Bloomberg cho rằng thành công của Việt Nam trong việc thu hút đầu tư, tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm đang bị đe dọa bởi nguy cơ thiếu điện. Một phần do giá bán lẻ không đủ hấp dẫn nhà đầu tư ngoại vào các dự án sản xuất điện.
Nguy cơ này càng rõ rệt hơn khi tuần trước, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho biết việc đàm phán với Tập đoàn Chevron (Mỹ) về phát triển một mỏ khí tự nhiên đã thất bại do bất đồng về giá cả. Việc này sẽ trì hoãn nguồn cung nhiên liệu cho các nhà máy điện. Hãng tư vấn năng lượng IHS tháng trước cho biết nhu cầu tại Việt Nam có thể vượt nguồn cung khí đốt năm 2015.
“Vấn đề chính là Việt Nam có hệ thống ra quyết định dựa trên đồng thuận khá cồng kềnh. Việc này có thể làm chậm toàn bộ quá trình đưa dự án điện mới vào hoạt động”, ông Graham Tyler - giám đốc mảng khí gas - điện Đông Nam Á tại hãng tư vấn năng lượng Wood Mackenzie (Singapore) nhận xét.
Tuy Chính phủ đang tăng giá điện để các dự án điện hấp dẫn hơn với nhà đầu tư, việc này có thể vẫn không kịp giải quyết vấn đề thiếu điện ở miền Nam. Khu vực này là tập trung hơn một nửa công ty niêm yết lớn nhất nước, thuộc nhiều ngành từ dệt may đến dầu mỏ.
Một phần nguyên nhân là giá điện bán lẻ không đủ hấp dẫn nhà đầu tư vào ngành năng lượng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết. Việt Nam đang trông đợi vốn đầu tư nước ngoài sẽ giúp hồi sinh nền kinh tế đã tăng trưởng chậm nhất 13 năm trong năm ngoái.
“Khi giá điện bán lẻ thấp như vậy, dòng tiền đầu tư sẽ chuyển sang các ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều điện, như xi măng hay thép. Vì thế, chúng tôi đang trong tình thế không thể thu hút các hãng sản xuất điện, dù ngày càng có nhiều người dùng điện. Việc đó đã khiến tình trạng thiếu điện thêm trầm trọng”, ông Vinh cho biết.
Thất bại trong việc đàm phán với Chevron xảy ra hơn một thập kỷ sau khi Việt Nam công bố các kế hoạch phát triển mỏ khí này. Theo Bloomberg, Việt Nam hiện có trữ lượng khí đốt lớn thứ 4 Đông Á, sau Trung Quốc, Indonesia và Malaysia.
Việc phát triển khí đốt tự nhiên đòi hỏi phải có sự hòa hợp lợi ích, từ công ty khai thác cho đến người tiêu dùng, ông Duncan van Bergen - một lãnh đạo tại hãng dầu khí Royal Dutch Shell cho biết. “Đó là lý do tại sao một số dự án khai thác khí đốt mất nhiều thời gian. Chúng có nhiều chuỗi giá trị rất phức tạp, đòi hỏi các bên tham gia phải cùng phối hợp”, ông nói.
Ở Việt Nam, sự thống nhất này bao gồm công ty nước ngoài khai thác mỏ khí, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Chính phủ. Đây là điều mà IHS gọi là “kiểm soát chặt giá năng lượng”. Việc này đã khiến cuộc đàm phán của PetroVietnam với các công ty như Chevron thất bại.
“Giá chúng tôi đưa ra cho Chevron đã là cao nhất có thể theo luật Việt Nam rồi. Họ muốn tăng giá, nhưng vì luật hạn chế, điều này là không thể. Và đó là lý do thỏa thuận không đạt được”, ông Phùng Đình Thực - Chủ tịch PetroVietnam cho biết.
Theo ông Franz Gerner – điều phối viên của World Bank tại Hà Nội, giá bán lẻ điện bình quân tại Việt Nam vào khoảng 1.489 đồng một kwh. Tháng trước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thông qua nâng giá này lên tối đa 1.835 đồng một kwh cho đến năm 2015. Theo ông Thực, giá mới sẽ giúp tăng sức hút đầu tư của ngành năng lượng Việt Nam.
Sự thất bại trong thỏa thuận với Chevron sẽ trì hoãn kế hoạch sản xuất điện từ khí đốt tại Cần Thơ, ông Đỗ Văn Hậu - Tổng giám đốc PetroVietnam cho biết. Việc này cũng sẽ làm chậm lại kế hoạch tăng tỷ lệ điện được sản xuất từ khí đốt trong cơ cấu năng lượng tại Việt Nam. Năm 2005, World Bank cho biết tỷ lệ này vào khoảng 38% và Chính phủ đã lên kế hoạch nâng lên 40% cho đến năm 2015. Theo World Bank, tỷ lệ trên có thể sẽ giảm xuống còn 15% năm 2020.
Dù Việt Nam có mạng lưới truyền tải điện cao áp Bắc – Nam tương đối hiện đại, hệ thống này vẫn cần đầu tư “mạnh tay”, ông Gerner cho biết. Ông ước tính Việt Nam cần khoảng 5 tỷ USD mỗi năm trong hai thập kỷ tới để mở rộng hệ thống sản xuất, truyền tải và phân phối điện, nhằm đáp ứng nhu cầu đang tăng 10% mỗi năm.
Ấn Độ và Hàn Quốc là hai nền kinh tế cũng thực hiện chính sách kiểm soát giá điện. Việc này đã khiến cả hai thất thoát điện năng, thiếu đầu tư nâng cấp công suất và gây ra thiếu điện. Năm ngoái, Ấn Độ chịu cảnh mất điện lớn nhất thế giới, còn Hàn Quốc phải ban bố các quy định tiết kiệm điện.
Theo Bloomberg, ít nhất Việt Nam cũng có cách giải quyết gần ngay trước mắt. Việt Nam có trữ lượng khí đốt tự nhiên gấp đôi Thái Lan, trong khi sản lượng chưa bằng một phần tư nước này. Tương tự, trữ lượng của Việt Nam cũng gần gấp đôi Myanmar và sản lượng khai thác cũng đi sau người hàng xóm.
Vì vậy, dù thất bại trong đàm phán với Chevron, việc thăm dò vẫn đang được tiếp tục. Nhóm do tập đoàn Exxon Mobil dẫn đầu đã tìm ra các mỏ khí mà ông Hậu ước tính chứa khoảng 170-227 tỷ m3 khí. Con số này tương đương một phần ba tổng trữ lượng khí gas hiện tại của Việt Nam, theo hãng dầu khí Anh - BP.
Một liên doanh được điều hành bởi hãng dầu mỏ lớn nhất Italy – Eni cũng đang khoan tìm ở khu vực Cửa Lò. Đây là địa điểm Tập đoàn Canaccord Genuity nhận xét là “có tiềm năng cao” với trữ lượng có thể lên tới 396 tỷ m3 khí. Tuy nhiên, từ trường hợp của Chevron, vấn đề đặt ra là liệu Việt Nam có đạt được thỏa thuận với Exxon Mobil hay Eni hay không.
“Đây là một vấn đề lớn với ngành công nghiệp và sản xuất tại miền Nam. Rõ ràng là nếu lượng điện năng không tăng lên, tăng trưởng kinh tế sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực”, ông Gerner cho biết.
Theo VNE.