Vừa qua, việc Ngân hàng Eximbank điều chuyển nhân viên từ hội sở chính ra bộ phận kinh doanh trực tiếp với hàng trăm nhân viên quen ngồi máy lạnh đã gặp phải những phản ứng quyết liệt.
Người lao động ở ngân hàng này cho rằng đây là cách mà lãnh đạo cố làm khó đẻ ép họ tự xin nghỉ việc và đã đòi chủ tịch phải đích thân giải thích lý do.
Và trong buổi họp báo vừa qua ở TP.HCM, ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Eximbank – cho biết do những năm trước làm ăn được nên tuyển dụng nhiều ở bộ phận gián tiếp, nay kinh doanh khó khăn nên phải điều chuyển nhân sự. Do đó, Eximbank đã lên kế hoạch điều chuyển khoảng 300 trong số 1.000 nhân viên tại hội sở xuống các phòng giao dịch.
Đó là chuyện của ngân hàng. Nhưng điều đáng suy ngẫm là câu nói của ông Dũng sau đó: “Một số người đang làm ở quận 1, bây giờ chuyển sang quận 2 thì kêu với lý do không phù hợp là một phản ứng bình thường”.
Không nói riêng chuyện nhân viên Eximbank, vì có thể còn những bí ẩn khác trong việc điều chuyển đó. Song thực sự, với không ít người Việt, việc chuyển từ việc làm gián tiếp ở văn phòng rè rè máy lạnh ra ngoài đường trưa nắng gắt đất Sài Gòn là điều gì đó mang tính hạ cấp, thậm chí là khinh thường.
Người Việt, đặc biệt là những người có bằng cấp, việc làm ở văn phòng nhàn hạ là điều gần như hiển nhiên khi xác định đi làm. Việc chân tay không dành cho người có bằng cấp, dù bằng cấp đó có phù hợp với công ty hay không.
Gần như đồng thời với chuyện ở Eximbank, tâm sự mới đây của ông Ito Junichi, CEO Công ty World Link Japan Inc, càng cho thấy quan niệm ấy của người Việt. “Người Việt Nam thường coi nhẹ những người lao động chân tay như thợ hàn, công nhân. Nhiều người trẻ chỉ thích làm trong những văn phòng tiện lợi, nhà có điều hòa”, ông nói.
Ông này cũng dẫn chứng thêm, các sinh viên Đại học Tokyo nổi tiếng nếu có đến làm cho công ty tàu hỏa của thành phố thì việc đầu tiên họ phải làm là dọn dẹp nhà vệ sinh, cắt vé. Họ phải trải qua mọi việc từ dưới lên trên trước khi muốn trở thành sếp. “Theo tôi, việc người trẻ không tôn trọng những người lao động chân tay là khuyết điểm rất lớn của xã hội”, ông nói.
Nếu vậy, dường như nhiều người Việt đang cùng mắc khuyết điểm lớn này, và chưa biết khi nào và nhờ giải pháp nào để có thể chữa được khiếm khuyết ấy. Thi thoảng có tấm gương anh thạc sỹ xếp bằng đi làm nông hay anh cử nhân cất bằng đi nuôi dế thì cũng được hiểu sang nghĩa khác: anh ấy thích làm chủ doanh nghiệp riêng, chứ không phải thích làm việc chân tay.
Một chuyên gia tâm lý cho rằng, sở dĩ như vậy cũng bắt nguồn từ quan niệm “Học xong để làm quan” ở Việt Nam. Không học gì mới phải làm việc chân tay. Hơn nữa, nền giáo dục Việt Nam cũng chưa thực sự tạo điều kiện cho những người giỏi kĩ năng chân tay. Các trường nghề thường được đầu tư ít và danh tiếng cũng quá thấp để có thể thu hút người theo học, trừ khi rớt ở các trường đại học – nơi mặc định là đào tạo những người sau này làm thầy chứ không làm thợ.
Có điều, chính các ông chủ giờ đã bắt đầu thay đổi quan điểm và không nghĩ theo lối cũ, đơn cử như cách nói của ông Dũng, Eximbank. “Nếu bố trí lại công việc khác, hơi cực một tí mà anh kêu la thì chúng tôi chấp nhận cho nghỉ việc chứ không có giải pháp nào khác. Cũng có người gọi điện cho tôi hỏi sao cho con họ đi bán hàng, tôi bảo bán hàng có gì là xấu, ngay cả con gái tôi cũng đi bán hàng vậy”, ông Dũng nói với thái độ kiên quyết.
Theo NCĐT