Nhạt sắc phai hương "thương hiệu phố phường" Hà NộiHà Nội ngàn năm nhưng còn hiếm hoi những thương hiệu lớn, có sức lan tỏa toàn quốc hay ra nước ngoài. Riêng “thương hiệu phố phường” thì nhiều vô kể. Ấy vậy mà những “thương hiệu phố phường” ấy đang có chiều nhạt sắc, phai hương…

Hương thành gió thị bay đi ít nhiều

“Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”, câu ca ấy bỗng dưng bị méo mó khi người Hà Nội và người sống ở Hà Nội có hành vi vùi hoa dập liễu từ lễ hội hoa anh đào Nhật Bản ở Triển lãm Giảng Võ đến lễ hội phố hoa bên cạnh Hồ Gươm.

Trước những hành động đáng buồn cụ thể, diễn ra không chỉ một lần nơi công cộng, bỗng dưng khiến người ta giật mình: Hai chữ “Hà Nội” có bị tổn thương, phong cách của "người Hà Nội" có bị pha loãng? 

Nhạt sắc phai hương
Những ma-nơ-canh mặc áo dài được kết bằng hoa bị vặt trụi, ban tổ chức lễ hội hoa phải... thay áo và đem ra lại (Ảnh: Đức Chính)

Ai cũng hiểu, uy tín của Hà Nội, được không ít nơi xa gần coi như một "thương hiệu", được xác lập qua hàng ngàn năm từ Thăng Long, Đông Đô đến ngày hôm nay. Đó là bề dày truyền thống, là chiều sâu văn hóa để suốt bao năm nay, người Hà thành hay đất kinh kỳ được gắn với sự hào hoa, thanh lịch.

Vậy mà trong sự phát triển xô bồ, những phẩm chất “tinh hoa” đã không kịp "phát tiết", để lấn át được sự “xuống cấp về văn hóa” như nhà sử học Dương Trung Quốc nhận xét, qua những hành vi khó coi diễn ra hàng ngày, ngỡ chỉ là nhỏ thôi như giành đường, ngắt hoa hay phá bỏ hàng rào, dẫm lễn thảm cỏ..

Nhạt sắc phai hương
Các em học sinh ngắt hoa ngay khu vực tượng đài vua Lý Thái Tổ (Ảnh Pháp luật TPHCM chụp ngày 2/1/2009)

Báo chí trong nước, nước ngoài đều đưa tin về hiện tượng “bất thường” trong những ngày đầu năm mới kia; nên dù có bao biện bằng cách nào thì người Hà Nội gốc, người “Hà Nội mở rộng” hay “người nhập cư ở Hà Nội” cũng không thể trách móc lẫn nhau; mà thay vào đó, sẽ thấy buồn, thấy cần phải làm gì đó ngay khi phẩm chất “Tràng An” trở nên mòn đi, “mất thiêng” khi gắn với người dân Hà Nội. 

Đó là vấn đề văn hóa, còn về phát triển kinh tế, mấy năm gần đây, bên cạnh chuyện "Em ơi, Hà Nội... lụt" gây sốc cho cả nước trong năm 2008 thì chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Thủ đô đã bị tụt hạng, nhiều chuyên gia phát biểu là “đáng báo động với vị thế Thủ đô”. 

Năm 2005, Hà Nội ở vị trí thứ 14, sang năm 2006 tụt tới 26 bậc, xuống vị trí thứ 40. Sang năm 2007 ở vị trí thứ 27, nhưng đến năm 2008 vừa qua, Hà Nội xếp thứ 31/64 tỉnh thành về năng lực cạnh tranh. 

Các nhà nghiên cứu kinh tế, văn hóa, địa lý, tâm lý… hiện nay vẫn đang tồn tại những tiếng nói riêng cho thương hiệu chung “Hà Nội”. Và vấn đề có tính bao trùm đó chắc hẳn sẽ còn được "tranh luận" tới nhiều khi 1000 năm Thăng Long – Hà Nội chẳng còn bao xa.

"Thương hiệu phố phường Hà Nội đã xuất hiện vào thời mà quảng cáo đa phương tiện còn là thứ ước mơ xa xỉ. 

Cơ chế tin đồn, truyền miệng là hình thức chuyển tải thông tin, giới thiệu để những thương hiệu phố phường khắc sâu trong tâm trí mọi người. “Một đồn mười, mười đồn trăm”, thương hiệu phố phường Hà Nội ngày càng trở nên nổi tiếng. Thế là hai chữ “cổ truyền” trở thành... slogan (câu khẩu hiệu) của một số nhãn hiệu, và chất lượng sản phẩm là cách quảng cáo và thuyết phục khách hàng gần như duy nhất. 

Thật kỳ lạ khi ngày nay nhà nhà thi nhau quảng cáo các loại mặt hàng, sản phẩm trên đủ các loại phương tiện truyền thông đại chúng, kể cả dán giấy, phun sơn lên... bờ tường thì không ít thương hiệu phố phường Hà Nội nói “không” với quảng cáo

(Theo Bùi Dũng - Tuổi Trẻ Cuối tuần)

Ở đây, trong khuôn khổ một bài báo, chủ đề chính về “thương hiệu phố phường” Hà Nội đã được nêu ra, là để đặt trong không gian chung đó. 

Gốm sứ Bát Tràng, Kem Tràng Tiền, Phở Bát Đàn, Thịt chó Nhật Tân, Hoa đào Quảng Bá, Phở cuốn Ngũ Xá, Café Hàng Hành, Bún ốc Khương Thượng - Hòe Nhai, Chả cá Lã Vọng, Cốm Làng Vòng, Bánh cốm Hàng Than, ô mai Hàng Đường, bánh cuốn Thanh Trì... nay có thêm những thương hiệu nhập về từ Hà Tây như lụa Vạn Phúc, mây tre đan Hà Tây, nón làng Chuông… Thôi thì vô số “thương hiệu” phố, chủ yếu là sản phẩm thủ công - gia truyền, mà khó có thể kể hết trong trí nhớ.

Những cái tên vang danh cả nước, gắn với vùng đất "rồng cuộn, hổ ngồi" ấy từ bao đời nay đã góp phần tạo nên bản sắc và cái hồn của đất Tràng An, của "Hà Nội như ngôi đền cổ, ba mươi sáu sợi phố phường" - thử hỏi nay còn “đậm đà” hay đang nhạt phai màu sắc? 

Xin thưa, trong cơn lốc thị trường, những “thương hiệu phố phường” được định danh từ thuở nào ấy đến nay còn như “ngàn năm một thuở” đã là một điều tốt lắm rồi.

Không khỏi chạnh lòng khi thực tế chỉ ra không ít “thương hiệu” trong số đó chẳng những không vươn xa hơn mà dần trở nên mất “chất”. 
 
Không đợi đến khi Hà Nội mở rộng người ta mới lo “chất” Hà Nội bị “pha loãng” mà từ lâu rồi, Hà Nội không còn giữ vững được những lợi thế đặc trưng từ các sản phẩm mang tính cha truyền con nối như ngày nào.

Những “ngõ nhỏ, phố nhỏ, đặc sản nhà tôi ở đó” đã và đang đứng trước thách thức trong chuyện “bảo lưu” hồn cốt, vị thế độc quyền và sức hút với du khách thập phương và với chính người sở tại.

Đến Hà Nội ăn gì, chơi đâu – sao khó quá…

Nhạt sắc phai hương
Chả cá Lã Vọng ở phố Chả Cá

Nếu đi du lịch nửa ngày, cùng lắm là một ngày bằng ô tô hoặc xe máy là hết Hà Nội "cũ" – điều đó đã được không ít du khách nước ngoài lên tiếng. Ai đó, cuối tuần, muốn rong ruổi Hà Nội để tìm món ngon, vật lạ thì cũng phải trăn trở ít nhiều…

Đi ăn Kem Tràng Tiền vào mùa đông rét căm có lẽ đỡ phải xô bồ cực nhọc, tránh được phấp phỏng kem còn hay hết, người bán lạnh te hất hàm “ốc quế hết rồi” hay có khi phải chưng hửng trước biển "tạm nghỉ" vì chuyện nội bộ nên xảy ra... “đình công” bất chợt.

Các món ăn đường phố như phở cuốn Ngũ Xá, nem chua rán ngõ Tạm Thương, cháo gà Lý Quốc Sư, hoa quả dầm Tô Tịch, mực nướng Hàng Bồ, nem tai Hàng Thùng, lạc rang húng lìu Bà Triệu... - thú ẩm thực của biết bao người thì cũng luôn bị cảnh báo lên xuống về chất lượng vệ sinh hay ít ra là chất lượng phục vụ - điểm yếu cố hữu ở Hà Nội lâu nay. Ai là người Hà Nội, đi ra ngoài lâu lâu trở về lại đâm ra so sánh.

Nhạt sắc phai hương

Nhạt sắc phai hương

 

 

Kem Tràng Tiền, Phở Bát Đàn luôn đông nghịt khách

Đến café Lâm, cafe Hàng Hành, café Nhân hay café Giảng… cũng chỉ còn là sự ưa chuộng trong thói quen của một bộ phận người dân Hà Nội, còn chính ra, nhiều người tinh tường sẽ nắm được nhiều địa chỉ hay ho với café thực sự ngon, ngoài những địa chỉ muôn năm cũ ấy. Chả cá Lã Vọng thì đứng trước sự cạnh tranh của chả cá Kinh Kỳ và nhiều loại chả cá khác có cửa hàng đỡ chật chội hơn. Bánh cốm thì tăng giá một mạch mà chưa bao giờ thấy giảm.

Thịt chó Nhật Tân thì chẳng khác nào “xì căng đan” từ xưa nay khi chẳng ai biết đâu mà lần giữa bao la bát ngát biển hiệu "nhái" Anh Tú “xịn”, Anh Tú “chính hiệu”, Anh Tú "gốc"…

Để được xì xụp phở Bát Đàn, phở Thìn hay phở Hiền... nếu không phải gần nhà thì người ăn khó có thể kiên nhẫn xếp hàng, đợi chờ vì… nản. Các loại phở quán xá sạch bong, phục vụ tốt, hình thức đẹp như phở 24 hay phở Vuông tưởng khó trụ ở “đất phở Hà thành” hóa ra nhiều năm nay vẫn dập dìu người lui tới… 

Chẳng thế mà trong cuốn tản văn có cách viết khá duyên dáng “Ăn phở rất khó thấy ngon”, tác giả Nguyễn Trương Quý đã viết rằng: 

“Phở không ngon vì 100 lý do: cuộc sống đã phong trần hơn, ăn đã sướng mồm hơn, Hà Nội đã bớt hữu tình hơn… nhưng có ai nghĩ là chúng ta đã để tô phở xuống giá thê thảm, để chất lượng bát phở đuểnh đoảng đến phát ngán, và món phở, đã không còn là thức thời trân như thời của những “thương nhớ mươi hai”.

Hình như từ món phở này, cách sống với những giá trị của chúng ta soi từ đấy thấy cũng nông nông, tùy tiện. Người ta ghét cái kiểu phở chửi, cháo quát, bỏ tiền ra ăn bát phở chứ đâu có phải đưa bát phở đưa lên miệng có vị “chan đầy nước mắt”. Có nhiều người không thấy phở 24 là ngon, hoặc phở gì mà đến 24 vị, phở chứ có phải thuốc bắc đâu, nhưng đều thấy ít ra là phở hóa ra cũng sạch được!”.



Thăng Long - Hà Nội - Thành phố "Vì hòa bình" vẫn chuyển động cùng nhịp sống đất nước; nhưng đúng là trong sự chuyển động ấy, có nhiều thứ cần đổi thay, cần phải khác đi, mới hơn để thích ứng và hợp thời hay để đầy hơn, dầy hơn vốn có. 

Bề dày lịch sử, chiều sâu văn hóa với Hà Nội là những điều không thể tự dựng lên được trong ngày một ngày hai; hà cớ gì “thương hiệu phố phường” phải nhạt phai? Sao người ta cứ phải khắc khoải mãi một điều: Thủ đô ngàn năm từ “làng trong phố” nay đã là "thành phố trong thành phố" vẫn thiếu vắng những "thương hiệu" lớn vươn xa, chưa có doanh nghiệp quy mô bắt nguồn từ phố phường và truyền thống?

Theo VietnamNet




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC