Ngày hai buổi sáng chiều, dọc theo đường Huỳnh Tấn Phát quận 7, người tay xách can, người đẩy xe để đi mua… nước. Một số khu vực ở quận 8, Thủ Đức cũng tương tự. Thiếu nước sạch, Sài Gòn mùa nóng càng khắc nghiệt hơn với người dân.
Giữa trời trưa nắng gắt như đốt cháy da thịt, bà Tâm đầu trần khệ nệ đẩy một xe 3 bánh chở hơn 10 can loại 30 lít đi đổi nước về. Đưa được xe nước vượt con dốc cao lên khỏi cầu Phú Xuân trên đường Huỳnh Tấn Phát, lưng bà Tâm đẫm mồ hôi.
“Không đổi, không mua thì không có nước để xài. Bao nhiêu thùng đây chỉ đủ dùng trong một ngày thôi, mai lại phải đi đổi tiếp”, bà Tâm mệt mỏi quệt trán nói. Không riêng gì bà Tâm, khoảng nửa tháng nay, ngày nào người dân khu vực huyện Nhà Bè này cũng đều phải đi mua nước với giá 3.000 đồng một can 30 lít.
Cùng chung cảnh ngộ, chị Hoa hàng xóm bà Tâm thì đã có sáng kiến nối hẳn một đường ống dài từ trong nhà ra, rồi chỉ cần kêu xe bán nước dạo tới cắm vòi tiếp nước vào nhà. “Nhà tôi còn đỡ, bên kia đường thiếu ghê lắm, không tranh thủ mua nước sớm thì chắc chắn không có nước để uống luôn chứ đừng nói đến tắm giặt”, chị Hoa nói.
Song ở thị tứ Phú Xuân này nước còn dễ đổi, chứ khu vực dân ruộng như trên ấp bờ đê, xã Phước Kiển, mua nước rất khó khăn, phải đi xa 2, 3 km.
Trong khi nhiều vùng tại thành phố thiếu nước triền miên thì nhiều người dân khu vực chợ Phú Xuân cho biết, nơi đây rất ít khi xảy ra tình trạng thiếu nước nên mấy ngày nay người dân khá bất ngờ, không chuẩn bị kịp. Có người tưởng chỉ cúp nước trong 1-2 ngày gì đó nên chủ quan, đến lúc không có nước sạch xài đành phải mua nước đóng chai cỡ lớn để rửa mặt, đánh răng.
Tình trạng thiếu nước mấy ngày qua kéo dài từ cầu Phú Xuân đến gần phà Bình Khánh (quận 7 - Nhà Bè), khu vực kho xăng dầu B - C trên trục đường Huỳnh Tấn Phát, Đặng Nhữ Tâm, Phạm Hữu Lầu. Một số nơi ở Dương Bá Trạc quận 8, phường Hiệp Bình Phước, Tam Bình - Thủ Đức cũng tương tự.
Ở phường Bến Thành, quận 1, khu vực "cái rốn" của TP HCM, hơn một tuần nay cũng liên tục xảy ra tình trạng cắt, cúp nước, giảm áp lực nước khiến nhiều gia đình trở tay không kịp. Chủ một hộ ở chung cư 60 Nguyễn Trãi, quận 1, cho biết mấy ngày qua chị thường xuyên phải dậy từ lúc 4h sáng để bật máy bơm nước. Chị giải thích: "Áp lực yếu, hồ chứa nước của chung cư cạn nên không đủ để bơm nước lên các tầng trên, đến gần sáng mới có nước".
Dọc đường Huỳnh Tấn Phát quận 7, người dân phải mua nước từ các xe bán nước lưu động. Ảnh: Kiên Cường |
Sài Gòn đang vào mùa nóng nên nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng cao. Thiếu nước đang trở thành một nỗi lo thường trực của người dân. Hôm 27/2, báo cáo tình hình cung cấp nước tại TP HCM của Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco) cho hay, hiện các nhà máy nước đã hoạt động hết công suất với 1,25 triệu m3 một ngày nhưng vẫn không đủ cung cấp cho người dân.
Đặc biệt, trong mùa khô, tình hình lại càng trở nên nghiêm trọng hơn ở các khu vực cuối nguồn như phường Tăng Nhơn Phú (Thủ Đức), phường 11, 12, 13, 14 quận Bình Thạnh, phường 1, 2, 3 quận 8…
Với mục tiêu phải đảm bảo cấp nước được ổn định, không để tình trạng thiếu diễn ra trầm trọng hơn, một số biện pháp cấp bách đã được Sawaco đề ra. Theo đó, Sawaco sẽ tiếp tục vận hành công suất của tất cả nhà máy nước đến mức tối đa có thể, tiến hành các biện pháp điều tiết, bơm tăng áp, tăng cường cung cấp nước bằng xe bồn, xà lan đến người dân.
Tuy nhiên, đó chỉ là những giải pháp tạm thời. Theo các chuyên gia, giải bài toán thiếu nước không còn cách nào khác là nhanh chóng đưa nhà máy nước BOO Thủ Đức vào sử dụng và xây dựng thêm nhà máy nước trong tương lai. Song tình trạng thiếu nước trên diện rộng hiện nay được quy trách nhiệm chính cho việc chậm trễ dự án nhà máy BOO Thủ Đức, trong đó có sự chây ỳ tiến độ thi công của nhà thầu phía Hàn Quốc dẫn đến hậu quả nhà thầu này bị cắt hợp đồng.
“Từ năm 2008, chúng tôi đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để xây dựng các đường ống tiếp nhận nước từ nhà máy nước BOO Thủ Đức, việc chậm trễ hoàn thành dự án đang là sự lãng phí lớn”, ông Võ Quang Châu, Phó Giám đốc Sawaco giải thích.
Dự báo nhu cầu thành phố trong năm 2010 cần hơn 2,2 triệu m3 nước một ngày. Kế hoạch đến 2010 của Sawaco sẽ cấp 2,3 triệu m3 nước sạch mỗi ngày đêm cho người dân.
Theo Vnexpress.