Sau nửa năm cầm tấm bằng quốc tế đi xin việc nhưng không ai nhận, Bằng chán nản phát bệnh tâm thần. Khỏi bệnh anh xin đi làm bảo vệ rồi bất ngờ vướng vào vòng lao lý vì nhát dao định mệnh.

Phần một:

Cử nhân bằng quốc tế thất nghiệp vì… khuyết tật

Nhìn cậu con trai Nguyễn Văn Bằng (SN 1985, ở thôn Đoài, xã Xuy Xá, Mỹ Đức, Hà Nội) trở về với tấm bằng tốt nghiệp đại học Minh Tuyền (Đài Loan) sau hai năm du học xa nhà, bà Nguyễn Thị Gia (SN 1961) vô cùng tự hào.

Nhát dao oan nghiệt và nỗi đau xé lòng của người mẹ già - 0

Ngôi nhà đơn sơ của bà Nguyễn Thị Gia tại thôn Đoài (Xuy Xá, Mỹ Đức, Hà Nội) chẳng có vật dụng gì đáng giá ngoài chồng sách vở của người con trai Nguyễn Văn Bằng

Bà Gia kể, tháng 6.2012, Bằng về nước với tinh thần lạc quan. Bằng tin tưởng với những gì đã học được ở nước ngoài anh sẽ sớm tìm được việc làm. Không phút giây nào nam thanh niên 22 tuổi không ngưng nghĩ đến chuyện tìm kiếm việc làm kiếm tiền để chăm lo cho người mẹ đã hy sinh cả đời vì mình.

Cứ có chỗ nào tuyển người, nhất là sinh viên tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh thì Bằng đều nộp hồ sơ ứng tuyển.

“Xin việc trên mạng mãi không được, nó tìm cách lên xã, huyện làm hồ sơ và đi chạy vạy khắp nơi. Có lần còn lên tận Hà Nội đi biền biệt mấy ngày mới chịu về nhà. Lần nào đi cũng trong tâm trạng phấn khơi nhưng khi trở về thì chán nản, thất vọng.

Có lần tôi gặng hỏi vì sao thì nó chỉ nói người ta chê con bị khuyết tật nên không nhận. Nghe nó nói vậy tôi cũng chạnh lòng, chỉ biết ôm nó khóc động viên.", nới tới đây bà Gia bỗng bật khóc vì cảm thấy tủi thân. 

Nhát dao oan nghiệt và nỗi đau xé lòng của người mẹ già - 1Nguyễn Văn Bằng trong thời gian du học ở Đài Loan

Bà Gia kể tiếp, mất nửa năm ròng rã tìm việc, nộp hồ sơ ứng tuyển khắp nơi nhưng không nơi nào chịu nhận Bằng sinh ra chán nản rồi trở nên ngẩn ngơ, ít nói, đôi lúc mẹ gọi nhưng cũng không buồn trả lời.

“Bệnh nó mỗi lúc một nặng, có lần còn trèo lên nóc nhà, la hét đòi đập phá đồ đạc, định lấy kéo cắt nát tấm bằng đại học rồi còn xưng cả mày - tao với tôi nữa”, bà Gia khóc nấc nhớ lại.

Trước đây khi còn khoẻ mạnh. Bằng rất quý sách vở, coi trọng sách còn hơn bản thân thế nhưng từ khi bị bệnh tâm thần, Bằng lúc phát bệnh luôn đòi đập phá nhà cửa, xé, đốt sách.

Bà mẹ nghèo tan giấc mộng vì nhát dao định mệnh

Thấy con có những biểu hiện tâm lý bất thường, bà Gia tưởng Bằng bị “ma ám” làm nên đi cúng bái khắp nơi nhưng không thuyên giảm.

Sau này khi nghe bà con trong xóm khuyên bảo, bà Gia đưa con đi khám ở bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 (Thường Tín, Hà Nội) thì được bác sĩ kết luận rằng Bằng mắc chứng tâm thần phân liệt thể Paranoid.

Từ đó, người mẹ già thương con đều đặn sáng chủ nhật hàng tuần ròng rã suốt 2 năm trời. Từ khi trời còn tờ mờ khi xóm làng còn chưa thức giấc, bà lại lặng lẽ một thân một mình trên chiếc xe đạp cà tàng đạp xe đến tận trưa mới tới chỗ con chữa trị, gặp gỡ ngắn ngủi rồi lại ra về lúc trời nhá nhem.

Nhát dao oan nghiệt và nỗi đau xé lòng của người mẹ già - 2 Những quyển bệnh án tâm thần phân liệt của Bằng nằm bên cạnh các tấm bằng, chứng chỉ như một sự sắp đặt trớ trêu của số phận

Đầu năm 2014, khi bệnh tình có dấu hiệu thuyên giảm, Bằng xin mẹ cho phép được ra Hà Nội xin việc.

“Trước khi đi nó còn nói với tôi là con tạm thời làm công việc trái ngành một thời gian, khi nào có điều kiện con lại tìm việc đúng với chuyên môn của mình.

Tôi lại động viên con kiếm được công việc ổn định, tự chăm lo được cho bản thân chứ đừng đặt nặng áp lực công việc mà lại sinh bệnh.

Thế rồi nó cũng xin được việc bảo vệ ở phố Ngọc Khánh. Công việc cụ thể ra sao nó cũng chẳng nói với tôi, chỉ biết có lần nó bảo phải làm việc cả đêm”, bà Gia nhớ lại.

Thế nhưng niềm vui chăng tày gang, chỉ một thời gian ngắn làm bảo vệ Bằng khiến mẹ đau lòng khi dùng dao sát hại đồng nghiệp.

Theo hồ sơ vụ án, đêm 26.5.2014, thấy hai đồng nghiệp ngồi trên xích sắt của siêu thị, Nguyễn Văn Bằng nhắc nhở nhiều lần không được. Hai bên sau đó xảy ra xô xát. Trong lúc bị đồng nghiệp đánh, chửi, Bằng lấy con dao mang theo đâm loạn xạ làm một người tử vong.

Nhát dao oan nghiệt và nỗi đau xé lòng của người mẹ già - 3

Nhát dao oan nghiệt ấy đã cướp đi những  hi vọng, ước mơ của người mẹ già

Viện pháp y tâm thần Trung ương kết luận Bằng mắc bệnh tâm thần phân liệt. Hiện bệnh ở giai đoạn tái phát, bị can mất khả năng nhận thức điều khiển hành vi.

Con trai vướng vòng lao lý, bà Gia lại chạy vạy lo chăm nuôi cho con bị tam giam. Bà Gia tâm sự, cuộc đời bà là một chuỗi đau khổ, mọi mơ ước của bà đều dành cho cậu con trai bà hết mực yêu thương chăm sóc nhưng “trái ngọt” còn chưa được nếm bà đã nhận lại “trái đắng”.

Nhát dao oan nghiệt và nỗi đau xé lòng của người mẹ già - 4

Giờ đây khi tuổi già ập đến, bà Gia vẫn phải miệt mài lao động. Ngoài non hai sào ruộng, bà còn phải làm thêm vàng mã với tiền công rẻ mạt, cố gắng tích cóp lo chăm nuôi cho con bị tam giam.

“Số tôi nó khổ, giờ chỉ mong sao Bằng nó được nhẹ tội có cơ hội làm lại cuộc đời. Giờ tôi chỉ ao ước con sau này có cuộc sống bình thường để có thể nhắm xuôi tay”, người phụ nữ nghèo nghẹn ngào chia sẻ.

Ông Trần Văn Dậu (Phó thôn Đoài) cho biết, cuộc đời Bà Gia là một chuỗi gian truân, bất hạnh.

Dù là một trong những hộ nghèo nhất trong thôn nhưng bà ấy rất chăm chỉ làm ăn, lo cho con học hành tử tế.

“Bà Gia một mình nuôi con rất vất vả vì cậu con trai không bình thường, một tay bị tật.

Không đủ tiền lo cho con đi học, bà ấy chạy vạy vay mượn, bán cả đất để cho cậu Bằng đi học đại học rồi đi du học nước ngoài. Không ngờ sau này đi học về Bằng lại bị thần kinh bà Gia lại phải vay mượn chữa bệnh cho con, số phận bà ấy quá đáng thương", ông Dậu xúc động.

Phần một:

Nguồn: Việt Linh – Xuân Lực
Dân Việt




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC