000-70.000 tỷ đồng.
Nguồn đầu tư từ vốn ODA muốn giải ngân luôn đòi hỏi phải có vốn đối ứng từ ngân sách Nhà nước. Khi vốn từ ngân sách giảm thì ODA cũng khó có thể được giải ngân và như vậy khiến cho nhiều DN sẽ thiếu việc làm.
Ngân hàng Thế giới vừa cảnh báo, trong khi kinh tế thế giới dường như ấm lên thì Việt Nam lại đang kẹt trong tăng trưởng chậm so với chính mình trước đây và so với các nước trong khu vực.
Theo VEF.