Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến đưa vào dự thảo Luật Nhà giáo quy định nhà giáo phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp.
Giấy chứng nhận này được cơ quan quản lý giáo dục có thẩm quyền cấp miễn phí và có giá trị sử dụng trong toàn quốc.
Không cần thiết
Kết quả thăm dò bạn đọc từ Tuổi Trẻ Online cho thấy 80% người tham gia không đồng ý với việc có thêm giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo, 19% đồng ý, 1% ý kiến khác.
Kết quả thăm dò bạn đọc Tuổi Trẻ Online (tính đến 7h sáng nay 20-1) cho thấy chỉ có 19% số người tham gia đồng ý nhà giáo phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp - Đồ họa: MINH GIẢNG
Trong khi đó, nhiều bạn đọc phản hồi cho rằng với các bằng cấp, chứng chỉ và kinh nghiệm đã có, không cần thiết phải có thêm chứng nhận nghề nghiệp.
Có bao nhiêu luật là giáo viên phải đi học bấy nhiêu cái chứng chỉ để gọi là lý do "luật quy định". Kinh nghiệm 10 - 20 năm của giáo viên sẽ hơn hẳn những nội dung bài học thi chứng chỉ này.
Bạn đọc Thanh Nguyen cũng hỏi vậy bằng tốt nghiệp sư phạm dùng để làm gì? Và mỗi trước khi vào đầu năm học thì giáo viên cũng phải tập huấn về chuyên môn để làm gì?
Tương tự, bạn đọc Vương Kiến Đông bức xúc: Ra quy định trên khác nào nói bằng sư phạm từ các trường trung cấp, cao đẳng, đại học... không có tác dụng? Đừng làm phức tạp thêm những chuyện đơn giản.
Giải thích rõ hơn, bạn đọc Anh Nguyễn phân tích: Ai đã học ngành sư phạm thì biết rõ trải qua 4 năm đại học, mỗi sinh viên được đào tạo biết bao nhiêu kỹ năng, trải qua bao nhiêu giờ kiến tập, thực tập... mới được tốt nghiệp và làm giáo viên. Vậy có cần thiết phải có cái giấy chúng nhận đó không?
"Tìm giải pháp nâng cao chất lượng dạy - học và nâng cao đạo đức cho học sinh thì quan trọng hơn là nghĩ ra nhiều quy định theo tôi là không cần thiết", bạn đọc này ý kiến.
Bộ Giáo dục và Đào tạo hãy trả lương cho thầy cô đủ sống đã. Hãy xây dựng trường học đủ tiêu chuẩn, có một chương trình giáo dục đủ khoa học đã và một cơ chế quản lý bảo đảm tôn trọng nhân cách người thầy.
Bạn đọc Bùi Công Tuấn
Một bạn đọc viết: Bằng cấp sư phạm, chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đã đủ ghi nhận một người là nhà giáo rồi. Nếu như cấp thêm "giấy chứng nhận nghề nghiệp" thì dựa vào tiêu chí nào để cấp?
"Nếu chỉ dựa trên giấy tờ, bằng cấp của người đó để mà cấp "giấy chứng nhận nghề nghiệp" thì việc này chỉ đơn thuần là một thủ tục hành chính, gây lãng phí thêm thời gian, tiền bạc, công sức, nguy cơ đẻ ra việc xin cho.
Còn nếu phải có kỳ sát hạch để cấp "giấy chứng nhận nhà giáo" thì khác nào thừa nhận việc đào tạo sư phạm của ta đang có vấn đề và có độ tin cậy thấp", bạn đọc này viết.
Tác dụng không nhiều?
Theo nhiều bạn đọc, giáo viên đã phải thi và lấy nhiều chứng chỉ theo quy định, nhưng kết quả dạy học thực tế không thay đổi gì. Do vậy, việc có thêm chứng nhận nghề nghiệp cũng chưa hẳn đem lại kết quả tích cực so với hiện nay.
Bạn đọc Trần Hanh cho biết cách đây 7 năm đã đẻ ra việc giáo viên dạy Anh văn phải có bằng FCE, tốn bao nhiêu tiền của (vì mỗi cô học mất 70 triệu đồng) mà có hơn gì đâu.
Một bạn đọc khác đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nên để tâm thực hiện những công việc mang tầm vĩ mô hơn.
Hiện nay đã có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ giảng viên đại học rồi, không nên thêm gánh nặng cho nhà giáo nữa.
Theo bạn đọc Vũ Nguyên, cả nước có khoảng 1,5 triệu nhà giáo. Nếu cấp giấy phép hết thì sẽ tốn của xã hội một chi phí khổng lồ (tiền giấy mực, thời gian đi lại, xin...) trong khi tác dụng của giấy phép là không đáng kể vì lâu nay không có giấy đó ngành giáo dục vẫn hoạt động bình thường. Vậy có cần thiết khi đưa ra nó không?
Trong khi đó một bạn đọc cảm thán: Giáo viên lương thấp, áp lực từ nhà trường, phụ huynh - học sinh. Giờ thêm cái giấy chứng nhận...
Nhà giáo nên có chứng nhận nghề nghiệp
Ở chiều ngược lại, không ít bạn đọc cho rằng việc nhà giáo phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp là cần thiết bởi nhiều ngành nghề hiện nay cũng có chứng nhận nghề nghiệp, hành nghề.
Bạn đọc Bình Minh thậm chí nói bây giờ Bộ Giáo dục và Đào tạo mới yêu cầu chứng nhận nghề nghiệp là "quá muộn": "Tôi làm kỹ sư xây dựng đã phải có chứng chỉ hành nghề cách đây 15 năm rồi. Nhà giáo là giáo sư, tiến sĩ đào tạo nước ngoài về muốn làm việc ở Việt Nam ta đều phải đi thi để có được".
Tương tự, bạn đọc Trương Kiệt nói nên thiết lập các ngành nghề cần có chứng chỉ hành nghề như y tế, giáo dục... Và người có chứng chỉ hành nghề cũng được sự hỗ trợ về nghề nghiệp, bảo hiểm... của hiệp hội mà người đó tham gia.
Một bạn đọc khác đồng ý việc cấp chứng chỉ nghề nghiệp sau khi công tác và đủ chuẩn là hợp lý. Bởi vì việc tốt nghiệp đại học, thạc sĩ… là chỉ mới đạt yêu cầu về trình độ đào tạo, còn việc đi dạy được không lại là chuyện khác.
"Công tác giáo dục có hàng loạt tiêu chí khác, anh không đạt thì không được cấp giấy hành nghề và không được đi dạy là đương nhiên. Và tôi còn đề nghị là xét thật kỹ tiêu chí "đạo đức nhà giáo" để giáo viên thật sự xứng đáng với niềm tin xã hội" - bạn đọc này đề xuất.
Nguồn: Báo Tuổi Trẻ