Nhà khoa học VN: "Tôi cần cái này để làm cái kia"?

"Cứ tiếp tục đổ lỗi cho cơ chế và pháp luật là không thể được. Xã hội đang đề ra những yêu cầu cấp bách, đòi hỏi người làm khoa học phải xắn tay vào làm, rối đến đâu sẽ cùng tháo gỡ đến đó".

Mỹ đã bất ngờ với Sony

Năm 1946, Sony  khởi đầu từ một doanh nghiệp loại xoàng với 20 công nhân sửa chữa máy quay đĩa. Họ đã có quyết định dũng cảm mua bằng độc quyền sáng chế transistor của công ty Wesstern Electric - Mỹ. Lúc này trasistor chỉ được sử dụng cho máy trợ thính.

Công ty W.E cho rằng với tiềm lực như vậy, Sony sẽ không thể làm điều gì to tát, ảnh hưởng đến họ nên đã bán và chia sẻ các thông tin kỹ thuật cho một kỹ sư của công ty Sony theo hợp đồng mua bản li xăng.

Ông chủ Ibuka của Sony đã phải gom góp để có được 25.000USD mua li xăng này. Và bằng nỗ lực tuyệt vời của người Nhật Bản, năm 1956 Sony đã sản xuất ra chiếc đài bán dẫn. 

Chỉ 4 năm sau, năm 1960, đài bán dẫn của Sony tràn ngập thị trường thế giới, kể cả trên nước Mỹ. Đó là điều mà người Mỹ không thể ngờ được.

Hiện nay, Sony là hãng hàng đầu trên thế giới sản xuất các sản phẩm  điện tử.

Nhà khoa học Việt Nam: "Tôi cần cái này để làm cái kia"

Ở nhiều  nước phát triển trên thế giới, từng lĩnh vực khoa học kỹ thuật có những nhà khoa học nổi trội, ta thường gọi là các nhà khoa học đầu đàn. Việt Nam ta trong nhiều lĩnh vực khoa học đang thật sự thiếu những nhà khoa học này.

Điều này cũng có nguyên nhân lịch sử là chúng ta vừa trải qua các cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất tổ quốc, bảo vệ biên giới. Một thời gian dài hoạt động khoa học được thực hiện theo cơ chế bao cấp, Nhà nước đặt hàng - nhà khoa học thực hiện, hầu như không xem xét nhiều đến hiệu quả kinh tế của các sản phẩm do các nhà khoa học làm ra.

Vì vậy, khoa học chưa thật sự là động lực để phát triển kinh tế xã hội và có lẽ chính vì thế, ít xuất hiện những nhà  khoa học đầu đàn.

Mặt khác, ngay từ những năm kháng chiến chống Pháp, Đảng đã có chủ trương đào tạo các nhà khoa học. Một số nhà khoa học đã đạt được các học hàm, học vị khoa học cao đã chuyển sang làm công tác quản lý. Chúng ta lại mất đi những nhà khoa học mà nếu tiếp tục sự nghiệp khoa học họ có thể trở thành những nhà khoa học đầu đàn.

Do một thời gian dài hoạt động theo cơ chế bao cấp, nên đến thời điểm hiện nay, không ít các nhà khoa học, tổ chức khoa học công nghệ vẫn có tâm lý ỉ lại Nhà nước: "tôi không thể làm được vì chưa đủ điều kiện"; "tôi cần phải được cung cấp cái này, cái kia để làm được việc".

Nhà nước đã ban hành rất nhiều các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động khoa học công nghệ như các Luật: Khoa học và Công nghệ, Chuyển giao công nghệ, Sở hữu trí tuệ, Chuyển giao công nghệ cao, Năng lượng nguyên tử…. Trong đó đã quy định đầy đủ các cơ chế, chính sách và giải pháp để phát triển khoa học và công nghệ.

Mấy năm gần đây, ngoài các văn bản luật nói trên, Thủ tướng Chính phủ cũng đã các Quyết định về phát triển: Công nghệ vũ trụ, Năng lượng nguyên tử, Công nghệ sinh học, Công nghệ hoá dược, Công nghệ cơ khí, Công nghệ Vật liệu nổ, Công nghệ giống cây trồng, khai thác khoáng sản, luyện kim v.v ….

Vừa qua Nhà nước cũng đầu tư cho hơn 20 phòng thí nghiệm trọng điểm, đầy đủ máy móc thiết bị dành cho nghiên cứu khoa học. Đồng thời, về hợp tác quốc tế, ta có cơ chế cho các nhà khoa học trong nước có thể tự do đi bất cứ nước nào để nghiên cứu, hoặc hợp tác với các phòng thí nghiệm quốc tế. Điều kiện cấp hộ chiếu và visa đi nghiên cứu nước ngoài là rất thuận lợi.

