Nguy cơ nghèo đói gia tăng ở Việt Nam Ủy ban Kinh tế-Xã hội Châu Á-Thái Bình Dương của Liên Hiệp Quốc (gọi tắt là ESCAP) vừa công bố bản điều tra kinh tế xã hội khu vực năm 2012 vào trung tuần tháng 5.

 Ảnh hưởng bởi lạm phát

Bản báo cáo có một số bằng chứng cho thấy Việt Nam đang phải đối diện với nguy cơ nghèo đói sau lần lạm phát đỉnh điểm năm 2008. 
Trao đổi với đài RFA về bản báo cáo của Ủy ban kinh tế-Xã hội Châu Á-Thái Bình Dương thuộc Liên Hiệp Quốc vừa công bố, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhận định:

“Báo cáo của ESCAP về tình hình kinh tế và nghèo đói của Việt Nam là một báo cáo có căn cứ và là một báo cáo có giá trị khoa học. Ở đấy người ta nêu lên nhiều vấn đề trong đó thì có về vấn đề hiện là tượng đói nghèo đã quay trở lại. Bởi vì điều ấy cũng dễ hiểu, trong thời gian từ 2008 cho đến nay thì tăng trưởng kinh tế là chậm lại và lạm phát thì tăng cao. Vì vậy cho nên một số người dân đã bị ảnh hưởng vì tình trạng lạm phát.”

Trong bài thuyết trình về bản điều tra kinh tế-xã hội khu vực năm 2012, Tiến sĩ Shuvojit Banerjee của ESCAP và Tiến sĩ Phạm Lan Hương, trưởng ban Chính sách Kinh tế Vĩ mô thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung Ương nhấn mạnh mối quan ngại hàng đầu là mức lạm phát hai chữ số tại Việt Nam với đỉnh điểm 23% vào tháng 8 năm 2011 hiện nay tuy có giảm xuống, tính đến cuối tháng 3 ở mức 14,1% và chính phủ đang nỗ lực để kiềm chế lạm phát xuống mức một chữ số vào nửa cuối năm nay.

Với tình trạng lạm phát cao nhất vào năm 2008 và trở lại hai chữ số như hiện nay khiến cho bộ phận không nhỏ người dân ở Việt Nam phải đối mặt với hoàn cảnh đói nghèo. Lực lượng lao động chủ yếu của Việt Nam là tầng lớp công nhân với mức lương thu nhập chỉ đảm bảo được hơn 50% mức sống căn bản tối thiểu.

Từ 1/5, chỉ có hơn 6 triệu người dân nhận mức lương căn bản được điều chỉnh trong khi giá cả mọi mặt hàng tăng cao. Hầu như các mặt hàng quan trọng, thiết yếu như xăng dầu, lương thực thực phẩm, thuốc men ý tế gia tăng liên tục.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho biết bên cạnh nguyên nhân lạm phát, tình hình thiên tai trong những năm gần đây cũng tác động rất nhiều đến đời sống của người dân. Có nhiều hộ gia đình thuộc diện thoát nghèo thì nay quay trở lại diện nghèo khiến tỉ lệ hộ gia đình nghèo gia tăng một cách đáng kể. Những người nghèo nhất là ở vùng nông thôn phải chi 70%-80% thu nhập cho thực phẩm theo mức trượt giá. 
Trong khi đó, Ủy ban An ninh Thực phẩm Thế giới thuộc tổ chức Nông lương của Liên Hiệp Quốc cho rằng quyền sở hữu đất đai không phù hợp và không được bảo vệ khiến đói nghèo gia tăng.

Tiến sĩ Banerjee và Tiến sĩ Phạm Lan Hương nhận định dù chỉ số tiêu dùng CPI giảm trong tháng 3 và tháng 4 nhưng đó không phải là dấu hiệu tốt. Một số nhà kinh tế cho rằng chỉ số CPI giảm nhanh dù giá cả một số loại nguyên vật liệu đầu vào chính vẫn tăng cho thấy các doanh nghiệp đang trong tình trạng rất khó khăn mà báo chí sử dụng từ ngữ “chết lâm sàng” để mô tả. Cho đến nay đã có gần 82 ngàn doanh nghiệp giải thể, chiếm gần 30%, đã phá sản hoặc ngừng hoạt động do thiếu vốn.

Doanh nghiệp chết "lâm sàng"

Nguy cơ nghèo đói gia tăng ở Việt Nam_0

Trong giai đoạn hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp có quy mô nhỏ phải đối diện với tình trạng khó khăn về vốn, khó khăn về lựa chọn tìm khách hàng, đối tác có tài chính ổn định để bán hàng hay dịch vụ. Trong tình hình khó khăn chung, khách hàng không có khả năng thanh toán nên khách hàng chiếm dụng vốn. Nếu doanh nghiệp không bán hàng thì không thể đảm bảo doanh thu cho chi phí của công ty. Trái lại, khách hàng nợ thì tồi tệ hơn. Những dự án liên quan đến nhà nước hiện tại thì hầu như ngưng lại hay được chỉ định thầu hoặc khó tiếp cận. Khách hàng tư nhân thì khó tìm.

Về vay vốn, dù chính phủ có can thiệp nhưng thực tế vẫn tồn tại nhiều khó khăn và đầy bất cập cho doanh ngiệp trong quá trình vay vốn để kinh doanh sản xuất. Bà Thanh, chủ một doanh nghiệp có quy mô nhỏ tại TP. HCM cho đài RFA biết:

“’Doanh nghiệp chết lâm sàng’, dùng từ như vậy vì là công ty không có hoạt động. Giải thể công ty thì không thể được vì vẫn muốn giữ những business để làm nên tạm thời ngưng hết, giảm bớt tất cả hoạt động để qua được giai đoạn khó khăn này, để hoạt động tiếp. Còn không duy trì được vì tình hình năm nay khó, sang năm sẽ khó thì một số doanh nghiệp dài hơi sẽ không chịu được. Việc công ty ngưng hoạt động hoặc giảm hoạt động nhưng vẫn phải duy trì khoản chi phí cho nhân sự, cho văn phòng, cho tất cả các chi phí hoạt động thì một số doanh nghiệp sẽ ‘chết thiệt’ chứ không phải ‘chết lâm sàng’.”

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhận định tình trạng ngày càng nhiều doanh nghiệp giải thể, phá sản có tác hại rất lớn đến đời sống kinh tế xã hội ở đô thị. Ông nói:

“Điều này trước hết là làm giảm thu nhập của người dân, thứ hai nữa là làm giảm cơ hội của những thanh niên tốt nghiệp năm nay có thể có được công ăn việc làm. Và thứ ba nữa là làm tăng thêm tình trạng đói nghèo ở đô thị chứ không phải chỉ có đói nghèo ở nông thôn.”

Chuyên gia Lê Đăng Doanh cho rằng từ trước đến nay thường chú ý nhiều đến hiện tượng đói nghèo ở vùng sâu vùng xa, ở vùng miền núi, ở các vùng đồng bào dân tộc mà điều kiện sản xuất kinh doanh có khó khăn. Tuy nhiên, với tình trạng nhiều doanh nghiệp đã ngừng hoạt động hoặc là đã không hoạt động nữa thì hiện tượng thiếu công ăn việc làm và giảm thu nhập ở các thành phố sẽ trở thành vấn đề không thể xem thường.

Trong thời gian từ 2008 cho đến nay thì tăng trưởng kinh tế là chậm lại và lạm phát thì tăng cao. Vì vậy cho nên một số người dân đã bị ảnh hưởng vì tình trạng lạm phát.
CCKT Lê Đăng Doanh

Trong phần diễn giải về bản báo cáo của ESCAP, tiến sĩ Phạm Lan Hương cho biết tình hình chi ngân sách của Việt Nam được cải thiện, mức thâm hụt chỉ ở 4%. Tương tự, thâm hụt thương mại của Việt Nam xuống ở mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua là 3,8%. Xuất khẩu giảm và nhập khẩu giảm nhiều hơn. Do đó, những số liệu này không chứng minh cho bức tranh kinh tế Việt Nam được sáng sủa mà chỉ chứng tỏ mức tăng trưởng kinh tế rất chậm.

Trước kết quả bản điều tra kinh tế xã hội khu vực năm 2012 vừa công bố, các chuyên gia kinh tế nhận định nguy cơ đói nghèo gia tăng ở Việt Nam. Người dân cũng như các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau cùng những nhà chuyên môn luôn hy vọng chính phủ sẽ kịp thời tiến hành những giải pháp tích cực có hiệu quả thực tiễn để hỗ trợ hữu ích cho đời sống an sinh của cộng đồng trong giai đoạn khó khăn hiện nay chứ không phải những thông tư, nghị quyết đúng và đẹp trên giấy mà thôi.

Theo RAF.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC