Nha Trang thưởng 100.000 đồng cho người báo tin phát hiện ăn xin tiến tới năm 2020 toàn bộ xã phường không còn người lang thang ăn xin.
Ông Võ Ngọc Sơn - Phó Trưởng Phòng Lao động - thương binh và xã hội TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) - cho biết UBND tỉnh Khánh Hòa vừa phê duyệt đề án “Thực hiện mục tiêu không có người lang thang xin ăn trên địa bàn Nha Trang”.
Theo đó, Nha Trang có số điện thoại đường dây nóng 0583.525440 của đội chuyên trách hoặc báo cho UBND xã, phường gần nhất; người đầu tiên báo tin đúng sẽ được hỗ trợ 100.000 đồng/tin.
Bên cạnh đó, Nha Trang còn thành lập đội chuyên trách để từ nay bắt đầu tập trung những người có hành vi lang thang, ăn xin về Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Khánh Hòa.
Những người xin tiền, ăn xin dưới hình thức đàn hát, giả danh tu sĩ khất thực, giả danh cơ nhỡ, người có dấu hiệu tâm thần lang thang trên phố, người không nhà cửa ngủ nơi công cộng... sẽ bị đưa về trung tâm.
Đà Nẵng là địa phương đi đầu trong việc mạnh tay xử lý tình trạng người lang thang, xin ăn.
Địa phương này đã nâng mức trợ cấp cho người nghèo cô đơn, người tàn tật, chú trọng chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, giải quyết vốn làm ăn cho người phạm tội sau khi ra tù để họ có điều kiện hòa nhập cộng đồng.
Việc quản lý, kiểm soát người ăn xin từng được Đà Nẵng và TP. HCM ráo riết thực hiện.
Chính quyền TP Đà Nẵng cũng rất cương quyết trong việc đưa người ăn xin vào các cơ sở xã hội.
TP đã đầu tư xe chuyên dụng, cử lực lượng liên ngành trực 24/24 giờ để kịp thời phát hiện và xử lý khi phát hiện người lang thang, ăn xin.
Bên cạnh đó, Đà Nẵng lập đường dây nóng và thưởng tiền cho người phát hiện, gọi báo có đối tượng lang thang, xin ăn.
Khi nhận được tin, đội cơ động sẽ đến ngay hiện trường để xác minh, lập biên bản và đưa vào Trung tâm bảo trợ xã hội.
Khi vận động những trường hợp cố tình ở lại Đà Nẵng xin ăn về quê không được thì nhà chức trách sẽ lập biên bản cảnh cáo, chuyển về địa phương. Còn đối với người Đà Nẵng ăn xin, nhà chức trách tạo điều kiện về việc làm, hướng dẫn cho bán hàng rong tại các khu vực đã quy định.
Đà Nẵng cũng vận động người dân, khách du lịch không cho quà, tiền đối với những người xin ăn; không mua hàng, quà của người bán hàng rong xin ăn biến tướng.
Mới đây, TP. HCM cũng kiên quyết dẹp nạn ăn xin dù nhận định là khó nhưng không phải không thể thực hiện được.
Ông Lê Chu Giang, Trưởng phòng Bảo trợ Xã hội, Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố cho biết, thực hiện chỉ đạo mới đây của Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng về tăng cường quản lý, thu gom người ăn xin, ngành bảo trợ xã hội thành phố sẽ tiếp tục duy trì 3 đường dây nóng để người dân phản ánh tình trạng người ăn xin.
Những thông tin người dân phản ánh sẽ được xử lý nhanh chóng, kịp thời để tránh tình trạng người ăn xin, ăn xin trá hình di chuyển, gây khó khăn cho việc quản lý.
Ngoài việc phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường truy quét người ăn xin, công tác tuyên truyền người dân không cho tiền người ăn xin sẽ phải được đẩy mạnh tận các khu phố.
Còn đối với các đối tượng lười lao động để đi xin ăn, mà thường xuyên tái đi tái lại chúng tôi sẽ phối hợp với các sở ngành nhờ tham mưu ra các giải pháp để xử lý các đối tượng này” - ông Lê Chu Giang nói.
Cúc Phương (Tổng hợp)