Như vậy trên  thực tế, các nhà khoa học đang có rất nhiều điều kiện để nghiên cứu: hoàn cảnh tốt, đất nước bình yên, được môi trường pháp lý bảo đảm phát huy đầy đủ tính tự chủ, độc lập và quyền dân chủ trong hoạt động khoa học. Nhà khoa học không bị cái gì gượng ép, và có thể hoạt động hết sức thoải mái miễn là đem lại hiệu quả thiết thực cho xã hội.

Những người làm khoa học hiện nay nên tận dụng tất cả các lợi thế của cơ chế chính sách, môi trường pháp lý và rũ bỏ việc ỉ lại vào nguồn ngân sách Nhà nước, chủ động tìm các nguồn vốn từ các doanh nghiệp trên cở sở các hợp đồng nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ phục vụ cho công tác nghiên cứu.

Nếu mình không làm được thì phải  phải đổ lỗi cho chính mình, do nhóm của mình, tổ chức của mình chưa chủ động tìm ra lối thoát.

Những sản phẩm đang có uy tín trên thị trường hiện nay như sơn Kova, một số loại vắc xin, thuốc chữa bệnh... đều là do các doanh nghiệp tự nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới để, sản xuất và kinh doanh. Rõ ràng là họ làm được. Họ đâu cần phải kêu quá nhiều vào Nhà nước, hay cơ chế?

Một số viện nghiên cứu ứng dụng công nghệ, theo tôi là hoàn toàn của đủ điều kiện để có thể tự đứng vững phát triển trên đôi chân của mình. Nhà nước đã cấp phần lớn kinh phí hoạt động, còn việc triển khai thế nào là do viện, không thể tiếp tục trông chờ vào sự can thiệp của Nhà nước nữa. 

Đầu tư cho khoa học: bài toán tập trung và phân tán

Theo kinh nghiêm của nhiều nước, việc đổi mới công nghệ có thể được thực hiện bằng việc nhập khẩu công nghệ từ  nước ngoài  hoặc tự nghiên cứu ở trong nước, do Nhà nước đặt hàng thông qua việc thực hiện các đề tài, các chương trình nghiên cứu khoa học.

Để rút ngằn thời gian, việc nhập khẩu công nghệ (mua sáng chế, phát minh, giải pháp hữu ích, các chương trình máy tính dành cho tự động hoá…) là hết sức cần thiết. Nhà nước có thể hỗ trợ và đầu tư  cho các loại hình doanh nghiệp, không phân biệt dó là doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân, miễn là hiệu quả kinh tế từ doanh nghiệp đó đóng góp cho nguồn ngân sách của Nhà nước.

Đối với một số lĩnh vực khoa học công nghệ then chốt như công nghệ vũ trụ, năng lượng nguyên tử, sản xuất vật liệu mới, công nghệ sinh học… Nhà nước cần tập trung đầu tư kinh phí vì không cá nhân, tổ chức khoa học công nghệ, doanh nghiệp nào có đủ vốn để làm việc này.

Còn các công nghệ trực tiếp áp dụng của vào sản xuất để nâng cao năng xuất lao động, tạo ra sản phẩm hàng hoá có chất lượng cao, Nhà nước có thể sử dụng các chính sách ưu đãi về thuế, lãi suất vay thấp, hỗ trợ một phần kinh phí thông qua các quỹ phát triển khoa học và công nghệ nói trên và các đề án, chương trình nghiên cứu khoa học.

Một vấn đề cần đặt ra là việc chọn lựa các đề tài, các chương trình khoa học cần có địa chỉ ứng dụng cụ thể và phải chứng minh được nếu đề tài. Chương trình được  thực hiện được thì sẽ mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao và có đóng góp ngân sách Nhà nước như thế nào.

Việc lưa chọn các cá nhân nhà khoa học và  và đơn vị khoa học chủ yêu cần  dựa trên năng lực thực tế và khả năng thực hiện đề tài. Chủ nhiệm đề tài phải là người trực tiếp thực hiện đề tài, phải được đánh giá đầy đủ về kiến thức, giỏi về ngoại ngữ để có thể tiếp thu tốt tất cả các thông tin trên mạng liên quan đến nội dung đề tài.
Nếu là đề tài nghiên cứu cơ bản nhà khoa học phải có các công trình, bài báo đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế chuyên ngành.

Không nên thiên về học hàm, học vị và cương vị, tuổi tác của nhà khoa học để  lựa chọn làm chủ nhiệm đề tài.  

Số  tiền đầu tư cho đề tài nghiên cứu phải được rót thẳng xuống cho những người làm nghiên cứu, không cần bộ máy hành chính đi theo phục vụ. Chủ nhiệm đề tài phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thu chi, không cần phải chạy vạy đi lo từng chiếc hóa đơn đỏ, hợp lý hóa từng khoản chi.

Nhiệm vụ của nhà quản lý là ở đây là ban hành các tiêu chí để lựa chọn đề tài, lựa chọn công nghệ, lựa chọn chủ nhiệm đề tài,  kiểm soát quá trình thực hiện và đánh giá sản phẩm cuối cùng theo các quy định của pháp luật.

Các viện khoa học có vì khoa học?

Mấy năm trước, ta đã có chủ trương đưa các viện nghiên cứu về các trường đại học, vừa giảm bộ máy hành chính cồng kềnh, giúp hỗ trợ sinh viên tại các trường có điều kiện nghiên cứu. Nhưng chủ trương này đến nay vẫn chỉ là chủ trương. Kết quả là: nhiều viện thành lập trường mới, và nhiều trường thành lập viện mới.

Điều này, xét từ những nguyên nhân xã hội, có thể thấy ngay: Nếu anh đang làm viện trưởng một viện, quyền hành đầy đủ, nắm việc thu chi sinh sát trong tay. Chưa nói đến các hiện tượng tiêu cực có thể xảy ra, chỉ riêng việc chia sẻ quyền lực cũng là điều lấn cấn xảy ra trong tâm trạng và suy nghĩ của mỗi người.

Chỉ có người nào có được suy nghĩ vì nền khoa học chung, coi quyền lực là phương tiện để thực hiện khát vọng khoa học của mình thì mới mong đưa viện vào trường để đào tạo ra một lớp trẻ nghiên cứu khoa học kế tiếp mình.

Trong khi đó, nếu nhà quản lý không thực hiện đúng chức năng, mà thay vào đó là thái độ dung hòa thì không làm được.

Nhưng cũng đừng coi viện sáp nhập này là sự lắp ghép cơ học. Cần phải đặt ra các vấn đề, đứng trên phương diện khoa học, thì viện này đảm nhiệm chức năng gì trong nhà trường? Người làm công tác nghiên cứu ở viện được hưởng quyền lợi gì khi về trường? Khi đó khoa học sẽ phát triển như thế nào?

Cũng lại có một chủ trương khác là đưa viện nghiên cứu thành các doanh nghiệp khoa học công nghệ. Ở đây bộc lộ ngay một điểm yếu của các nhà khoa học của ta là khả năng ứng dụng.

Các viện nghiên cứu đương nghiên phải có hoạt động nghiên cứu khoa học cơ bản, nhưng đồng thời cũng phải nghiên cứu ứng dụng để đưa vào sản xuất. Nhà khoa học đâu chỉ ngồi trong phòng thí nghiệm gặm nhấm những kiến thức kinh viện, mà còn phải có khả năng sản xuất ra các sản phẩm trong phòng thí nghiệm.

Cách đây hơn hai chục năm, tôi có dịp làm việc ở viện Vật lý địa cầu Paris, cùng làm việc ở Viện có một nhà nghiên cứu khoa học Việt kiều tên là Võ Thành Dũng. Anh nhận một đề tài nghiên cứu từ CNRS (Trung tâm nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp) về đá chứa dầu.

Tôi thấy anh hàng tháng trời miệt mài tự chế tạo công cụ nghiên cứu của mình như một người thợ tiện, thợ phay, thợ nguội  lành nghề. Tôi hỏi tại sao anh không đặt  hàng, anh trả lời: công cụ nghiên cứu của mình phải do chính mình tạo ra thì mới bảo đảm các số liệu đo của mình được chính xác và cũng là để tiết kiệm thời gian và kinh phí để thực hiện các nghiên cứu có liên quan. 

Một lần khác đi tham quan khoa học tại Nhật Bản cùng vơi một đoàn cán bộ khoa học của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Vị giáo sư dẫn chúng tôi đến tham quan một sản phẩm mới do đơn vị mình chế tạo. Đến nơi, thấy vị Giao sư mặc trang phục bảo hộ lao động và thao tác như một thợ kỹ thuật điêu luyện, tất cả chúng tôi đều cảm thấy thán phục.

Trên thế giới có rất nhiều nhà toán học rất giỏi, đồng thời cũng là những người đưa ra lời giải cho các bài toán kinh tế. Nhiều nhà vật lý uyên bác đồng thời cũng là những "tay thợ máy" điêu luyện trong xưởng thí nghiệm.

Cứ tiếp tục đổ lỗi cho cơ chế và pháp luật là không thể được. Xã hội đang đề ra những yêu cầu cấp bách, đòi hỏi người làm khoa học phải xắn tay vào làm, rối đến đâu sẽ cùng tháo gỡ đến đó.

Chỉ cần các cấp quản lí thực hiện đủ các quy định hiện hành, các nhà khoa học đủ đam mê và quyết tâm làm bằng được  - làm vì chính mình, vì chính xã hội - nơi đang cần mình.

Trần Sơn Lâm (Nguyên Chuyên viên cao cấp - Hàm Vụ trưởng Vụ Khoa học - Giáo dục - Văn phòng Chính phủ)




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC