Nhà đất VN chưa hút khách Việt kiềuThông tin Chính phủ sắp mở rộng diện Việt kiều mua nhà vẫn chưa đủ sức hút kiều bào đến với các sàn địa ốc TP HCM trong một tuần qua. Theo các chuyên gia, họ chờ đợi chính sách được ban hành rồi khởi động.

8 năm qua chỉ khoảng 140 Việt kiều mua được nhà tại VN. Thống kê từ nhiều sàn giao dịch bất động sản tại TP HMC, lượng Việt kiều mua nhà và chính thức đứng tên sở hữu hiện nay còn rất "khiêm tốn", chỉ chiếm khoản 0,5-2% trên tổng số các giao dịch thành công. Trong khi đó, khách hàng quan tâm đến sản phẩm là Việt kiều lại chiếm 10-15% trên tổng lượt khách tham quan, xem nhà.

Cụ thể, khảo sát của Công ty dịch vụ bất động sản Savills, trung bình có 10-15% khách hàng quan tâm đến các dự án là Việt kiều nhưng chưa có trường hợp nào đứng tên trực tiếp, ngoại trừ dự án nghỉ dưỡng được thuê dài hạn trong 50 năm.

Tương tự, Công ty Kiến Á, đơn vị đang kinh doanh dự án căn hộ cao cấp Blooming Park, lượng khách Việt kiều của dự án này đếm được 4 người, chiếm 2% trên tổng số khách hàng. Trong một tuần trở lại đây đã có vài trường hợp Việt kiều quan tâm đến việc chuyển tên người sở hữu nhưng chưa ai ký kết hợp đồng.

Trong khi đó, theo số liệu tổng hợp từ dự án Saigon Pearl với 80% căn hộ Ruby bán được trên tổng số 2.000 sản phẩm, có khoảng 10% khách hàng kiều bào. Riêng khu căn hộ cao cấp The Manor tại TP HCM cũng có nhiều cư dân là Việt Kiều sinh sống, tuy nhiên hình thức phổ biến tại đây là thuê dài hạn hoặc nhờ người thân đứng tên. Còn theo phòng kinh doanh của Nam Long chỉ có 0,5% khách diện này trên tổng số các giao dịch toàn hệ thống từ nhiều năm qua.

Theo nhân viên bán nhà tại Công ty Nam Long, trước khi mua căn hộ, khách hàng đều được lọc ngay từ đầu xem có thuộc diện được phép sở hữu nhà tại Việt Nam hay không, sau đó luật sư sẽ tư vấn và hướng dẫn các thủ tục cần thiết. Trước đây, công ty từng áp dụng bản cam kết, trong trường hợp vì vướng quy định chung không ra được giấy tờ nhà thì khách phải chỉ định một người thân đứng tên, doanh nghiệp không chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, hiện hình thức này đã được hủy bỏ vì hầu hết khách hàng có "dính" đến yếu tố nước ngoài đều chuẩn bị sẵn phương án chọn thân nhân chịu trách nhiệm pháp lý.

Trưởng phòng kế hoạch Công ty Kiến Á Cao Thanh Hoàng cho rằng, mở rộng diện Việt kiều được mua nhà sẽ làm cho thị trường nhà đất phát triển đa dạng hơn. Tuy nhiên, ông dự báo hiện nay địa ốc ở Mỹ và Australia đều tuột giá mạnh sẽ làm giảm tính cạnh tranh của bất động sản Việt Nam nên khách có yếu tố nước ngoài giao dịch hạn chế.

Tổng giám đốc Công ty cổ phần địa ốc ACB (ACBR) Phạm Văn Hải phân tích: "Chính sách mở rộng diện Việt kiều được mua nhà sẽ giúp địa ốc Việt Nam thông thoáng hơn nhưng chắc chắn không kích thị trường ấm lại vì mấu chốt của sự bền vững là công cụ tài chính hỗ trợ tốt tất cả đối tượng".

Quan điểm của ông Hải, cả nước có trên 80 triệu người vẫn không cải thiện được thị trường nhà đất, vậy với 3 triệu kiều bào cũng không thể làm biến chuyển được tình hình chung. Trong khi đó, chưa có một số liệu nào thống kê chính xác số kiều bào được mua nhà theo diện bổ sung sắp tới đồng thời ước tính con số này cũng khá nhỏ so với mặt bằng chung.

Lãnh đạo Công ty ACBR nhận định rằng, chính sách cho Việt kiều mua nhà đã triển khai hơn 8 năm qua, tuy nhiên cả nước chỉ có 140 trường hợp được mua. Do đó, chờ chính sách mới thông qua, ban hành và đi vào thực tiễn cần phải có thời gian "khởi động" khá dài. Theo ông Hải, nếu diện Việt kiều được mua nhà chính thức được mở rộng sẽ có ý nghĩa xóa bỏ dần các quy định hạn chế quyền sở hữu nhà của kiều bào.

Trao đổi với chúng tôi, Phó tổng giám đốc Công ty địa ốc Hoàng Quân Trương Thái Sơn cho biết: "Tài chính bất động sản hiện tay có nguồn gốc từ nước ngoài không nhỏ và đã có nhiều kiều bào mua nhà theo hình thức nhờ người thân đứng tên. Nếu mở rộng diện này, số lượng kiều bào "ra mặt" sẽ tăng gấp 10 lần so với hiện nay".

Chuyên gia này cho hay, ngay cả khi nhà nước không cho phép, do nhu cầu bức bách, kiều bào vẫn "lách" được. Đội ngũ luật sư của Công ty Hoàng Quân cũng nhận được rất nhiều phản hồi của khách hàng là Việt kiều trong nhiều ngày nay nhưng mọi thứ vẫn "án binh bất động" để chờ chính sách mới được thông qua.

Ông Sơn đề xuất, nếu muốn phân khúc nhà cho kiều bào được "tăng nhiệt", trước tiên cần cải cách thủ tục sang tên, chuyển nhượng đối với đối tượng này được nhanh, gọn, hiệu quả. Ngoài ra, Chính phủ cần có hướng dẫn cụ thể, cam kết về mặt đầu tư để đảm bảo tài sản của Việt kiều và tránh đánh thuế 2 lần mới kích được nguồn cầu này chuyển biến tích cực.

Theo Ủy ban về người VN ở nước ngoài tại TP HCM, dù chính sách mới đang được bàn thảo nhưng chưa có trường hợp kiều bào nào đả động đến việc mua nhà trong thời điểm này. Nhiều chuyên gia bất động sản nhận định, tình hình khủng hoảng tài chính thế giới đã tác động đến đời sống khá nhiều kiều bào, khiến không ít người trong số họ phải đối mặt với nhiều khó khăn: thất nghiệp, tài chính eo hẹp, kinh doanh khó khăn... nên việc mua nhà tại VN có thể bị hoãn lại.

Theo Vnexpress.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC