Người Việt Nam không thể mãi chịu thiệt thòiVào WTO hơn 1 năm rồi, nhưng Việt Nam vẫn chưa có hàng rào chặt để bảo vệ hàng trong nước, cũng như ngăn hàng kém chất lượng vào Việt Nam. Không thể “hiền lành” mãi.

Có một thực tế, cũng là hàng Trung Quốc nhưng nếu sang thị trường châu Âu, Mỹ thì không đồng nghĩa với kém chất lượng, trong khi phần lớn hàng có xuất xứ từ Trung Quốc vào thị trường Việt Nam chất lượng thường không đảm bảo. Sự khác biệt đó rõ ràng xuất phát từ tiêu chuẩn và cách thức kiểm soát chất lượng hàng hóa của nước nhập khẩu hàng.

Với Mỹ và châu Âu, tiêu chuẩn hàng lưu thông trên thị trường được giám sát rất khắt khe. Những quy chuẩn, quy định đó buộc doanh nghiệp muốn nhập hàng vào phải đáp ứng, nếu không sẽ từ chối hoặc trả lại sản phẩm, thậm chí có nguy cơ bị kiện cáo, bồi thường rất cao. Quy định này áp dụng với mọi loại hàng hóa, sản phẩm cao cấp và hàng giá rẻ.

Người Việt Nam không thể mãi chịu thiệt thòi_0

Hàng Trung Quốc len lỏi khắp nơi trên đất nước Việt Nam

DN Trung Quốc và các nước khác sẽ sản xuất hàng hóa theo tiêu chuẩn riêng để sang các thị trường Âu, Mỹ và hàng hóa kém chất lượng hơn cho các thị trường dễ tính như Việt Nam.

Chúng ta thì đang bị hàng ngoại lấn lướt. Hàng hóa do Việt Nam sản xuất luôn bị đe dọa bởi hàng giá rẻ, chất lượng thấp, ế thừa hay gần hết hạn sử dụng của  nước ngoài tràn vào chiếm lĩnh thị trường.

Việt Nam xuất khẩu tôm, cá basa sang Mỹ, và luôn bị ràng buộc bởi một hệ thống các tiêu chuẩn rất khắt khe, từ nhãn mác, xuất xứ, thậm chí còn cất công sang tận Việt Nam để kiểm tra. Ngược lại, chúng ta quá dễ dãi với hàng nhập khẩu, nhiều mặt hàng vào ta mà việc xử lý thông tin và phản ứng với thông tin chậm, không nắm được tình hình. Và hậu quả là người tiêu dùng lãnh đủ vì mua phải hàng kém chất lượng.

Phải nói điều người dân muốn biết

Ở các nước khi  có thông tin về hàng kém chất lượng, các cơ quan chức năng vào cuộc rất nhanh chóng và thường thì họ đưa thông tin cảnh báo trước khi người dân phát hiện.

Câu chuyện hàng hóa chất lượng kém đang vào Việt Nam không phải bây giờ người ta mới biết. Câu chuyện này đã nói mãi, kêu mãi từ hàng thập kỷ nay. Vấn đề đặt ra là chúng ta không thể dễ dãi mãi. Cần phải làm rõ thế nào là kém chất lượng? Theo tiêu chuẩn nào?

Không thể cứ nhận xét dựa trên nhìn bề ngoài và dự đoán cảm tính. Ví dụ, nhìn thấy lê, táo cả tháng trời không hỏng, dư luận đoán là có chất bảo quản. Vấn đề người dân muốn nghe về chất bảo quản đó là gì, có hại sức khỏe không thì chưa thấy cơ quan chức năng nào giải đáp kịp thời cho dân biết.

Chúng ta đã buông lỏng quản lý quá lâu

Chúng ta đã buông lỏng quản lý quá lâu. Nhập siêu hàng tiêu dùng từ Trung Quốc đã diễn ra trong một thời gian dài. Hiện nay, do suy thoái kinh tế, căn bệnh này càng bộc lộ và cần chữa trị ngay.

Liên quan nhập khẩu hàng hóa, trách nhiệm đầu tiên thuộc Bộ Công Thương, Hải quan tiếp đến là các bộ chuyên ngành như bộ NNPTNT đối với hàng nông sản, bộ y tế với các loại thực phẩm chế biến… Tuy nhiên, Bộ KHCN cũng có phần trách nhiệm với tư cách là cơ quan chủ trì xây dựng và ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho các loại hàng hóa và dịch vụ.

Các cơ quan này phải hoàn thành nhiệm vụ của mình, mà trước hết ở việc xây dựng tiêu chuẩn hàng hóa, xây hàng rào kĩ thuật và kiểm soát quá trình thực thi đó.

Để quản lý thị trường, bảo vệ người tiêu dùng trong nước, các quốc gia tiên tiến thường dùng thủ thuật nâng cao hàng rào kỹ thuật với những hàng hóa không phải thế mạnh của mình và dùng công cụ chống phá giá đối với loại hàng hóa trong nước sản xuất được.

Chống hàng lậu, hàng trốn thuế phải có cơ chế phối hợp giữa cửa khẩu và trong thị trường nội địa. Không phải hàng lọt qua biên giới, về đến chợ Đồng Xuân là có thể công khai lưu thông. Cửa khẩu làm tốt thì trên thị trường cũng đỡ vất vả nhiều và ngược lại.

Phải nghiêm khắc với chính mình

Có người  lo ngại nếu xây dựng hàng rào kỹ thuật, chính hàng hóa Việt Nam sẽ chịu tác động đầu tiên chứ không phải hàng nhập khẩu.

Tuy nhiên, điều này chỉ đáng ngại với các cơ sở làm ăn chụp giựt thôi chứ doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng thì rất thuận lợi, tránh được sự cạnh tranh không lành mạnh từ hàng kém chất lượng. Tăng được chất lượng, DN tạo được niềm tin của người tiêu dùng với hàng trong nước. Đó mới thực là kích cầu nội địa và người tiêu dùng đương nhiên có lợi.

 

Như hiện nay, nhiều DN muốn làm sản phẩm tốt, nhưng giá sẽ phải cao, không cạnh tranh được với hàng rẻ, hàng nhập nhèm,  trốn thuế, đưa phụ gia công nghiệp thay vì phụ gia thực phẩm… DN buộc phải làm hàng rẻ, chất lượng hạn chế, người tiêu dùng sẽ chịu thiệt và phản ứng bằng cách quay lưng với hàng nội. Rốt cuộc ta làm hại mình.

Đưa ra bộ tiêu chuẩn tốt, DN sẽ có động lực để tự điều chỉnh, thay đổi.

Tình hình rất đáng lo

Khi gia nhập WTO, hàng rào thuế quan dần gỡ bỏ các nước lại dựng hàng rào kĩ thuật, ta không làm thì sẽ thiệt thòi thôi. Vậy mà vào WTO hơn 1 năm rồi, nhưng Việt Nam vẫn chưa có hàng rào chặt để bảo vệ hàng trong nước, cũng như ngăn hàng kém chất lượng vào Việt Nam.

Nói đúng ra thì Việt Nam cũng đã có bộ tiêu chuẩn nhưng không đủ và nhiều tiêu chuẩn đã lạc hậu. Có những quy định tiêu chuẩn từ những thập niên 80 của thế kỷ trước nhưng vẫn không được cập nhật kịp thời.

Quốc hội vừa giám sát về VSATTP, tình hình rất đáng lo.  Đầu tư tài chính, nhân lực cho quản lý VSATTP ít nên cán bộ cơ sở đôi khi muốn làm mà không được, lại còn cả nể, sợ gây khó cho sản xuất. Năng lực kiểm nghiệm của tỉnh rất hạn chế mà còn phân tán. Tỉnh nghèo mà lại có đến 3-4 phòng thí nghiệm (thuộc sở KHCN, y tế, tài nguyên môi trường) nhưng không  có cái nào hoàn chỉnh, đủ tiêu chuẩn quốc gia, mẫu vẫn phải gửi đi thành phố, khi có kết quả là kém chất lượng thì hàng hóa đã bán hay tẩu tán hết rồi.

Các nước thường dựa vào Hiệp hội để giám sát hàng ngoại nhập, khởi kiện chống phá giá nhằm bảo vệ hàng trong nước. Trong khi đó, Hiệp hội của Việt Nam yếu quá, không bảo vệ người sản xuất mà có khi còn làm hại cho nông dân với những kiến nghị  như cấm, hạn chế xuất khẩu gạo lúc giá cao chẳng hạn.

Do vậy, tôi cho rằng cần nhanh chóng xây dựng và đưa Luật bảo vệ người tiêu dùng vào cuộc sống. Dự kiến, luật này sẽ được trình lấy ý kiến QH vào cuối năm nay và phải ít nhất là giữa năm sau mới có hiệu lực.

Nhưng cho đến lúc đó, không thể để người dân chịu thiệt thòi mãi với hàng ngoại nhập chất lượng thấp. Điều đó ảnh hưởng đến xu hướng tiêu dùng, gây thiệt hại cho nền kinh tế và từng DN.

Mặc dù chưa thực sự đẩy đủ, nhưng trong khuôn khổ pháp luật hiện hành, nếu thực thi tốt, quy trách nhiệm rõ ràng, chúng ta vẫn có thể bảo vệ sản xuất trong nước, bảo vệ người tiêu dùng tốt hơn.

Ths. Nguyễn Đình Xuân (UB KHCNMT của Quốc hội)

Theo Vietnamnet.





 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC