Chính sách biên mậu của Việt Nam tồn tại nhiều bất hợp lý làm nảy sinh tư duy lấy lợi ích ngắn thay cho lợi ích dài trong làm ăn với TQ.

Khiếm khuyết nhiều năm không đổi

Mới đây, tại buổi tọa đàm “Làm thế nào kinh doanh hiệu quả với thị trường Trung Quốc?”, nhiều ý kiến thẳng thắn cho rằng Việt Nam chưa thật sự làm ăn với Trung Quốc dù nước này có nhu cầu rất lớn.

Những người thu mua nông sản ở Việt Nam bán sang thị trường Trung Quốc hầu hết là những thương nhân “chạy ngoài đường”, thấy chênh lệch giá nên tìm mọi cách thuê người đẩy hàng qua biên giới, bán ngay ở biên giới để kiếm lời.

PGS.TS Nguyễn Văn Nam – nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu thương mại thừa nhận, nhiều năm nay Việt Nam vẫn đang loay hoay tìm cách làm ăn, kinh doanh theo con đường chính ngạch với Trung Quốc.

Theo ông Nam, nhu cầu của thị trường Trung Quốc rất lớn.

Đặc biệt Việt Nam với thế mạnh nhân công dồi dào cùng nền nông nghiệp nhiệt đới là một sự bổ sung tốt nhất vào nền nông nghiệp hàn đới, ôn đới của Trung Quốc.

“Đấy là thế mạnh trời cho nhưng các nhà quản lý và giới kinh doanh Việt Nam không biết tận dụng cơ hội.

Thực tế thị trường Trung Quốc yêu cầu không khó như thị trường Mỹ và Nhật Bản. Xuất khẩu sang Trung Quốc dễ dàng hơn sang các quốc gia khác nhưng chúng ta không làm, vẫn đi sâu vào con đường tiểu ngạch”, ông Nam nhấn mạnh.

Người Việt đang lãng phí cơ hội làm giàu nhờ Trung Quốc? - 0

Việt Nam gặp khó khi làm ăn với Trung Quốc. Ảnh minh họa

Lý giải tình trạng trên, vị chuyên gia cho rằng có rất nhiều nguyên nhân, cả chủ quan lẫn khách quan khiến cho giá trị thương mại của Việt Nam và Trung Quốc không đạt được như kỳ vọng.

Yếu tố đầu tiên, các doanh nghiệp không có kế hoạch làm ăn lâu dài với Trung Quốc, mà chủ yếu theo hình thức chụp giật, chỉ nghĩ lợi ích trước mắt.

“Nhiều người thấy bán được hàng cho thương lái Trung Quốc thì lao vào đi mua hoặc tìm cách nhân rộng quy mô sản xuất. Đến năm sau khi số lượng nhiều hơn thì Trung Quốc không mua nữa dẫn đến sản phẩm dư thừa, không bán được.

Hàng loạt hoa quả ế ẩm, vứt bỏ thối ở cửa khẩu thời gian qua cho thấy những hạn chế của các doanh nghiệp Việt. Sự yếu kém này không chỉ xuất hiện ở những doanh nghiệp tư nhân nhỏ lẻ mà cả ở những doanh nghiệp lớn”, ông Nam chỉ rõ.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia cũng đề cập đến chính sách biên mậu của Việt Nam.

Theo ông Nam, chính sách này tồn tại nhiều điểm bất hợp lý làm nảy sinh tư duy lấy lợi ích ngắn thay cho lợi ích dài.

Ông Nam dẫn chứng: “Các tỉnh biên giới lúc nào cũng đòi mở cửa khẩu nhỏ để thông thương với Trung Quốc. Mục đích chủ yếu là kiếm một ít tiền thuế trước mắt.

Cách đây khoảng 20 năm, tôi từng làm việc với một ông Chủ tịch tỉnh và nhận được chia sẻ, nếu không cho thương lái Trung Quốc gian lận cái này, cái kia thì nền kinh tế của tỉnh sẽ chết. Khi hàng hóa giữa 2 bên đi lại nhiều thì nền kinh tế của địa phương mới có nguồn thu.

Theo tôi, quan niệm của địa phương như vậy rất hạn hẹp. Lãnh đạo thường có tư duy nhiệm kỳ. Thời điểm mình đương chức mà người dân buôn bán kiếm được tí tiền, cuộc sống có chút khởi sắc thì đã coi là thành công rồi.

Cần phải xác định rõ ràng rằng, việc mở cửa để tạo dựng một nền thương mại, một nền kinh tế cho vững chắc, phát triển lâu dài mới thật sự quan trọng”, ông Nam nhấn mạnh. 

Bên cạnh đó, ông Nam còn cho rằng, nhiều Bộ, ngành ở Trung ương cũng chưa thật sự giám sát chặt chẽ. Khi địa phương kiến nghị lên với những con số, kết quả cao, đóng góp nhiều cho việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, các cơ quan có trách nhiệm thường đồng ý chủ trương.

Thậm chí còn xuất hiện tình trạng, thương lái nhận được sự tiếp tay của một bộ phận công chức, cán bộ địa phương trong hoạt động buôn bán qua lại giữa 2 nước.

“Đặc biệt, từ trước đến nay, không có một cơ quan hay tổ chức nào tiến hành nghiên cứu thị trường Trung Quốc đến đầu đến đũa cả.

Trong khi nhiều nước tại ASEAN như Thái Lan làm rất kỹ việc này. Họ biết năng lực của thị trường Trung Quốc như thế nào, thị hiếu và yêu cầu chất lượng ra sao. Vì thế khi mở cửa, hàng hóa Thái Lan vào thị trường Trung Quốc với giá trị hàng tỷ USD”, ông Nam dẫn chứng.

Phải nghiên cứu thị trường cụ thể

Từ những hạn chế trên, PGS.TS Nguyễn Văn Nam cho rằng Việt Nam cần phải thật sự thay đổi tư duy làm ăn kinh tế với Trung Quốc để tránh những rủi ro và thu về giá trị thương mại lớn hơn.

Đầu tiên, chính sách của Trung ương phải rõ ràng, không khuyến khích buôn bán theo con đường tiểu ngạch mà tập trung vào kinh thế thị trường hiện đại với các sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, theo chuỗi sản xuất nhất định.

“Buôn bán lặt vặt chúng ta không nên khuyến khích, không miễn thuế mà phải đánh thuế thật cao. Với doanh nghiệp làm ăn chính đáng, nhà nước cần hỗ trợ về vốn, công nghệ, quản lý về mặt thể chế để có điều kiện phát triển. Một đất nước muốn giàu mạnh phải có những tập đoàn lớn chứ không thể chỉ dựa vào vài ba doanh nghiệp nhỏ”, ông Nam nói.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia cũng đề nghị các địa phương phải có chiến lược kinh doanh lâu dài với Trung Quốc. Đặc biệt hạn chế tình trạng trồng trọt, chăn nuôi một cách ồ ạt, không theo quy hoạch.

Ngoài ra, cần phải hết sức chú trọng việc nghiên cứu thị trường Trung Quốc để tạo ra những sản phẩm có giá trị, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng nước này.

“Quy luật tất yếu của thế giới, đó là tất cả các quốc gia nằm cạnh những nước lớn đều giàu lên nhờ khai thác thị trường của nước đó.  Canada, Mexico thu lợi lớn từ thị trường của Mỹ. Hay như Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc giàu lên nhờ thị trường Nhật Bản”, ông Nam dẫn chứng thêm.

Nguồn: Hoàng Nam

Báo Đất Việt




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC