"Lúc gọi về nhà báo tin năm nay tôi sẽ không về nhà ăn Tết, bà ngoại tôi đã khóc rất nhiều. Lúc đó tim tôi như thắt lại, nhưng biết làm sao được…", Quốc Minh kể.

Mùng 4 tháng Giêng, Quốc Minh (25 tuổi, quê tại tỉnh Đồng Tháp), nhân viên chăm sóc khách hàng tại TPHCM, vẫn "dán" mắt vào màn hình máy tính, tay không rời chiếc điện thoại bàn.

Cứ cách 2 phút, Minh lại nhận một cuộc gọi khiếu nại từ khách hàng. Tiếng chuông điện thoại reo liên tục, mọi áp lực đổ dồn vào chàng trai 25 tuổi khiến cậu không thể ngơi một giây phút nào.

1 Nguoi Tre Chap Nhan Xa Nha Ngay Tet De Nhan Thu Nhap Gap 3

Nhiều người trẻ lựa chọn đi làm vào ngày Tết để được hưởng lương và thưởng cao (Ảnh minh họa: Văn Hiền).

"Nếu mày không giải quyết được thì đừng có trách!", đầu dây bên kia, khách hàng buông lời dọa nạt. Những cuộc gọi căng thẳng như vậy càng khiến Minh mệt mỏi.

3 năm làm việc tại TPHCM, Minh lần đầu không về quê ăn Tết. Lí do, công ty thông báo sẽ trả mức lương gấp 3 lần so với ngày thường cho những nhân viên chấp nhận làm xuyên ngày nghỉ lễ.

"Những năm trước, để gia đình ăn Tết trọn vẹn, tôi phải chi 10 triệu đồng tiền tiết kiệm để mua sắm, lì xì cho người thân trong nhà. Thường là ăn Tết xong, tiền cũng hết, tôi lại phải tích cóp lại từ đầu. Năm nay vì muốn có dư, tôi chọn ở lại thành phố, vừa tiết kiệm chi phí vừa kiếm thêm được tiền, hẹn gia đình năm sau mới về", Minh giải thích.

Suốt Tết, cứ sau giờ tan ca, chàng trai lại cảm thấy tủi thân khi chứng kiến cảnh đường phố đông đúc người qua lại, tất bật lo Tết, đoàn tụ cùng gia đình. Nhìn lại bản thân, Minh càng buồn hơn khi cậu thậm chí không có tâm trạng sắm cho mình chiếc áo mới.

"Lúc gọi về nhà báo tin tôi không về quê ăn Tết, bà ngoại đã khóc rất nhiều. Tôi cũng chạnh lòng lắm, thấy tim thắtm lại, nhưng biết sao được, cuộc sống vẫn còn khó khăn", Minh nói.

Là một nhân viên chăm sóc khách hàng, Minh phải làm việc 9 tiếng/ngày, nhận mức lương 9 triệu đồng/tháng. Chàng trai thú nhận, số tiền làm ra chỉ đủ để anh chi trả cho tiền trọ và sinh hoạt hằng ngày.

Để vừa đủ tiền sinh hoạt, vừa có tiền biếu ba mẹ, vừa có một khoản dư, Minh chấp nhận xa nhà dịp Tết này.

"Nhớ nhà lắm nhưng tôi sẽ cố gắng để Tết năm sau về đoàn tụ xôm hơn với gia đình. Năm nay đành lỡ hẹn để chu toàn cuộc sống. Hi vọng trong năm mới, tôi sẽ tìm được một công việc khác với mức lương tốt hơn, để có thể lo cho gia đình mà không chịu cảnh xa nhà như vậy nữa", chàng trai nói.

Không riêng Quốc Minh, Văn Thanh (23 tuổi, quê tại tỉnh Đồng Nai), nhân viên bếp, cũng có "thâm niên" 3 năm làm việc xuyên Tết.

Lâm cho hay thời gian đầu chưa quen với điều này, anh luôn cảm thấy nhớ nhà, tủi thân. Dần dà, anh nhận ra làm việc xuyên Tết không chỉ mang lại thu nhập cao gấp 3 lần ngày thường mà không khí trong những ngày này cũng làm anh thấy phấn khởi hơn.

2 Nguoi Tre Chap Nhan Xa Nha Ngay Tet De Nhan Thu Nhap Gap 3

Văn Thanh cho rằng việc đi làm xuyên Tết có thể giúp anh tăng thu nhập và là trải nghiệm giúp bản thân trưởng thành hơn (Ảnh: NVCC).

"Những ngày Tết, nhà hàng rất đông thực khách, phục vụ vất vả hơn nhưng tôi lại thấy rất vui. Là ngày nghỉ lễ nên khách thường cũng vui vẻ, dễ tính hơn thường ngày", Thanh cho hay.

Làm trong ngành dịch vụ, chàng trai 23 tuổi mỗi ngày phải làm việc 9-12 tiếng. Đôi lúc, phải đến tận khuya Thanh mới trở về nhà. Tuy nhiên, chàng trai không cảm thấy tủi thân vì được nhận thu nhập cao và thấy trưởng thành hơn sau những trải nghiệm đáng nhớ.

"Dù không về đoàn tụ gia đình những ngày Tết nhưng tôi sẽ tranh thủ sau Tết để về thăm bố mẹ. Nhờ gia đình luôn động viên, tôi mới trở nên mạnh mẽ và dám hi sinh cho những mục đích lớn hơn", Thanh nói.

Nguồn: Báo điện tử Dân trí




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC