Nhà cho thuê 80.000 đồng, nhiều công nhân không thèm ởGiá thuê nhà chỉ ở mức 80.000 đồng một tháng vẫn không có khách, nhà ở dành cho công nhân TP HCM đang đứng trước thực trạng không đủ đáp ứng nhu cầu nhưng vẫn thừa mứa.

Tại buổi giám sát tái định cư, nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội trên địa bàn TP HCM ngày 23/4 do Ban Kinh tế Ngân sách thành phố tổ chức, Phó tổng giám đốc Công ty Phát triển Khu công nghiệp Tân Thuận Phạm Xuân Bình nêu lên thực trạng khó hoàn vốn nếu xây nhà cho công nhân. Công nhân khi ở trong các khu tập trung này phải chịu giá sinh hoạt phí khá cao nên dần dần ra ngoài thuê nhà dân ở. Đơn cử, khu nhà lưu trú tập trung ở Tân Thuận năm ngoái tiếp nhận 800 công nhân, nhưng năm nay chỉ còn 600.

Nguyên nhân không chỉ là tình hình kinh tế khó khăn, các doanh nghiệp cắt bớt công nhân, mà trong đó có phần giá điện, nước và chi phí thuê phòng khá cao nên một số công nhân bỏ ra ngoài thuê cho rẻ hơn, lại tự do hơn.

Thống kê của Sở Xây dựng TP HCM, tính đến năm 2008, tổng diện tích sàn nhà lưu trú công nhân đã xây dựng là hơn 1,29 triệum2, vượt 29% so với chỉ tiêu đến năm 2010 là 1 triệu m2, qua đó đáp ứng khoảng 430.290 chỗ ở. Tuy vậy, có một thực tế là đa phần diện tích nhà ở này đều do các hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng mà dân gian hay gọi là phòng trọ, nhà trọ… (chiếm tỷ lệ 94,4%), còn các doanh nghiệp xây dựng chỉ đủ cung ứng cho 16.018 chỗ, tức bằng khoảng 5,6% nhu cầu công nhân.

Ghi nhận của chúng tôi, những khu lưu trú hay nhà trọ cho công nhân hiện nay đa phần là loại nhà cấp 4, không đủ ánh sáng, không thông thoáng, chưa đảm bảo phòng cháy chữa cháy, có nơi không có điện nước máy, điều kiện vệ sinh kém… Thế nhưng như một công nhân ngành dệt may chia sẻ với chúng tôi: "Người học việc lương chỉ có vài trăm nghìn, làm chính thức 1-1,2 triệu đồng, nếu tăng ca mới được khoảng 1,5-1,8 triệu đồng mỗi tháng. Thu nhập như vậy nên công nhân phải ở ghép với số lượng rất đông để giảm chi phí nhà ở, không thể vào nhà lưu trú".

Theo nữ công nhân này, nếu thuê nhà trong khu công nghiệp tính theo đầu người tuy được ở rộng hơn nhưng hạn chế số người ở chung, chi phí vì thế cao hơn, không thể cân đối được đồng lương ít ỏi nên không phải ai cũng có thể thu xếp được.

Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Nguyễn Tấn Bền giải thích, hiện nay do suy thoái kinh tế, đời sống khó khăn vì thu nhập thấp, công nhân phần lớn là dân tỉnh nhập cư đứng trước áp lực kinh tế dễ nhảy việc, chuyển nơi ở mới... nên mới có cảnh nhà công nhân vắng như chợ chiều.

Các "ông nghị" thành phố cho rằng, đây là thực trạng khó tránh khỏi trước việc đầu tư, phát triển nâng cấp hạ tầng đô thị ồ ạt, dòng người lao động nhập cư ngày một tăng cao, dẫn đến hệ quả là công tác quản lý đô thị của các cơ quan ban ngành chính quyền TPHCM đang đứng trước những thách thức lớn.

Phó Ban Kinh tế ngân sách HĐND TP HCM Huỳnh Công Hùng cho rằng, Sở Xây dựng phải rà soát lại những bất hợp lý tại các khu lưu trú công nhân đang ế khách để có cách xử lý, tránh mắc phải việc xây dựng ồ ạt rồi chẳng ai vào ở.

Trưởng ban kinh tế ngân sách HĐND TP HCM Nguyễn Minh Hoàng nhấn mạnh, nhà lưu trú cho công nhân dù được thống kê đã hoàn thành vượt 29% so với chỉ tiêu từ nay đến năm 2010 nhưng trên thực tế chỉ đáp ứng được 5,6%. "Đây là con số quá thấp, cần tìm ra nguyên nhân và kêu gọi doanh nghiệp bắt tay cùng làm", ông nói.

Lãnh đạo Công ty Phát triển Khu công nghiệp Tân Thuận nói, cần có cơ chế yêu cầu doanh nghiệp đầu tư nhà lưu trú phải gánh một phần chi phí hỗ trợ sinh hoạt cho công nhân trong nhà máy, hãng xưởng của mình; không nên để tất cả khó khăn trong việc thuê nhà lưu trú cho người làm thuê có thu nhập thấp cáng đáng.

Theo Vnexpress.


 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC