Nhà XHH Trịnh Hòa Bình: "Lòng tham của người Việt bắt đầu thay đổi" "Ngày nay, đời sống xã hội ngày càng mang nhiều màu sắc thì lòng tham của người Việt đã bắt đầu có sự thay đổi muôn hình muôn vẻ. Sự tham lam này dường như không thể hiện lộ liễu, sơ khai mà thậm chí người ta sẽ tìm cách để chiếm đoạt tài sản của người khác một cách hợp pháp".

 Loạt phóng sự thực tế “Tính xấu của người Việt” đã chạy những số đầu tiên với những tình huống dàn dựng để “thử thách” một số người Việt. Ở các phóng sự này, độc giả được tận mục sở thị cảnh một nhóm xe ôm giành giật nhau 30 nghìn đồng ở bến xe Mỹ Đình kiên quyết không trả dù "nạn nhân" phải van xin, người bán nước một mực phủ nhận nhặt được ví bị bỏ quên dù trước đó chỉ dăm phút, chính người này đã dấm dúi đúi ví đó vào cặp quần và người phụ nữ bán bò bía nhặt chiếc ví chỉ có vài chục nghìn đồng mà nhất quyết không nhận,…

Câu chuyện xoay quanh những đồng tiền ít ỏi và cùng một hành vi của những người dân Việt Nam khiến nhiều người đặt câu hỏi, liệu sự tham lam có phải tính cách căn cốt của người Việt? Nó có từ bao giờ và sẽ hạn chế sự phát triển của dân tộc ta ra sao?...

Đi tìm ít nhiều sự giải đáp cho câu hỏi trên, phóng viên báo điện tử giaoduc.net.vn đã có cuộc trao đổi ngắn với nhà xã hội học, PGS.TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm dư luận xã hội, Viện Xã hội học Việt Nam về vấn đề lòng tham của người Việt.

Ông Bình tỏ ra khá thích thú với phóng sự thực tế mà báo điện tử Giáo dục Việt Nam đang thực hiện. Ông cho rằng, việc đưa ra một “bài kiểm tra” về những đức tính hay tính xấu của người Việt ta là một điều cần thiết.

Bởi vì, trước kia, người Việt ta luôn tự hào rằng mình dũng cảm, anh hùng, cần cù chịu khó… Nhưng đến khi ra đời những tác phẩm tự trào mà người Trung Quốc về những tính xấu của dân tộc mình, thì tầng lớp trí thức của ta mới bắt đầu nhìn nhận, phản ánh một cách khách quan về tính cách của dân tộc ta. Khi đó, chúng ta phát hiện ra rằng, dân tộc mình có rất nhiều tính xấu: tham lam, lười biếng, …

 

Nhà XHH Trịnh Hòa Bình:

PGS.TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm dư luận xã hội, Viện Xã hội học Việt Nam.

Trong những câu chuyện cổ tích mà ông cha ta để lại như Tấm Cám, Cây khế… đều nhắc đến lòng tham của con người. Mẹ con Cám vì ham giàu sang, phú quý nên đã tìm cách hãm hại người thân thiết với mình. Tương tự, người anh trai cũng vì tham lam tiền bạc nên đã phải mất mạng ở biển khơi… 

Tính tham lam của không ít người Việt bắt nguồn từ lối sống tiểu nông ngày trước. Đó là quan niệm “đèn nhà ai, nhà nấy rạng”, lúc nào cũng tranh đua để được hơn người khác…

Nhưng ngày nay, đời sống xã hội ngày càng mang nhiều màu sắc thì lòng tham của người Việt đã bắt đầu có sự thay đổi muôn hình muôn vẻ. Sự tham lam này dường như không thể hiện lộ liễu, sơ khai mà thậm chí người ta sẽ tìm cách để chiếm đoạt tài sản của người khác một cách hợp pháp.

Trước câu hỏi, tại một quốc gia sau khi hứng chịu thảm họa sóng thần, đồ đạc, tiền bạc trôi khắp nơi nhưng vẫn không xảy ra tình trang giành giật, cướp đoạt tài sản, so sánh với sự tham lam của cánh xe ôm, bán hàng trong phóng sự thực tế, ông Bình cho rằng, đương nhiên so sánh thì tốt, nhưng 2 trường hợp này khá khập khiễng.

Chủ nghĩa Mác- Lê nin cũng chỉ ra rằng, trong đời sống xã hội, vật chất quyết định ý thức. Khi mà vật chất đã đầy đủ, những lo toan trong cuộc sống giảm nặng... người ta sẽ nghĩ tới những giá trị đạo lý tốt đẹp, xây dựng những giá trị cốt lõi trong tính cách của người Việt từ đó tuyên truyền và nhân rộng ra.

Lòng tham giống như một căn bệnh dễ lây. Nếu không được chế ngự thì căn bệnh này có thể lây ra cộng đồng, ảnh hưởng, hạn chế sự phát triển của dân tộc Việt ta.

Theo GDVN.

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC